Việc xây dựng và khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam, giúp tăng cường kết nối các điểm đến, giảm thời gian di chuyển và thu hút lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước. Vấn đề đặt ra là ngành du lịch cần có sự chủ động và chuẩn bị bài bản để đón cơ hội đổi thay này.
Phù hợp xu thế phát triển
Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2024 đã nhấn mạnh giải pháp về cơ chế, chính sách, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, chất lượng tại các trung tâm du lịch, khu du lịch quốc gia và các khu vực có tiềm năng để hình thành các điểm đến đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế...
Trước đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đưa ra giải pháp hạ tầng phải đi trước: Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông với khu du lịch, điểm du lịch; đầu tư điểm dừng, nghỉ trên các tuyến đường bộ. Nâng cấp, mở rộng, đẩy nhanh xây dựng mới các cảng hàng không; xây dựng cảng biển, cảng thủy nội địa chuyên dụng cho khách du lịch; cải thiện nhanh hạ tầng, chất lượng dịch vụ đường sắt để phát triển du lịch...
“Dự án đường sắt tốc độ cao được phê duyệt, đưa vào xây dựng và khai thác sẽ là điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam, đồng thời đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành du lịch. Các địa phương có tuyến đường sắt đi qua cần chủ động hoàn thiện dịch vụ để đón khách”, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, cho rằng: Tuyến đường sắt tốc độ cao là yếu tố quyết định trong việc tăng tính cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam trong khu vực. Các quốc gia láng giềng đã và đang khai thác hiệu quả hệ thống đường sắt tốc độ cao để phát triển các tuyến du lịch nội địa và quốc tế. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt xu thế này để đảm bảo sự cạnh tranh trên thị trường du lịch quốc tế.
Khi dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đi vào hoạt động, các cơ quan quản lý ngành du lịch cần có sự tính toán, cập nhật quy hoạch phát triển du lịch, tập trung vào việc kết nối các điểm du lịch với các ga đường sắt tốc độ cao. Các ga này tiềm năng trở thành trung tâm mới để tiếp nhận và phân phối khách du lịch, giúp giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ và hàng không.
Vẽ lại bức tranh du lịch
Theo ông Cao Trí Dũng, các địa phương có đường sắt tốc độ cao đi qua cũng cần rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị để điều chỉnh hệ sinh thái đi kèm, đón đầu sự phát triển mới này. Những địa phương chưa có sân bay mà lại có hệ thống đường sắt chạy qua thì cần có sự tính toán, điều chỉnh quy hoạch sớm.
Dự báo, trên tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ bùng nổ nguồn khách nội địa vì sự thuận tiện và chi phí hợp lý hơn so với sử dụng phương tiện hàng không, đồng thời sẽ có sự đồng đều hơn giữa các điểm đến trên tuyến. Vì thế, các địa phương có đường sắt tốc độ cao chạy qua cần nhanh chóng nắm lấy cơ hội để trở thành trung tâm du lịch mới, trong đó chú ý hình thành hệ thống hạ tầng, dịch vụ du lịch để đón nguồn khách mới. Khi sự di chuyển từ trung tâm này tới trung tâm kia trở nên rất thuận tiện, bức tranh du lịch sẽ thay đổi cơ bản.
Ông Nguyễn Hà Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh, đánh giá: Sự liên kết này sẽ tạo ra một hành lang phát triển kinh tế mạnh mẽ, trong đó du lịch sẽ là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất. Với sự thuận tiện trong di chuyển, khách du lịch sẽ có thêm động lực để khám phá điểm đến mới, những khu vực du lịch tiềm năng chưa được khai thác triệt để.
Theo phân tích của các chuyên gia, thông thường, ga đường sắt tốc độ cao ở đâu, hệ thống dịch vụ theo đến đó, doanh nghiệp cần nắm cơ hội để ngay lập tức hình thành khách sạn, điểm vui chơi, mua sắm. Khi có đường sắt tốc độ cao, cự ly và thời gian vận chuyển đường bộ sẽ ngắn lại. Thời gian dành cho các nhu cầu du lịch, sử dụng dịch vụ, giải trí sẽ tăng lên, hình thành các tuyến du lịch dọc theo các nhà ga, từ nhà ga về nơi lưu trú...
“Một yếu tố quan trọng giúp ngành du lịch tận dụng hiệu quả tuyến đường sắt tốc độ cao là sự liên kết vùng và phối hợp giữa các địa phương. Đường sắt tốc độ cao không chỉ kết nối các thành phố lớn mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch cho những thị tứ nhỏ hơn, nơi tiềm năng du lịch chưa được khai thác do hạn chế về hạ tầng giao thông. Ngành du lịch cần phối hợp với địa phương để phát triển điểm đến mới, xây dựng tuyến du lịch liên tỉnh, từ đó tạo sự đa dạng cho sản phẩm. Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và nhà hàng cần đầu tư vào đào tạo nhân viên, nâng cao kỹ năng phục vụ và giao tiếp, đặc biệt là khả năng sử dụng ngoại ngữ để phục vụ du khách quốc tế”, ông Cao Trí Dũng phân tích.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Du lịch xanh Việt Nam cho rằng, năng lực vận tải của đường sắt lớn, vận chuyển được đông hành khách. “Đường sắt tốc độ cao thường sử dụng năng lượng điện, tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải nhà kính sẽ góp phần bảo vệ môi trường, dễ dàng đầu tư nhằm đa dạng tiện nghi trên phương tiện. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những thách thức về bảo vệ môi trường, việc phát triển du lịch bền vững ngày càng trở nên quan trọng. Tuyến đường sắt tốc độ cao có thể là một bước tiến lớn trong việc góp phần làm cho sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn, thúc đẩy du lịch xanh tại Việt Nam”, ông Thắng nhấn mạnh.
Thêm cơ hội cạnh tranh
Được biết, giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến bằng khoảng 75% giá vé máy bay trung bình của hàng không giá rẻ và hàng không phổ thông (giá vé bình quân của Vietnam Airlines và Vietjet). Vé đường sắt tốc độ cao chia làm 3 mức giá tương ứng với mức độ tiện nghi khác nhau. Sơ bộ tính toán tại thời điểm hiện tại: Vé hạng nhất (khoang VIP) 6,9 triệu đồng. Hạng 2 là 2,9 triệu đồng. Hạng 3 là 1,7 triệu đồng.
Giá vận chuyển hành khách bằng đường sắt tốc độ cao cũng sẽ tạo ra sức cạnh tranh với các phương tiện vận chuyển khác, thúc đẩy phát triển điểm đến du lịch, thúc đẩy hợp tác du lịch giữa các địa phương có đường sắt tốc độ cao đi qua, tạo ra mạng lưới dịch vụ du lịch đa dạng.
“Nếu như trước đây, chi phí di chuyển bằng máy bay giữa các thành phố lớn, các tuyến đường xa có thể là trở ngại, thì việc đi tàu cao tốc sẽ trở thành một giải pháp kinh tế hơn, mang lại trải nghiệm du lịch mới lạ và thú vị”, ông Thắng nhận định.
Những người làm du lịch cũng kỳ vọng, khi đường sắt tốc độ cao được đưa vào hoạt động sẽ thúc đẩy sự di chuyển của hành khách đến các địa điểm khác nhau, góp phần thu hút đầu tư vào ngành du lịch, hạ tầng và các dịch vụ đi kèm./.