Để văn hoá tiếp tục soi đường

Sau 75 năm, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của đất nước.

 

Sau 75 năm, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống quốc gia chỉ có thể thực hiện được khi đặt sự phát triển văn hóa Việt Nam trong bối cảnh quốc tế và thường xuyên cập nhật khi tư duy lý luận mới về văn hóa trong điều kiện luôn có sự biến đổi.

Phải giữ gìn bản sắc

Công nghệ tiến bộ vượt bậc giúp các quốc gia tận dụng, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa đồng thời với sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa. Nhiều loại hình giải trí mới ra đời, nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật đa dạng của khán giả, đồng thời có sự phân hóa thị hiếu thẩm mỹ một cách sâu sắc... Đây là thời điểm thích hợp nhìn lại và hướng tới những mục tiêu, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh như lời Bác nói từ kỳ Hội nghị Văn hoá lần thứ nhất, năm 1946: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Bà Trần Thị Thu Đông, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, cho rằng: Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng sự quan tâm và kỳ vọng lớn lao. Từ đấy, nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam có bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận, những thành tựu văn hóa, văn học, nghệ thuật mà Việt Nam đã đạt được từ khi đất nước đổi mới đến nay chưa tương xứng với sự phát triển của đất nước, còn ít công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu chủ động, năng động, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tái hiện lễ hội Katê của người Chăm tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: T.C

“Để lĩnh vực văn học nghệ thuật Việt Nam phát triển tương xứng với sự phát triển của đất nước và khẳng định được chỗ đứng của mình trong nền văn học nghệ thuật thế giới, tôi nghĩ cần quan tâm đến một số vấn đề: Thứ nhất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa cả về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức; Thứ hai, hoàn thiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh cán bộ làm việc trong ngành văn hóa, nhất là lĩnh vực văn học nghệ thuật, một lĩnh vực mà nhân lực đòi hỏi phải có năng khiếu; Thứ ba, sớm bổ sung việc xét tặng các danh hiệu NSND, NSƯT cho cả nghệ sĩ sáng tác có quá trình cống hiến và đạt được tiêu chí theo quy định, nhằm góp phần động viên, khích lệ, tạo động lực cho văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật; Thứ tư, để tiếp tục lan tỏa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và lưu giữ những hình ảnh, tư liệu quý của lịch sử phát triển dân tộc, Đảng và Nhà nước, cần đầu tư xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Việt Nam”, bà Trần Thị Thu Đông đề xuất.

GS-TS. Phan Hồng Giang, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật (nay là Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) nhận định: “Công nghệ và toàn cầu hóa làm cho sự giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế một mặt có tác dụng tích cực, mặt khác tác động tiêu cực. Hiện nay, làn sóng văn hóa từ một số nước phát triển tràn vào nước ta một cách mạnh mẽ... không độc hại nhưng ngấm ngầm xảy ra tình trạng phục ngoại, coi rẻ những giá trị dân tộc. Do đó, phải giữ gìn bản sắc dân tộc. Mất bản sắc là mất hết”.

Văn hoá là động lực phát triển kinh tế - xã hội

Nghị quyết Đại hội XIII ghi rất rõ cụm từ “kinh tế - văn hóa - xã hội”, khẳng định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm an ninh - quốc phòng là trọng yếu, thường xuyên.

“Giờ đây, ở một điều kiện khác, quan niệm toàn diện hơn, và chính thời đại cũng đòi hỏi, mọi chính sách về phát triển kinh tế, các dự án phát triển phải tính đến tác động lâu dài đối với văn hóa, đời sống văn hóa, truyền thống của người Việt Nam. Đó mới là sức mạnh của mỗi dân tộc, là lợi thế cạnh tranh của đất nước trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay”, ông Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận định.

Văn hóa là lợi thế cạnh tranh của đất nước trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay.

Cần phải có sự thay đổi sâu sắc nhận thức về vai trò ngày càng quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước; tập trung mọi nỗ lực chỉ đạo, đề xuất và kiên trì thực hiện giải pháp đột phá, tạo bước phát triển về chất của văn hóa, để văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng phát triển bền vững đất nước.

TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: Văn hóa có bối cảnh riêng của nó. Thời kỳ đầu đổi mới chúng ta tập trung cho kinh tế và có thể kinh tế đi trước một bước. Nhưng đến thời kỳ này, nếu kinh tế tiếp tục đi trước và không quan tâm đến văn hóa, sẽ tạo ra hệ lụy... Để giải quyết đúng mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa thì phải thấu hiểu các giá trị văn hóa dân tộc, nhận rõ vị trí đặc biệt quan trọng và ý nghĩa lớn lao của văn hóa. Phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Trong quá trình phát triển, có những thời điểm do yêu cầu thực tế, chúng ta chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế mà chưa suy nghĩ một cách toàn diện những tác động đối với văn hóa, con người. Tư duy này tạo hiệu quả kinh tế trước mắt, nhưng về lâu dài, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa, số hóa, chắc chắn chúng ta sẽ phải mất rất nhiều thời gian và cả vật chất để sửa đổi những hiệu ứng thứ cấp của nó, mà tác động thứ cấp này đôi khi tác động đến hạnh phúc con người, văn hóa cộng đồng. Và có những cái có khi không thể sửa chữa, không tìm lại được.

“Cứ nói văn hóa là cờ đèn kèn trống, nhưng cần khẳng định văn hóa là sức mạnh mềm. Văn hóa là cái hữu cơ, tạo nền móng phát triển kinh tế. Nếu không làm được thì đây là vấn đề nhận thức”, ông Phan Thanh Bình chia sẻ.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) nhận định: Hiện nay, nền kinh tế tri thức đang lên ngôi và phát triển không ngừng, các sáng tạo đóng vai trò thiết yếu và thúc đẩy khả năng cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói chung và công nghiệp âm nhạc nói riêng đảm bảo yếu tố bản quyền sẽ tạo nên những tác phẩm chất lượng cao, có khả năng chinh phục thị trường và trở thành những “siêu phẩm” văn hóa mang lại nguồn lợi kinh tế lớn. Và như vậy, ngành công nghiệp văn hóa sẽ phát triển./.

“Sự du nhập văn hóa nước ngoài còn được xem là xâm lăng văn hóa. Trong một thế giới phẳng như hiện nay, bài toán đặt ra là ứng xử như thế nào? Cuộc cách mạng 4.0 cho phép con người có quyền tiếp nhận, hưởng thụ và sáng tạo, nhưng nó cũng tạo ra thế giới ảo mà thực, thực mà ảo”.

GS-TS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận