Kim chỉ nam cho văn hoá Việt

Triển lãm 'Văn hóa soi đường cho quốc dân đi':

 

Hướng tới Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021, chiều 16/11, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội), triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH-TT&DL cùng các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc.

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

Triển lãm với chủ đề “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” được chuẩn bị công phu, có quy mô lớn, trưng bày và giới thiệu tới người xem 320 tác phẩm ảnh tiêu biểu, 123 tài liệu, hiện vật quý với 6 nội dung chuyên đề, theo dòng chảy văn hóa từ truyền thống tới hiện đại.

Lãnh đạo các cơ quan nhà nước tham quan triển lãm trong ngày khai mạc.

Chuyên đề thứ nhất: “Văn hóa Việt Nam trước năm 1930”, giới thiệu khái quát sơ lược về lịch sử văn hóa Việt Nam qua những hình ảnh về quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông; Chuyên đề thứ hai: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam”, đặc biệt là sự quan tâm đối với di sản văn hóa của dân tộc của Bác Hồ kính yêu; Chuyên đề thứ ba: “Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa”, giới thiệu các văn bản, nghị quyết của Đảng về văn hóa qua các kỳ Đại hội Đảng; Chuyên đề thứ tư: “Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật làm nổi bật những đóng góp của văn hóa nghệ thuật trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Chuyên đề thứ năm: “Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước”, làm nổi bật những thành tựu về lĩnh vực văn hóa, gia đình, du lịch và thể thao trong nước cùng các hoạt động quảng bá, giao lưu văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; Chuyên đề thứ sáu: “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc”, trưng bày ảnh, tư liệu và số liệu về Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trong những năm vừa qua.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất đã luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Bác khẳng định: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo, phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật cũng như công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng toàn bộ sáng tạo phát minh đó là văn hóa”. Và cách đây 75 năm về trước, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Bác dạy: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Văn hoá chảy theo dòng lịch sử

Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” trưng bày một cách hệ thống, khái quát dòng chảy của văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Với những hình ảnh, hiện vật trưng bày về mỗi chặng đường lịch sử của dân tộc, người xem đều có thể đúc rút diện mạo tổng quát cũng như những điểm nhấn về quá trình phát triển của văn hóa Việt Nam, với sứ mệnh “soi đường”.

Triển lãm trưng bày và giới thiệu tới người xem 320 tác phẩm ảnh tiêu biểu, 123 tài liệu, hiện vật quý.

Đó là “Bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943”, văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ; Đó là bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ Văn hóa, ngày 28/2/1957; Là sách “Con người Xã hội chủ nghĩa”, xuất bản năm 1961; Là những hiện vật thể hiện phong cách, lối sống giản dị của Bác...

Ở nội dung trưng bày “Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa”, triển lãm giới thiệu các văn bản, nghị quyết của Đảng về văn hóa qua các kỳ Đại hội.

Giai đoạn 1930 - 1945, là các hình ảnh về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, Đảng lãnh đạo các phong trào đấu tranh giành độc lập như Xô Viết - Nghệ Tĩnh, các cuộc khởi nghĩa khắp Bắc - Trung - Nam… Đặc biệt, triển lãm giới thiệu Đề cương văn hóa đăng trên tạp chí Tiền Phong, cơ quan vận động Văn hóa mới thuộc Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, xuất bản ngày 10/11/1945. Bản Đề cương văn hóa do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo là lần đầu tiên Đảng công bố quan niệm của mình về văn hóa, về vị trí của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc, về sự tất yếu phải tiến hành cách mạng tư tưởng văn hóa và định hướng nội dung xây dựng nền văn hóa mới trên cơ sở thấm nhuần 3 nguyên tắc: Dân tộc, đại chúng, khoa học.

Giai đoạn 1945 - 1954, triển lãm trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật của các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ sĩ và nhiều lĩnh vực khác nhau đã tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, thu hút sự hưởng ứng của nhân dân như: Phong trào “Bình dân học vụ”, tập trung xóa nạn mù chữ; Xây dựng hệ thống giáo dục mới, cử cán bộ, sinh viên đi học tập tại nước ngoài để đào tạo nguồn trí thức tiến bộ tái kiến thiết nước nhà.

Giai đoạn 1954 - 1975 trưng bày các hình ảnh, hiện vật nêu bật tinh thần yêu nước của nhân dân, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Chủ đề Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước trưng bày những nội dung quan trọng, làm nổi bật những thành tựu về lĩnh vực văn hóa, gia đình, du lịch và thể thao, những truyền thống văn hóa quý giá của dân tộc… Bên cạnh đó là những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về những thành tựu văn hóa đối ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn.

Triển lãm cũng trưng bày hình ảnh những di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh.

Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” diễn ra đến hết ngày 27/11. Ngày 24/11 trưng bày tại Nhà Quốc hội và trên website: http//trienlamvhnt.vn, từ ngày 16/11 - 31/12/2021./.

75 năm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên (24/11/1946), lời dạy của Bác “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận