Di tích ngập dột mà không được sửa, nhà cổ vào danh sách tu bổ mà người ở đó không hề biết, kinh phí thu được từ việc khai thác giá trị di tích không được sử dụng hợp lý, không có kinh phí bảo tồn di tích,... là những câu chuyện “đau đầu” về việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích thuộc sở hữu tư nhân, di sản của dòng họ.
Khi người dân bảo tồn di tích
Ngày 28/10 tới đây, lần đầu tiên trong lịch sử khu di tích, gia tộc họ Vương tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia (1993 - 2023), 100 năm ngày vua Khải Định sắc phong “Biên chính khả phong” cho ông Vương Chính Đức (1923 - 2023) và 125 năm ngày xây khu dinh thự họ Vương (1898 - 2023). Đây là tín hiệu tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia Khu nhà Vương kể từ sau khi gia tộc Vua Mèo (họ Vương, Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang) được nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với Di tích.
Năm 2019, gia tộc Vua Mèo được nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) đối với Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia Khu nhà Vương sau gần chục năm bị cấp “nhầm”.
Trước đó, từ năm 1993, di tích Khu nhà Vương thuộc quản lý của UBND huyện Đồng Văn. Hoạt động quản lý, bán vé tham quan thu được khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền này được dùng để tái đầu tư vào di tích, trả lương nhân viên, nộp ngân sách tỉnh, chi trả cho các hoạt động xúc tiến du lịch... Năm 2005, Nhà nước đã chi khoảng 8,5 tỷ đồng để trùng tu di tích này, chưa kể những sửa chữa nhỏ hằng năm.
Tuy nhiên, theo ông Vương Duy Bảo, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Di tích nhà Vương, đơn vị quản lý khu di tích và là cháu nội “Vua Mèo”, 26 năm kể từ ngày được công nhận là di tích quốc gia cho đến trước khi gia tộc nhận lại quyền sở hữu đối với Khu nhà Vương, chính quyền huyện Đồng Văn buông lỏng quản lý, để người dân lấn chiếm, tự ý xây dựng nhà cửa, không quan tâm đầu tư tu sửa kịp thời khiến khu dinh thự xuống cấp nghiêm trọng, tự ý sửa chữa một số hạng mục không đúng với nguyên gốc, xây nhà vệ sinh gần khu mộ của người nhà họ Vương… khiến Khu di tích bị xuống cấp trầm trọng, sai lạc nguyên gốc, làm ảnh hưởng đến giá trị của di tích.
Những ngày này, du khách đến thăm Khu nhà Vương tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn sẽ cảm thấy hài lòng bởi sự ngăn nắp, sạch sẽ và đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên là con cháu trong gia tộc tham gia vào việc quản lý, hướng dẫn du khách rất bài bản, cung cấp cho du khách những thông tin chính xác về lịch sử, giá trị khu di tích. Ông Vương Duy Bảo cho biết: Kể từ khi nhận được sổ đỏ năm 2019, một năm sau, Quy chế quản lý Khu nhà Vương được thông qua. Gia tộc đã thống nhất quản lý, phát huy giá trị Khu di tích dưới mô hình HTX với xã viên chính là con em trong gia tộc. Vì là tài sản chung của gia tộc, xã viên lại là chính con em trong gia tộc và đều hiểu rõ giá trị của Khu di tích nên việc thống nhất quản lý được thống nhất và rất thuận lợi. Hơn nữa, bên cạnh những giá trị văn hoá, vật chất của di tích là tài sản chung của gia tộc, lợi ích từ việc bảo tồn, khai thác giá trị thông qua hoạt động tham quan, du lịch, dịch vụ cũng mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho mỗi gia đình nên ý thức bảo tồn Khu di tích của mỗi thành viên gia tộc ngày càng được nâng cao.
Vì là những người được hưởng lợi trực tiếp từ di tích, lại hiểu rõ nhất về di tích nên khi con cháu trong gia tộc tham gia quản lý, hướng dẫn du khách tham quan rất thuận lợi, tránh được việc hướng dẫn viên cung cấp những thông tin chưa đúng về khu di tích như trước kia. Từ đó, việc phát huy giá trị khu di tích cũng đạt được hiệu quả.
“Sau khi hoàn thiện Quy chế quản lý và thành lập HTX, hoàn thiện nhân sự quản lý, những hạng mục cần sửa chữa nhỏ mà chủ sở hữu có thể tự khắc phục đã được gia tộc hoàn tất. Sau khi bệnh dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động du lịch bình thường trở lại, gia tộc thống nhất nguồn thu từ hoạt động du lịch, sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước và chi một phần lương cho các xã viên, phần còn lại sẽ không chia cho các gia đình mà chuyển vào quỹ bảo tồn để chuẩn bị cho việc trùng tu, tôn tạo di tích trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc trùng tu những hạng mục quan trọng hiện vẫn còn rất nhiều vướng mắc”, ông Vương Duy Bảo cho biết.
