Lễ hội Phủ Dầy: Góp phần bảo tồn, phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu

Về Phủ Dầy những ngày đầu tháng 3 âm lịch, khách thập phương được hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh đầy sắc màu của lễ hội và nghi lễ hầu đồng.

 

Không  gian văn hóa tâm linh

Quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) có gần 20 đền, phủ, chùa, lăng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh (một biểu tượng trong “tứ bất tử” của Việt Nam) và các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Vào dịp cuối tuần, dễ nhận thấy lượng du khách về chiêm bái tại Phủ Tiên Hương khá đông. Phía trong Phủ Tiên Hương, nghi thức hầu đồng được thực hành ở 3 ban chính gồm: Ban Công đồng (cung Đệ tứ), Ban Ngũ vị Vương quan (cung Đệ tam), Ban Tứ Vị Chầu bà (cung Đệ nhị). Khi có giá hầu, những người vào lễ bình thường không chen nhau mà tự giác tản đều ra 2 bên ban thờ để hành lễ. Tại cung Đệ tam, nhiều du khách nán lại theo dõi thanh đồng Ng.Th.D vấn hầu theo lối cổ truyền. Trong âm nhạc rộn rã, giọng hát văn ngọt ngào cùng khói hương huyền ảo, những bước chân, động tác múa của thanh đồng cao tuổi vẫn thoăn thoắt nhịp nhàng.

Tất cả những yếu tố trong nghi lễ hầu đồng, hát văn mang tới nét độc đáo từ sự tinh tế của âm nhạc, trang phục và diễn xướng sân khấu dân gian đến nét huyền bí tâm linh được coi là nghi thức tiêu biểu nhất của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Thanh đồng Ng.Th.D bày tỏ: “Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, biết ơn những người có công với dân với nước, thờ phụng tổ tiên ông bà, làm những việc có ích cho bản thân, gia đình, xã hội”.

biểu diễn trống hội trong khai mạc lễ hội phủ dầy 2019

Không chỉ ở Phủ Tiên Hương mà ở các đền, phủ trong Quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy như: Phủ Vân Cát, Phủ Bóng (Đền Cây Đa Bóng), Phủ Công Đồng, Phủ Tổ… vào dịp trước và trong lễ hội cũng rộn ràng diễn ra các nghi lễ hầu đồng. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, các buổi hầu đều được các thanh đồng chọn ngày lành tháng tốt để đặt lịch trước với thủ nhang. Hiện nay, điều lo lắng nhất của những thanh đồng chân chính là nghi lễ hầu đồng đang có nguy cơ bị biến tướng, thương mại hóa làm méo mó, trái ngược ý nghĩa tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu. Đặc biệt, nhu cầu hầu đồng của người dân ngày một tăng, dẫn đến hiện tượng quá tải trong việc tổ chức hầu đồng ở một số đền, phủ, nhất là các đền, phủ lớn. Thanh đồng Trần Thị Huệ, thủ nhang Phủ Tiên Hương cho rằng: “Quan trọng nhất là người thực hành tín ngưỡng phải có nhận thức đúng khi mình hầu Mẫu, hầu Thánh, không được mang tính phô trương, lợi dụng về tín ngưỡng để trục lợi”. Hiện nay, riêng ở Phủ Tiên Hương, thủ nhang luôn chuẩn bị sẵn trang phục một số giá hầu đồng để giúp các thanh đồng có hoàn cảnh khó khăn sử dụng miễn phí. Để tránh việc các bài hát văn cổ bị thất truyền, nghệ nhân Trần Viết Trường có thâm niên 21 năm gắn bó với hát văn ở Phủ Dầy đã tham gia dạy các lớp hát văn ngay tại Phủ Tiên Hương và đến nay anh đã đào tạo được hơn 20 nghệ nhân hát văn trẻ.

Tôn vinh tinh thần yêu nước, hòa hợp dân tộc

Lễ hội Phủ Dầy năm nay diễn ra từ ngày 7-12/4/2019. Phần lễ bao gồm các hoạt động tế, rước thỉnh kinh, rước đuốc…; phần hội có thi hát chầu văn, hoa trượng hội, thả rồng bay, múa lân sư rồng, thi đấu các môn thể thao truyền thống như vật, cờ người. Nét mới trong thời gian diễn ra lễ hội Phủ Dầy năm nay là có triển lãm ảnh tại Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát do Ban tổ chức Lễ hội phối hợp cùng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức.

Một giá hầu đồng ở Phủ Tiên Hương

Trước mỗi buổi hầu đồng, thủ nhang thường nhắc nhở những thanh đồng trẻ cần hiểu chính xác về tín ngưỡng thờ Mẫu để thực hành một cách đúng đắn”, Thanh đồng Trần Thị Huệ

Phát biểu tại lễ khai hội Phủ Dầy, ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định một lần nữa nhấn mạnh: Lễ hội Phủ Dầy gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, là hoạt động văn hóa dân gian độc đáo có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc. Việc tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trước thực trạng thời gian gần đây, nghi lễ chầu văn, hầu đồng ở một số nơi có dấu hiệu biến tướng, thương mại hóa làm sai lệch di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu, Ban tổ chức lễ hội Phủ Dầy năm 2019 đã xây dựng nhiều phương án, kế hoạch để ngăn chặn tình trạng trên.

Ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản cho biết: Để chuẩn bị cho Lễ hội Phủ Dầy năm 2019, Ban tổ chức đã thành lập 7 tiểu ban thực hiện tốt các yêu cầu: Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, công tác phòng chống cháy nổ, quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ, hạn chế tối đa các hoạt động mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội, ngăn chặn và xử lý kịp thời, các trò chơi vi phạm pháp luật, không để xảy ra những sự cố bất ngờ cho nhân dân, du khách tham gia lễ hội. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các hoạt động dịch vụ “chặt chém” du khách nhằm hướng tới xây dựng môi trường lễ hội lành mạnh để tăng sức hút du khách.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận