Tháo điểm nghẽn để ngành công nghiệp văn hóa phát triển

7 năm triển khai chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa tạo sự chuyển biến tích cực, đóng góp hơn 4% GDP

 

Nhưng để công nghiệp văn hóa có thể đóng góp 7% GDP vào năm 2030 như chiến lược đề ra, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Tiktok, youtube nằm đâu trong chiến lược?

Theo ông Lê Quốc Vinh, Tổng giám đốc Công ty Truyền thông Le Bros, sự ra đời của các chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) là rất cần thiết, thể hiện sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước với ngành văn hóa. Tuy nhiên, biên độ thời gian của mỗi bản chiến lược hơi dài, nên chăng cần điều chỉnh ngắn lại bởi trên thế giới, các ngành CNVH sáng tạo đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. "Hiện nay chúng ta đang chứng kiến những làn sóng công nghệ như blockchain, NFC, AI,... sẽ làm thay đổi các ngành CNVH sáng tạo trong nháy mắt. Nếu bản chiến lược không tính toán đến những nhân tố này sẽ lạc hậu rất nhanh. Chẳng hạn, ngành phần mềm và sản xuất trò chơi điện tử đang rất phát triển, nhưng chiến lược chưa đề cập đến ngành này. Hay các nền tảng sản xuất nội dung trên youtube, tiktok sẽ phân loại vào mảng nào?" - ông Lê Quốc Vinh băn khoăn.

Ông Lê Quốc Vinh đề cập đến ngành đang hình thành và phát triển rất nhanh, là ngành sản xuất video ngắn (short reels). Ở Trung Quốc có hơn 100 ứng dụng video ngắn thống trị hoàn toàn lĩnh vực giải trí trên mạng internet. Ở Việt Nam đã có những video ngắn thu hút nhiều triệu lượt xem. Các công ty sản xuất nội dung đang tuyển những diễn viên, KOL để sản xuất các bộ phim ngắn trên những nền tảng này. Chứng tỏ đó là một xu hướng cần được nhìn nhận và định hướng để chúng có thể phát triển một cách đúng đắn.

Ngoài ra còn một thành phần đang bị "bỏ bên lề" các chủ trương, chính sách, nghị định liên quan đến CNVH sáng tạo, đó là lực lượng doanh nhân văn hóa. Doanh nhân trong ngành CNVH sáng tạo gồm nhiều thành phần: nhà đầu tư, nhà quản trị kinh doanh, nhà vận hành, nhà sản xuất, nghệ sĩ sáng tạo. Chúng ta có nhiều chính sách quan tâm đến các thành phần khác, nhưng hầu như chưa có chính sách bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư và nhà quản trị kinh doanh. Việc các nhà đầu tư lĩnh vực văn hóa thành hay bại trong các phi vụ hầu như chưa nhận được sự quan tâm trong các văn bản pháp lý. Các sản phẩm văn hóa sáng tạo luôn được xem xét dưới lăng kính chính trị, lịch sử, văn hóa,... do đó luôn vướng các rào cản kiểm duyệt khi tiến ra thị trường, tạo nên những rủi ro lớn cho các nhà đầu tư vào các sản phẩm này. Vì vậy nên có biện pháp bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư, quản trị kinh doanh trong ngành CNVH sáng tạo.

Sự hỗ trợ từ phía Nhà nước nên được chia đều cho các đơn vị trong và ngoài Nhà nước để đảm bảo công bằng và khích lệ DN tư nhân có đóng góp vào CNVH.Làm thế nào vận hành các quỹ hỗ trợ văn hóa?

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, hiện nay Nhà nước chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ DN tư nhân phát triển CNVH, trong khi đây là lĩnh vực đòi hỏi quá trình đầu tư. Sự hỗ trợ từ phía Nhà nước nên được chia đều cho các đơn vị trong và ngoài Nhà nước để đảm bảo công bằng và khích lệ DN tư nhân có đóng góp vào CNVH. Còn theo bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine, để phát triển CNVH bài bản cần thành lập Ban hành động về CNVH liên bộ, ngành trực thuộc Chính phủ để đẩy mạnh sự kết nối trong thực hiện. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân tạo ra một lực đẩy để CNVH phát triển nhanh, do vậy rất cần một cơ chế cho khối tư nhân như giảm thuế cho DN.

 TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT&DL chia sẻ, chúng ta có thể học tập từ nước Pháp, nơi hình thành khái niệm chính sách văn hóa với đặc trưng là sự can thiệp của Nhà nước để đảm bảo mục tiêu tiếp cận văn hóa công bằng cho mọi người. "Chính phủ Pháp có rất nhiều công cụ hỗ trợ các ngành CNVH. Họ có trung tâm quốc gia về sách, về âm nhạc, về phim, hoạt hình và hằng năm rót rất nhiều ngân sách nhà nước cho các trung tâm này. Bên cạnh đó họ còn có các quỹ hỗ trợ sách, âm nhạc, điện ảnh và PT-TH. Vì thế, Nhà nước cần tăng đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa, xem xét xây dựng những công cụ tài chính riêng cho phát triển văn hóa thông qua hệ thống các quỹ hỗ trợ trên các lĩnh vực văn hóa như: Quỹ phát triển điện ảnh, Quỹ hỗ trợ văn hóa số, Quỹ hỗ trợ nghệ thuật,…giảm thuế đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hoá, cho phép tính các khoản tài trợ cho văn hóa nghệ thuật vào chi phí của DN; sớm có hướng dẫn cách thức “gọi vốn đám đông”. Nhà nước cũng cần tạo môi trường thuận lợi, hệ sinh thái để các DN hoạt động hiệu quả; gắn kết giữa chiến lược phát triển các ngành CNVH với các chiến lược khác có liên quan, trở thành một bộ phận trong kế hoạch phát triển KT-XH...

 

Bình luận

    Chưa có bình luận