Cần sự chung tay của các bên
Cả nước có rất nhiều di tích thuộc sở hữu tư nhân, là di sản của dòng họ cũng có đời sống thăng trầm. Thực tế những năm qua, nhiều di tích sở hữu tư nhân bị phá đi, làm cái mới to hơn để đáp ứng nhu cầu chủ sở hữu. Nhiều di tích nhà nước không thể áp đặt biện pháp quản lý hiệu quả do người dân sợ bị ràng buộc pháp lý nên không đăng ký di tích. Trong đó, có không ít di tích đã xuống cấp trầm trọng, thậm chí biến mất trên “bản đồ di tích”.
Cũng là câu chuyện di tích sở hữu tư nhân, ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), người dân đòi trả danh hiệu di tích quốc gia đặc biệt. Vì là di tích thuộc sở hữu tư nhân nên có căn nhà dù được đầu tư trùng tu 1 tỉ đồng vẫn một nửa là nhà hoang. Lý do là căn nhà có tranh chấp giữa các chủ sở hữu, vì thế một trong hai bên nhất định không cho trùng tu nửa mình đang sở hữu. Cán bộ quản lý cũng không hề biết việc tranh chấp, nên cứ làm thủ tục trùng tu cho nhà dưới tên một trong hai người.
Trong khi đó, ở một số di tích thuộc sở hữu tư nhân, chính quyền địa phương đã có những giải pháp, nỗ lực chung tay cùng chủ di sản quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý, hiệu quả. Nhiều địa phương mạnh dạn để gia chủ quản lý, toàn quyền kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ kinh phí bảo tồn, tôn tạo di tích. Khu di tích nhà Vương hay Khu phố cổ Hội An - Quảng Nam là những ví dụ điển hình bởi có được sự đồng thuận của các chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học trong việc đưa ra giải pháp bảo tồn thích hợp.
Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới nhiều năm qua đã có cách quản lý phù hợp để không làm phát sinh mâu thuẫn lợi ích giữa tư nhân và Nhà nước. Việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích Khu phố cổ Hội An được thực hiện theo tiêu chí “ba nhà”: Nhà nước, nhà chuyên môn và chủ nhà (chủ sở hữu di tích). Nhà nước quản lý về mặt hành chính nhưng chủ nhà toàn quyền quyết định việc kinh doanh hoặc chuyển nhượng cho chủ sở hữu khác, với điều kiện không ảnh hưởng tiêu cực đến các giá trị của di tích được các nhà chuyên môn giám sát.
Hội An là đất du lịch nổi tiếng, lượng khách tới du lịch rất cao nên nguồn kinh phí tu bổ không phải là khó khăn, vì tiền bán vé lên đến vài tỷ đồng với mỗi địa chỉ. Một số nhà cổ đồng chủ sở hữu, khi cha mẹ mất các con được thừa kế đang ở nước ngoài mà nhà xuống cấp không ai sửa chữa thì Nhà nước bỏ tiền tu bổ, sau đó cho thuê, khi thu hồi đủ tiền tu sửa sẽ bàn giao lại cho gia chủ.
Đối với Khu nhà Vương, kể từ năm 2019 trở lại đây, sau khi di tích được trả lại cho chủ sở hữu là con cháu gia tộc họ Vương, dù có nhiều đồng chủ sở hữu nhưng Khu nhà Vương có được sự đồng thuận và cân bằng lợi ích giữa các chủ sở hữu nên không rơi vào tình trạng như một số ngôi nhà cổ tại làng cổ Đường Lâm - Sơn Tây. Việc thống nhất quản lý di tích chung với mô hình HTX và chia đều lợi ích đã giúp các chủ sở hữu càng hiểu rõ lợi ích thiết thực từ việc bảo tồn, tôn tạo di tích nhằm khai thác lâu dài.
“Cơ quan quản lý cần thay đổi cách tư duy về việc quản lý, tôn trọng vai trò của người chủ sở hữu là dòng họ. Cần tạo ra sự dân chủ, đối thoại cởi mở giữa chủ sở hữu di sản với chính quyền để không dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa chủ thể văn hóa và bảo tồn di tích bị đẩy lên cao”.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học
|
Theo ông Vương Duy Bảo, bất cập lớn nhất hiện nay đối với việc bảo tồn khu nhà Vương chính là quy trình xin phép trùng tu, tôn tạo di tích phải qua quá nhiều cấp quản lý nên từ khi giám định các hạng mục cần trùng tu tôn tạo đến khi xin phép qua từng cấp tốn rất nhiều thời gian. Thậm chí, khi hoàn tất thủ tục hồ sơ thì mức độ xuống cấp của công trình đã không còn như thời điểm làm hồ sơ, gây khó khăn cho công tác bảo tồn, trung tu di tích. Hơn thế, việc lựa chọn đơn vị trùng tu cũng gặp khó khăn do chủ sở hữu thụ động, không được quyền quyết định. Cơ quan quản lý chỉ định đơn vị trùng tu cũng tốn nhiều thời gian. “Từ khi phát hiện có đầu vì kèo ở hành lang Khu di tích nhà Vương bị mục nát, cần sửa chữa đến khi hoàn thiện thủ tục pháp lý cho việc sửa chữa trùng tu thì đã qua 2 mùa mưa nắng khiến hạng mục vì kèo xuống cấp trầm trọng hơn so với thời điểm làm hồ sơ xin trùng tu, sửa chữa, không thể trùng tu được nữa mà buộc phải thay thế. Vấn đề là, nếu thay thế cấu kiện thì lại phải bổ sung hồ sơ so với lúc đầu là xin trùng tu, sửa chữa…”, ông Vương Duy Bảo lấy ví dụ.
Theo các chuyên gia về di sản và pháp luật, nhiều quy định hiện nay còn cứng nhắc, thiếu phù hợp với sự thay đổi của xã hội và chưa thật sự khuyến khích được cộng đồng tự nguyện tham gia bảo tồn, phát huy di tích. Luật sư Trương Anh Tú, Ðoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm: Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, tạo hành lang, khuôn khổ pháp luật để chủ sở hữu di tích chủ động quản lý và phải có chế tài chặt chẽ; nên để cho chủ sở hữu di tích trực tiếp quản lý, xem xét các đề xuất, yêu cầu của họ để hỗ trợ cùng phát triển. Về phía tư nhân, khi khai thác sử dụng phải tôn trọng và thực hiện đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa. Khi người dân được hưởng lợi từ di tích, họ sẵn sàng chung tay với Nhà nước để cùng gìn giữ và phát huy giá trị di sản.
Dân sống tốt thì di tích cũng sống tốt
“Ngày 28/10 tới đây, gia tộc họ Vương tổ chức lễ dâng hương tổ tiên và kỷ niệm 30 năm ngày di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia, 100 năm ngày Vua Khải Định sắc phong “Biên chính khả phong” cho ông Vương Chính Đức và 125 năm ngày xây khu dinh thự họ Vương. Đây là dịp để tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo tồn di sản đối với chính con cháu trong gia tộc, cũng là dịp để quảng bá, lan toả các giá trị của Khu nhà Vương tới đông đảo du khách, bạn bè gần xa”, ông Vương Duy Bảo chia sẻ.
“Muốn phát huy vai trò tự quản, tự giác và chủ động của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, khuyến khích cộng đồng tự nguyện tham gia giữ gìn, phát huy di sản, trao quyền cho cộng đồng trong quản lý di tích, danh thắng, tổ chức lễ hội, thực hành di sản văn hóa phi vật thể… thì phải xử lý hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa Nhà nước và cộng đồng trong quá trình quản lý, khai thác và bảo vệ di sản. Cần đảm bảo các hoạt động kinh tế lâu dài, cung cấp những lợi ích kinh tế và xã hội tới tất cả những người được hưởng lợi từ di sản, từ đó kích thích họ tự nguyện, tự giác bảo vệ di sản, tạo nên chất keo gắn kết cộng đồng với di sản. Bên cạnh đó, cần tránh xu hướng “hành chính hóa”, “Nhà nước hóa” di sản, chính quyền “lấn sân”, làm thay người dân trong thực hành di sản. Chỉ khi người dân có hiểu biết sâu sắc và tham gia chủ động bảo vệ và phát huy giá trị di sản thì hiệu quả mới bền vững”.
GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia.
|
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nếu gia đình sống trong di tích thì sẽ làm di tích “sống” hơn, việc bảo vệ di tích sẽ tốt hơn. Việc để gia đình sống trong di tích sẽ giúp giá trị di tích đầy đủ hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nữa là làm sao chuyển tải được thông điệp về di sản tư nhân, di sản dòng họ đó tới cộng đồng. Trước kia, diễn giải về dinh thự họ Vương là cũng chưa ổn, do hướng dẫn viên chưa kể được những thông điệp lớn qua câu chuyện của dòng họ này.
“Cách thuyết minh diễn giải về dinh thự họ Vương còn phải có thông điệp rõ ràng qua các câu chuyện gia đình dòng họ. Chẳng hạn, qua câu chuyện di tích dòng họ đó để nói về chính sách đại đoàn kết của Hồ Chủ tịch. Hoặc có thể nói câu chuyện văn hóa của người Mông, rằng từ thời đấy người Mông đã có cách tiếp cận hội nhập quốc tế. Những câu chuyện đó phải được kể để tăng sự hiểu biết lẫn nhau, tăng tình đoàn kết lẫn nhau giữa các dân tộc”, ông Huy nói.
Trong khi đó, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, cái nhìn với các di tích thuộc sở hữu tư nhân, dòng họ cần linh hoạt hơn, nhân văn hơn. “Chính quyền phải linh hoạt và gần dân hơn. Phải để dân sống tốt trong di tích thì di tích mới sống tốt. Nếu để họ sống khổ sở trong di tích thì chúng ta nhẫn tâm và máy móc quá”, ông Ánh nói./.