Sự sáng tạo và đổi mới là chìa khóa để duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú. Tại Đại hội nhiệm kỳ III Câu lạc bộ Quản lý buồng Việt Nam (VEHA), các chuyên gia cho rằng, khách sạn, cơ sở lưu trú nên tạo ra một môi trường khuyến khích nhân viên đề xuất ý tưởng mới và cải tiến quy trình làm việc; cá nhân hóa dịch vụ để tạo ra trải nghiệm độc đáo cho khách hàng là chìa khoá để thành công.
Nắm bắt xu hướng khách hàng
Nắm bắt xu hướng phát triển của lưu trú du lịch là vấn đề luôn luôn được những người kinh doanh khách sạn, lưu trú quan tâm. Ông Nguyễn Quang, Chủ tịch VEHA, Phó Chủ tịch Liên chi hội khách sạn Việt Nam chia sẻ: “Du lịch Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung đang hồi phục mạnh mẽ, vì thế ngành khách sạn cần có những thay đổi phù hợp để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Việc chủ động lựa chọn hạng mục gì, triển khai thay đổi như thế nào để nắm bắt cơ hội tiên phong, phát triển của ngành là một trong những ưu tiên hàng đầu của mỗi khách sạn, cơ sở lưu trú”.
Mới đây, nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com đã công bố kết quả Báo cáo triển vọng nhà nghỉ dưỡng, nhằm chỉ ra xu hướng của du khách Việt Nam khi đặt phòng lưu trú. Theo báo cáo chỉ ra cách chủ các cơ sở lưu trú đã làm để thu hút và nâng cao trải nghiệm khách hàng, trong đó, các yếu tố quan trọng nhất đối với khách du lịch Việt Nam khi đặt phòng phải kể đến: Có biện pháp an ninh để bảo vệ du khách (chiếm 49%); không có chi phí ẩn hoặc phí dịch vụ bổ sung (chiếm 46%); đặt phòng dễ dàng và linh hoạt (chiếm 46%), đảm bảo có phòng sau khi đặt cọc (chiếm 39%) và có thể xem các đánh giá chi tiết từ trước đó về địa điểm (chiếm 38%).
Một vài yếu tố khác cũng được quan tâm trong quá trình đặt chỗ như khả năng đặt phòng ngay lập tức (25%) và khả năng hủy phòng vào phút cuối nhưng vẫn được hoàn tiền hoặc tín dụng đầy đủ (24%).
Ngoài ra, trong năm 2023, du khách có xu hướng cá nhân hoá trải nghiệm thường kiếm tìm những ngôi nhà nhỏ - tiny homes (25%), những căn nhà theo phong cách nông thôn cổ điển (21%), lều trại (20%), nhà gỗ, nhà nghỉ trên tuyết (19%) và nhà nổi (11%).
Cũng theo kết quả nghiên cứu trên, nắm bắt được nhu cầu thay đổi liên tục từ du khách, chủ của các cơ sở lưu trú đã có một số điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và xu hướng khách hàng nhằm giúp hai bên nhanh chóng tìm được “tiếng nói chung”.
Sự sáng tạo và đổi mới là chìa khóa để nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú. Xu hướng công nghệ tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực lưu trú du lịch. Giữa bối cảnh đó, IPTV (Internet Protocol Television) - giải pháp chuyển đổi số cho khách sạn - đang nổi lên như một công cụ đột phá, mang đến sự thay đổi căn bản trong cách thức vận hành và cung cấp dịch vụ của các cơ sở lưu trú.
Ông Lương Thanh Nam, Giám đốc điều hành công ty Giải pháp khách sạn Việt - Vietsolutions cho rằng, IPTV là công nghệ truyền tải nội dung truyền hình và đa phương tiện qua mạng Internet, mở ra kỷ nguyên mới cho dịch vụ lưu trú.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành lưu trú, các cơ sở cần nỗ lực hơn nữa trong việc hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Theo bà Jenjira (Phó chủ tịch Hiệp hội Quản lý buồng Thái Lan), việc cá nhân hóa trải nghiệm dịch vụ khác biệt và riêng biệt là bí quyết dịch vụ để thu hút và “giữ chân” khách hàng.
Tập trung đào tạo nhân lực
Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam được đánh giá đạt nhiều kết quả khả quan, thậm chí vượt xa con số đặt ra ban đầu. Nhiều điểm sáng của ngành du lịch trong giai đoạn hồi phục đang tạo nên làn sóng thúc đẩy mạnh mẽ đối với toàn ngành du lịch. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các đơn vị thuộc lĩnh vực lưu trú, khách sạn vẫn còn cảnh “chật vật” xoay sở giải bài toán nguồn nhân lực để phục vụ. Nguyên nhân được lý giải là do lực lượng lao động của ngành du lịch dần dần chuyển sang các ngành khác và rất khó để quay trở lại. Đây là một thách thức lớn đối với lĩnh vực lưu trú, khách sạn vốn cần có nguồn lao động đông đảo.
Chính vì thế, bên cạnh mục tiêu mở rộng mạng lưới hội viên, VEHA sẽ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá để thu hút thêm nhiều chuyên gia tài năng. Đồng thời, thiết lập các tiêu chí chặt chẽ hơn trong việc xét duyệt hội viên, đảm bảo duy trì được chất lượng chuyên môn cao.
Bên cạnh đó, VEHA tổ chức thành công nhiều khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý. Các khóa học không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn cập nhật của ngành mà còn tạo cơ hội cho hội viên trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội khách sạn Việt Nam Đỗ Hồng Xoan khẳng định, thời gian qua, VEHA đã khẳng định vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ buồng phòng tại Việt Nam, trở thành cầu nối quan trọng giữa các chuyên gia trong ngành, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho hàng nghìn nhân viên, quản lý buồng trên cả nước, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú./.
26% du khách Việt cho rằng, một ngôi nhà sát bờ biển hoặc có đường dẫn ra biển là yếu tố quan trọng nhất khiến họ chọn một địa điểm nghỉ dưỡng. 5 yếu tố hàng đầu do người Việt xếp hạng lần lượt là: Gần biển; nằm trên đồi hoặc núi; có hồ bơi và khu BBQ; nông trại hữu cơ; gần thành phố lớn. |