'Đào, phở và piano': Cú hích cho dòng phim Nhà nước đặt hàng

Đây là lần đầu tiên, một bộ phim do nhà nước đặt hàng 'cháy vé' khi ra rạp. Giới chuyên gia cho rằng, đó sẽ là cú hích cho dòng phim này.

 

Phim “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn tạo hiệu ứng bất ngờ ở phòng vé những ngày vừa qua là một hiện tượng với dòng phim do Nhà nước đặt hàng. Đây là lần đầu tiên, một bộ phim do nhà nước đặt hàng “cháy vé” khi ra rạp. Giới chuyên gia cho rằng, đó sẽ là cú hích cho dòng phim này.

“Hot” bất ngờ nhờ Tiktoker và mạng xã hội

Những ngày qua, một trong những hình ảnh ấn tượng tại các rạp chiếu phim là cảnh khán giả xếp hàng dài chờ đợi mua vé xem phim “Đào, phở và piano” hoặc chờ vào phòng chiếu. Một nghịch lý dẫn đến hiện tượng trên là trong khi nhu cầu khán giả xem phim rất cao thì số lượng suất chiếu và địa điểm chiếu phim quá ít. Những ngày đầu, chỉ có vỏn vẹn 3 suất chiếu mỗi ngày tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (TTCPQG).

Phim “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn tạo hiệu ứng bất ngờ ở phòng vé những ngày vừa qua.

“Đào, phở và piano” ra rạp cùng với phim “Mai” của Trấn Thành, những ngày đầu, nó hoàn toàn lép vế trước sức nóng của “Mai” và cái tên Trấn Thành. Nhưng “Đào, phở và piano” đột nhiên “hot” lên trong thời gian ngắn nhờ một Tiktoker đi xem phim và đánh giá trên trang Tiktok của mình, sau đó có sự “tiếp sức” của nhiều hội nhóm về phim ảnh lẫn showbiz trên mạng Facebook khiến lượng vé đặt tăng đột ngột. Cao điểm là khi trang mạng book vé online của TTCPQG bị “sập” do lượng truy cập quá đông mà không có vé. Trung tâm phải mở thêm suất chiếu, từ 3 suất lên 11, 15 và hiện tại là 20 suất mỗi ngày.

“Đây là hiện tượng trước nay chưa từng có đối với dòng phim lịch sử do Nhà nước đặt hàng” - ông Vũ Đức Tùng, quyền Giám đốc TTCPQG nhận xét khi chứng kiến những người muốn xem phim phải đến xếp hàng mua vé tại quầy ở TTCPQG. Hiện tượng này cho thấy, nếu phim Nhà nước có kịch bản hợp xu thế, nội dung chạm tới cảm xúc người xem thì hoàn toàn có khả năng ra rạp.

“Rối” cơ chế

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ: Hai bộ phim “Đào, phở và piano” và “Hồng Hà nữ sĩ” đều giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam được chiếu dịp Tết Giáp Thìn nằm trong đề án thí điểm phổ biến phim do Nhà nước đặt hàng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL). “Đào, phở và piano” được chiếu ở TTCPQG vào dịp Tết cũng không có nhiều khán giả biết. Vì là phim do Nhà nước đặt hàng, không có kinh phí cho quảng bá và phát hành nên phim ra rạp rất âm thầm, “không kèn, không trống”. Đến trailer của phim cũng chỉ mới xuất hiện sau hơn 2 tuần công chiếu. Rất may, “Đào, phở và piano” không giống như “Hồng Hà nữ sĩ” bị rơi vào quên lãng như nhiều bộ phim khác được làm từ ngân sách Nhà nước.

“Đào, phở và piano” được Nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất 20 tỷ đồng, nhưng không có kinh phí phát hành

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là các phim do Nhà nước đặt hàng thiếu kinh phí phổ biến phim. Ông Vi Kiến Thành cho biết, “Đào, phở và piano” được Nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất 20 tỷ đồng, nhưng không có kinh phí phát hành. “Hiện nay chúng ta chưa có quy định về việc chi phần trăm cho nhà phát hành, phổ biến phim. “Đào, phở và piano” là phim 100% vốn Nhà nước trong khi các nhà phát hành phim đều là tư nhân và có vốn liên doanh với nước ngoài nên khi phát hành họ phải được hưởng phần trăm doanh thu. TTCPQG là đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, chiếu phim để phục vụ khán giả, toàn bộ doanh thu phải nộp ngân sách Nhà nước. Việc phát hành phim rộng rãi cần có cơ chế thống nhất. Hiện nay, chúng ta chưa có quy định về tỷ lệ phần trăm cho các đơn vị phát hành chứ không phải Bộ VH-TT&DL không muốn phổ biến phim rộng rãi. Cần phải có cơ chế thế nào đó để việc phát hành và phổ biến phim đến được với đông đảo khán giả hơn nữa”, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nêu ý kiến.

Đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, việc các phim do Nhà nước đặt hàng, mất nhiều công sức để sản xuất xong lại cất đi là hoàn toàn do vướng mắc cơ chế. “Tôi cảm thấy kỳ lạ khi có người sản xuất ra một sản phẩm gì đó bằng rất nhiều tiền, công sức mà lại không đem ra khai thác kinh doanh để ít nhất thu hồi vốn đầu tư. Nhưng phim Nhà nước chính là như thế”, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn bày tỏ.

Theo lý giải của các chuyên gia, hiện thực này tồn tại là vì cơ chế của việc sử dụng nguồn vốn ngân sách rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều rắc rối đầu tiên là vấn đề sử dụng vốn ngân sách và tài sản Nhà nước phải đúng mục đích. “Vấn đề thật sự ở đây là khoản thu. Nếu phim Nhà nước đặt hàng kiếm được hàng trăm tỷ đồng doanh thu, e rằng phức tạp về thủ tục giấy tờ. Bởi Cục Điện ảnh và Bộ VH-TT&DL là cơ quan hành chính Nhà nước, không phải là doanh nghiệp, không thể xuất hóa đơn đỏ, và về bản chất là không thể có doanh thu”, ông Tuấn cho hay.

Rào cản trong cơ chế khiến phim Nhà nước rất khó tiếp cận các cụm rạp lớn. Và để tìm ra một cánh cửa pháp lý nào đó cho phim Nhà nước thì cần sửa đổi cơ chế. Những rào cản đó khiến những bộ phim sản xuất theo đơn đặt hàng của Nhà nước nhiều năm nay được “cất kho cho xong việc”. Nếu có ra rạp thì cũng lặng lẽ chiếu và lặng lẽ rút.

Sẽ là cú hích!

Nhiều người lạc quan cho rằng, hiện tượng “Đào, phở và piano” là cơ hội vàng cho phim Nhà nước ra rạp. Nhận định đó còn quá chủ quan vì còn nhớ, mấy năm trước, bộ phim “Sống cùng lịch sử” cũng là phim Nhà nước đặt hàng ra rạp và không bán được vé. Lần đó đã dấy lên một làn sóng “đấu tố” phim Nhà nước đặt hàng: tiêu tốn tiền ngân sách chỉ để “cất kho”. Hiện tại, cùng phát hành với “Đào, phở và piano”, phim “Hồng Hà nữ sĩ” cũng có doanh thu rất khiêm tốn.

Nhà nước cần thay đổi chính sách, quy định về điện ảnh

Việc “Đào, phở và piano” chỉ chiếu duy nhất ở TTCPQG càng tạo ra cơn sốt săn vé khi chỉ có vài ba ngàn vé bán ra. Vẫn còn quá sớm để nói về đường đi đến rạp của phim Nhà nước. Bởi “Đào, phở và piano” chỉ là hiện tượng, tín hiệu đáng mừng mà thôi. Phim Nhà nước, với tư duy làm phim cũ, cách làm cũ, an toàn thì hiện tượng mãi chỉ là hiện tượng.

“Chắc chắn “Đào, phở và piano” sẽ là một cú hích quan trọng để chúng ta có những thay đổi. Theo tôi, Nhà nước cần thay đổi chính sách, quy định về điện ảnh, cả trực tiếp liên quan và gián tiếp (như về thuế, phí, quản lý, sử dụng tài sản công) để tạo ra sự linh hoạt nhiều hơn, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong quá trình sản xuất và phát hành phim”, nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm. “Cần lưu ý nhiều hơn đến việc sản xuất những bộ phim chất lượng bằng cách hợp tác với các đạo diễn, biên kịch, và diễn viên tài năng, có thương hiệu. Sử dụng tốt hơn các nền tảng truyền thông xã hội như Tiktok để tạo ra sự chú ý và tạo dựng thương hiệu cho các dự án phim, kết nối với đối tượng khán giả mục tiêu. Cần có một kế hoạch tiếp thị và quảng bá hiệu quả để đảm bảo rằng các dự án phim Nhà nước được biết đến rộng rãi, thu hút khán giả. Cuối cùng là tạo ra nội dung phim mang tính cảm hứng và phản ánh gần gũi, chân thực về đời sống xã hội, từ đó tạo ra sự quan tâm và kích thích phản hồi từ khán giả”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.

Từ thành công ban đầu của “Đào, phở và piano” có thể thấy, khán giả không hề quay lưng với phim Nhà nước đặt hàng như nhiều định kiến vốn vẫn tồn tại từ trước tới nay. Đồng thời, đơn vị phát hành tư nhân vẫn sẵn sàng hợp tác với Nhà nước để phát hành và phổ biến các bộ phim có chất lượng. “Đào, phở và piano” có lẽ trở thành một hiện tượng của ngành văn hóa - giải trí năm 2024./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận