Săn vé khó hơn… Blackpink
“Đào, phở và piano” là bộ phim đề tài chiến tranh, do Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT&DL đặt hàng, Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất. Phim ra mắt công chúng trong dịp Tết Giáp Thìn năm nay và chỉ chiếu ở một địa điểm duy nhất là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
Những ngày qua, một số khán giả đi xem phim về để lại nhiều review tích cực trên mạng xã hội, phim bỗng nhiên trở thành hiện tượng gây sốt cộng đồng mạng. Khán giả đổ xô đặt vé đi xem “Đào, phở và piano” gây sập trang web Trung tâm Chiếu phim Quốc gia vào ngày 18/2 vì lượng truy cập quá lớn. Nhiều khán giả cho biết, họ không thể đặt vé xem phim ngoài giờ hành chính, hoặc phải chấp nhận ngồi hàng đầu sát màn hình. Những khán giả ở tỉnh khác hoàn toàn không có cách theo dõi bộ phim này.
Trên fanpage Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, nhiều khán giả bày tỏ sự thất vọng khi khó săn vé xem “Đào, phở và piano”: “Ad ơi page sập rồi. Cầu mong ad sửa page cho mọi người mua vé với”; “Muốn xem mà suất chiếu ít quá”; “Đợt săn vé Blackpink còn không khó như này”; “Định đặt thử mà cả 3 hôm cuối tuần suất nào cũng hết vé”. Khán giả nào may mắn mua được vé thì bày tỏ nỗi vui mừng khôn xiết: “Thế là có cơ hội được xem “Đào phở và piano” rồi. Mừng rớt nước mắt”.
Công chiếu từ hôm mùng 1 Tết, "Đào, phở và piano" liên tục tăng suất chiếu, từ 3 suất lên 5 suất rồi tới 11 và 15 suất chiếu/ngày vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Theo số liệu từ đơn vị thống kê phòng vé độc lập Box Office Việt Nam, “Đào, phở và piano” đang có tỉ lệ lấp đầy ấn tượng hơn “Mai” - phim đang dẫn đầu doanh thu phòng vé dịp Tết năm nay. Trong ngày 18/2, “Mai” có 5.006 suất chiếu trong ngày, bán ra 186.973 vé, trung bình một suất chiếu thu hút 37 khán giả vào xem. Trong khi đó, "Đào, phở và piano" trung bình một suất chiếu có hơn 132 khán giả.
Tại sao “Đào, phở và piano” hot?
Đầu tiên, có thể khẳng định,“Đào, phở và piano” được chú ý hoàn toàn nhờ vào chất lượng bộ phim. Là phim nhà nước, hoàn toàn không có ngân sách cho PR quảng cáo, ngay từ những suất chiếu đầu tiên, phim đã gây được ấn tượng tốt với khán giả, qua đó tạo nên hiệu ứng truyền miệng tích cực. Nhiều trang facebook, tiktok và các nền tảng mạng xã hội khác bàn tán về phim, khiến những ai chưa xem phim có nhu cầu được đi xem phim.
Mặt khác, do chỉ chiếu tại một địa điểm duy nhất, việc mua vé khá khó khăn và suất chiếu hết nhanh vô tình khiến “Đào, phở và piano” tạo nên “hiệu ứng khan hiếm” trong tâm lý người xem. Ai cũng muốn nhanh chân sở hữu vé nhưng không nhiều người làm được, khiến sức nóng của phim càng tăng nhiệt. Lý do thứ hai, theo chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước, “Đào, phở và piano” là một “món ăn lạ miệng” mà ai cũng muốn thử, đặc biệt là các khán giả trẻ vốn tò mò với những cái mới lạ. “Tôi cho rằng có yếu tố thương cảm của khán giả đối với bộ phim “Đào, phở và piano”. Khán giả thấy suất chiếu quá lép vế so với phim Mai nên chuyển sang ủng hộ “kẻ yếu” trên đường đua ngoài rạp. Dù sao tôi vẫn thấy tiếc vì phim chỉ chiếu tại một rạp ở Hà Nội. Nếu có thêm nhiều rạp chiếu hơn, tôi nghĩ thành tích của “Đào, phở và piano” sẽ còn tốt hơn rất nhiều” - anh Châu Quang Phước chia sẻ.
Lý do thứ ba là, gu thưởng thức của công chúng Việt ngày càng cao, ngày càng có nhu cầu về những thước phim lịch sử có giá trị. Những phim lấy bối cảnh lịch sử gần đây ra rạp như “Em và Trịnh”, “Đất rừng phương Nam”,… đều rất thu hút công chúng. “Đào, phở và piano” lấy bối cảnh cuộc chiến bảo vệ Thủ đô của quân và dân Hà Nội giai đoạn cuối năm 1946 đầu 1947. Trên nền bối cảnh chiến tranh, đạo diễn Phi Tiến Sơn kể hàng loạt câu chuyện về tình yêu đôi lứa, tình yêu với nghệ thuật, về cách mà tôn giáo xoa dịu lòng người giữa lúc khó khăn, về cách mà con người Hà Nội đùm bọc cưu mang nhau trong hoạn nạn… Phim được làm rất chỉn chu, có sự đầu tư về bối cảnh (đầu tư hơn 5 tỉ đồng chỉ để xây dựng trường quay) nên xem phim có cảm giác thật khiến khán giả yêu thích.
Trước sự quan tâm của công chúng, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, ông đã đề xuất với lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đưa phim đi trình chiếu ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước để phục vụ nhu cầu công chúng.