Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo xu hướng tăng trưởng xanh và bền vững giúp cho người nông dân đảm bảo cuộc sống gắn với sinh kế trên vùng đất của họ, nhờ đó nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững, phù hợp xu thế, được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.
Xu hướng tất yếu để phát triển bền vững
Những năm gần đây, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là xu hướng phát triển mang tính tất yếu được nhiều quốc gia quan tâm, trong đó có Việt Nam. Tăng trưởng xanh được hiểu là mô hình tăng trưởng nhằm biến những hạn chế về nguồn lực và ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên thành những cơ hội kinh tế và giảm tác động xấu tới môi trường.
Tại Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn lần thứ nhất của Tổ chức du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) diễn ra tại Hội An, Quảng Nam mới đây, nhiều ý kiến của các diễn giả, đại biểu trong nước và quốc tế về chính sách, cơ chế quản lý, giải pháp ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, giữ gìn văn hóa bản địa, sự liên kết giữa nông nghiệp và phát triển du lịch xanh, kinh tế xanh,… đã gợi mở nhiều sáng kiến, cách làm mới. Từ đó, các quốc gia, tổ chức, địa phương, các làng du lịch, doanh nghiệp, người làm du lịch tiếp cận, học hỏi nhau nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển du lịch nông thôn, tạo nền tảng vững chắc đưa du lịch nông thôn trở thành động lực phát triển bền vững cho các cộng đồng; đưa ra định hướng phát triển du lịch nông thôn và cùng lan tỏa các giá trị, tiềm năng du lịch để góp phần thay đổi cuộc sống, trao quyền cho cộng đồng nông thôn và thúc đẩy công bằng kinh tế, xã hội; đồng thời thể hiện sự cam kết mạnh mẽ vì sự phát triển bền vững và công bằng của các cộng đồng nông thôn.
Theo bà Zoritsa Urosevic, Phó Tổng thư ký UN Tourism, UN Tourism cam kết ưu tiên phát triển nông thôn, coi đây là nền tảng cho phát triển bền vững toàn cầu. Chương trình du lịch phát triển nông thôn và sáng kiến làng du lịch tốt nhất của UN Tourism là minh chứng cho cam kết này. Thời gian tới, UN Tourism sẽ tiếp tục đóng góp vai trò dẫn dắt, là người điều phối để các quốc gia nắm bắt thêm thông tin, kiến thức, định hướng và quan tâm hơn đến du lịch nông thôn.
“Cải thiện tính kết nối, hợp tác công tư mang lại lợi ích nhiều hơn cho vùng sâu, vùng xa. Nhà nước có các quy định linh hoạt, mở, thu hút nhà đầu tư. Có các hoạt động hỗ trợ để tạo ra những điểm lưu trú phục vụ du lịch, tập trung phát triển các hoạt động du lịch liên quan đến văn hóa, nông nghiệp của địa phương để hỗ trợ phát triển nông nghiệp” ông Gürdal Bozkurt, chuyên gia Bộ Văn hóa và du lịch Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, có ý kiến cân nhắc việc “mở” quá mức trên thị trường cũng dẫn đến thách thức. Cần cân nhắc, xác định rõ những mục tiêu cụ thể về du lịch bền vững, môi trường, lợi ích thực sự mang lại cho cộng đồng là gì khi phát triển du lịch nông thôn để không phát triển ồ ạt, phá vỡ sự cân bằng. Ở góc độ tài chính, cần phải tính toán, xác định rõ, không nên tập trung vào phát triển nhanh mà quên tính toán “dấu chân carbon” trong quá trình phát triển.
Cơ hội cho du lịch Việt Nam
Đây là lần đầu tiên Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn được tổ chức và có sự hưởng ứng của 50 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên, với sự tham dự của hơn 150 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới. Chính vì vậy, Hội nghị có nhiều nội dung và hình thức thể hiện phong phú. Từ việc tổ chức trải nghiệm tham quan làng rau Trà Quế (được chứng nhận làng du lịch tốt nhất năm 2024); đến việc chia sẻ kinh nghiệm, làm gì để phát triển các làng du lịch nông thôn trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm của các làng du lịch tốt nhất để phát triển và đưa lên một tầm cao hơn nữa.
Việt Nam là quốc gia có bề dày lịch sử phát triển nông nghiệp dựa trên hệ sinh thái thiên nhiên có tài nguyên đa dạng sinh học thuộc 16 nước cao nhất thế giới. Đa dạng sinh học, đa dạng địa hình, đa dạng tài nguyên là điều kiện cho việc phát triển và tồn tại bền vững cho hệ sinh thái nông nghiệp với các sản vật thiên nhiên độc đáo. Đó chính là điều cốt lõi để đặt nền móng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch ở một nước nông nghiệp như Việt Nam.
Làng rau Trà Quế là điểm đến du lịch nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. Tuy nhiên, hầu như địa phương nào ở nước ta cũng có các làng nông nghiệp truyền thống với không gian làng xã sinh động và các cảnh quan đồng quê đẹp trữ tình có tiềm năng trở thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn. Việt Nam hiện có 70% dân số đang ở khu vực nông nghiệp và nông thôn. Đây được xác định là “vùng đất màu mỡ”, giàu tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn. Để phát triển một cách bền vững thì phải bắt đầu từ văn hoá bản địa, giữ được bản sắc văn hoá của đất nước. Từ đó hình thành các sản phẩm độc đáo, đặc trưng. Đó là những sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống, đó là du lịch ẩm thực… Những sản phẩm được người nông dân làm ra lay động trái tim du khách. Ở đó, thể hiện vẻ đẹp chân chất, thân thiện, hiền hoà, mến khách của con người Việt Nam. Qua đó, thể hiện mong muốn được kết nối, đoàn kết, hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Và vì vậy đã thu hút được nhiều khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
“Nhiều bản làng ở những nơi xa xôi, vùng sâu, vùng xa muốn phát triển du lịch đồng bộ, chuyên nghiệp, đỏi hòi phải giải những “bài toán khó”, không phải ngày một ngày hai thực hiện được. Và mặc dù đã có những sản phẩm du lịch chất lượng, nhưng thực sự đặc sắc, tiêu biểu, riêng biệt thì vẫn còn thiếu. Hiện nay, nhu cầu của du khách ngày càng tăng, sản phẩm ngày càng phải chất lượng cao hơn, đòi hỏi phải giữ được giá trị cốt lõi của văn hoá dân tộc, cho dù phải hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đan xen giữa các nền văn hoá. Bài toán ở đây là phải giữ được văn hoá. Chỉ khi yêu làng mới yêu nước, yêu tổ quốc. Chỉ khi làng giàu lên thì đất nước mới giàu lên”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh./.
UN Tourism trao chứng nhận làng du lịch tốt nhất năm 2024 cho làng rau Trà Quế
Chiều ngày 12/10, làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam) vinh dự được Phó Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) trao chứng nhận “Làng du lịch tốt nhất năm 2024” dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Thành Long, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và các đại biểu, cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế.
Làng rau Trà Quế được UN Tourism vinh danh là “Làng Du lịch tốt nhất năm 2024” dựa trên 9 tiêu chí: Tài nguyên văn hóa và thiên nhiên; Thúc đẩy và bảo tồn tài nguyên văn hóa; Tính bền vững về kinh tế; Tính bền vững về xã hội; Tính bền vững về môi trường; Phát triển du lịch và tích hợp chuỗi giá trị; Quản trị và ưu tiên du lịch; Cơ sở hạ tầng và kết nối; Sức khỏe, an ninh, an toàn.
|