Năm 2024: Du lịch khẳng định vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn

Năm 2024, ngành du lịch đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt

 

Du lịch hiện đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của đất nước. Năm 2024, ngành du lịch đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Cũng trong năm nay, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Trong 10 sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024, có 5 sự kiện về du lịch và các sự kiện liên quan tới du lịch lọt vào danh sách này.

Dấu ấn Nghị quyết số 08-NQ/TW

Kết thúc năm 2024, tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hồ An Phong nhấn mạnh: “Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Luật Du lịch 2017 là chủ trương, định hướng phát triển quan trọng của Đảng và Nhà nước để phát triển du lịch xứng với tiềm năng, thế mạnh và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”.

Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW diễn ra dưới hình thức trực tiếp (tại Hà Nội) và trực tuyến tới 58 đầu cầu trên cả nước.

Ngành VH-TT&DL nhận thức rõ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, tham mưu cho Nhà nước tháo gỡ điểm nghẽn thể chế để tạo nguồn lực, thúc đẩy phát triển du lịch. Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, dự kiến trong nhiệm kỳ Quốc hội 2026 - 2031 sẽ tiến hành sửa Luật Du lịch, tạo môi trường pháp lý thông thoáng cho du lịch phát triển.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, sau hơn 07 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Luật Du lịch 2017, du lịch Việt Nam đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Lượng khách du lịch quốc tế liên tục tăng cao. Nhận thức về du lịch của toàn xã hội có chuyển biến tích cực. Vị thế của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đã và đang được định hình. Đến nay du lịch là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sự tăng trưởng của ngành du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Ngành du lịch đặt mục tiêu đến năm 2025 phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch Covid-19. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu, phấn đấu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm, đóng góp trực tiếp từ 6 - 8% trong GDP.

Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nêu rõ quan điểm “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”.

7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2025

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành VH-TT&DL năm 2025 với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự chủ trì và phát biểu chỉ đạo.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tăng tốc, bứt phá, về đích để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Do đó, chúng ta phải nỗ lực đạt kết quả cao hơn mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là tăng trưởng GDP khoảng 8%, các bộ, ngành, địa phương đều phải theo tinh thần này, trong đó có ngành VH-TT&DL.

Mục tiêu đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỷ trọng đóng góp trong GDP từ 10 - 13%.

Thủ tướng chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho ngành VH-TT&DL, mà du lịch cần bám vào đó để triển khai. Trước hết là tạo đột phá về thế chế theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, kiên quyết loại bỏ cơ chế “xin - cho”, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số…

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện, các thiết chế VH-TT&DL, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng số trên cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.

Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành, có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các ngành nghệ thuật, thể thao, có chính sách giữ chân người tài, động viên người có năng khiếu, đam mê và khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, xử lý những người né tránh, sợ trách nhiệm.

Thứ tư, huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, của người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành theo hướng thông minh, trên cơ sở dữ liệu.

Thứ sáu, xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển…

Thứ bảy, tạo cơ hội, cơ chế cho người dân Việt Nam được thụ hưởng thành quả của VH-TT&DL./.

Mục tiêu đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỷ trọng đóng góp trong GDP, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng về cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững; đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng từ 4 - 5%/năm; đóng góp trực tiếp từ 10 - 13% trong GDP.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận