“Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” không chỉ là bữa tiệc văn hóa mang lại cảm xúc sâu lắng cho khán giả, mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Hôm nay, tôi đã đưa hai con trai đi cùng để các con thêm tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghìn năm văn hiến”.
Đó là những chia sẻ của chị Mai Thị Liên (phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) trong không khí rạo rực, tươi vui khi hoà chung vào dòng người trong màn thực cảnh tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng” nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
“Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”
Dù không sinh ra và lớn lên tại Hà Nội như chị Liên, nhưng bà Đặng Thị Hợi (phố Thợ Nhuộm) vẫn khắc sâu trong tâm khảm nét thanh lịch Tràng An và luôn nâng niu, trân trọng. Bà Hợi bày tỏ: “Tuy không sinh ra tại Hà Nội nhưng tôi đã gắn bó với nơi đây từ năm 1971. Từ thời điểm đó đến nay, nét văn hóa thanh lịch của người Tràng An trong giao tiếp, ứng xử, các phong tục, tập quán, văn hóa ẩm thực,… luôn chảy trong tôi”.
Thăng Long - Hà Nội là một trong những Thủ đô cổ của vùng Đông Nam Á, hơn nữa là thành phố duy nhất hầu như liên tục trải qua hơn 1.000 năm giữ vị trí là đầu mối chính trị, trung tâm kinh tế và văn hoá của cả nước. Với vị thế đó, người từ mọi miền đất nước đã tụ họp về đây sinh cơ lập nghiệp. Sự tập hợp ngày càng đông cư dân từ mọi miền đất nước đã biến Thăng Long - Hà Nội thành nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước. Với vị trí trung tâm của Đồng bằng Bắc bộ, Thủ đô là nơi hình thành, lưu giữ đậm đặc những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, cũng là điểm giao thoa các vùng, miền văn hoá khác nhau. Đồng thời tạo nên tính cách con người Hà Nội, như nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến từng nhận xét: “Ở đất kinh đô, người dân gần với chính quyền nhất, cho nên dân chúng muốn hay không đều phải tuân thủ luật pháp nghiêm chỉnh hơn những vùng đất khác. Dần dần, cách đi lại, ứng xử cũng vì thế mà mực thước, khuôn phép hơn”.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long đã nói: “Thủ đô Hà Nội là nơi tụ hội của văn hóa đất nước và nó cũng là nơi tỏa sáng văn hóa của đất nước”. Thực tế, cư dân Thăng Long vốn là người dân tứ xứ tụ về. Người từ nơi khác đến, mang theo đủ sắc thái văn hóa vùng miền về đất kinh kỳ, rồi sau vài thế hệ đã “Hà Nội hóa” lúc nào không hay. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội có “bộ lọc” ngầm tuyệt vời, giữ lại những nét tinh túy, đáng quý của văn hóa truyền thống dân tộc; bỏ đi những gì tiêu cực, hạn chế, tiếp thu có chọn lọc văn hóa, văn minh nước ngoài.
Hội tụ cốt cách văn hoá con người Tràng An
GS,TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng: “Hai yếu tố kinh đô và đô thị thương mại là nhân tố chủ chốt kiến tạo mạch ngầm văn hóa Hà Nội bao đời nay”.
Nói đến mạch ngầm văn hoá Tràng An, điều quan trọng nhất phải đề cập chính là văn hoá con người Tràng An. Văn hóa đó thể hiện ở cách giao tiếp ứng xử, kết nối cộng đồng, những phong tục tập quán phong phú, nét văn hóa ẩm thực thanh lịch,… tất cả những giá trị văn hóa truyền thống từ lâu đời hòa vào dòng chảy văn hóa nói chung của người Tràng An.
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” là câu nói ví von về nét đẹp con người Thăng Long - Hà Nội. Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, hình ảnh “hoa nhài” dẫu sao cũng chỉ là cách người xưa ví von, chứ không thực sự đại diện cho bản sắc của người dân thành phố này. Văn hóa dù mang tính hằng số nhưng vẫn biến động mỗi ngày. Sự biến đổi này chịu tác động bởi thời cuộc. Dẫu vậy, trong mỗi tâm thức của người Việt đều có một “mã gene” văn hóa di truyền suốt nhiều đời. “Mã gene” này được thể hiện ở nếp sống gia đình, được quy định trong hương ước của làng và luật pháp của xã hội, đặc biệt là vẫn được truyền lại cho tới nay. Vẫn có một “dòng chảy ngầm”, dẫu không mạnh mẽ, nhưng bền bỉ tồn tại trong tâm thức của người Việt bao đời.
“Có một điều cốt lõi bất biến của người Hà Nội đó là giá trị đạo đức phổ quát. Văn hóa Hà Nội vốn hội tụ, kết tinh, lan tỏa. Một người từ vùng miền khác tới sống tại Hà Nội, vẫn phải có sự “nhập gia tùy tục” hay còn gọi là “Hà Nội hóa”. Nhiều người mang theo những lề thói, quan niệm của vùng miền mình và áp dụng nó trong cuộc sống tại đây. Nhưng chúng ta không thể duy trì thói quen sinh hoạt của vùng nông thôn, sông nước, núi rừng, biển đảo vào nếp sống của một đô thị như Hà Nội”, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến nhận định.
Một Hà Nội “tao nhân, mặc khách” là có thực. Xu hướng đô thị hóa có thể làm thay đổi diện mạo của một khu vực khi được sáp nhập vào Hà Nội. Dù làng đã là phố, phường nhưng bản chất vẫn là làng, xã. Tại nơi đây vẫn lưu dấu những phong tục, nề nếp riêng của cộng đồng dân cư gốc.
Cơ hội để văn hoá Thủ đô phát triển
Hành trình 70 năm của văn hóa Hà Nội không chỉ là câu chuyện của một thành phố với bề dày lịch sử mà còn là hành trình tái định nghĩa bản sắc văn hóa trong một thế giới không ngừng thay đổi.
70 năm sau ngày Thủ đô được giải phóng, Luật Thủ đô 2024 được ban hành đã tạo tiền đề vững chắc để văn hoá Thủ đô có cơ hội vươn mình trong kỷ nguyên mới. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024 đã có nhiều điều khoản, nhiều chính sách phù hợp và tạo thuận lợi cho sự phát triển văn hóa của Thủ đô, để văn hóa Thủ đô thực sự dẫn dắt sự phát triển chung của văn hóa đất nước.
“Danh hiệu tôn vinh của UNESCO cho Hà Nội là Thành phố vì hòa bình (1999), Thành phố sáng tạo (2019) là dấu ấn cho những nỗ lực như vậy. Trong quá trình phát triển văn hóa Hà Nội, không thể không kể đến vai trò của cộng đồng. Người dân Hà Nội không chỉ là những người thụ hưởng các giá trị văn hóa mà còn là những người trực tiếp tham gia vào việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của thành phố”.
TS Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long
|
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho rằng, Luật Thủ đô đã mở ra điều kiện mới, một cơ chế rất là đặc thù cho Hà Nội. Nhưng vấn đề là chúng ta có vận dụng được nó hay không, có tạo hiệu quả hay không là do chính chúng ta, những người Hà Nội, và đương nhiên là do các cấp lãnh đạo và những người làm công tác văn hóa. Chúng ta hiểu được luật và vận dụng tốt vào thực tế thì mới mang lại hiệu quả.
Hà Nội không chỉ tự hào về quá khứ rực rỡ mà còn hướng đến tương lai với niềm tin vững chắc vào sự phát triển bền vững của nền văn hóa. Thành phố tiếp tục là nguồn cảm hứng và niềm tự hào cho toàn quốc, là nơi mà các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển, nơi mà quá khứ, hiện tại, và tương lai hòa quyện để tạo nên một bản sắc văn hóa độc đáo và phong phú./.