Du lịch đường sông của Việt Nam đã hình thành hơn 20 năm nhưng hiện vẫn như ở giai đoạn ban đầu. Nhiều trường hợp đường sông mới chỉ là phương tiện vận chuyển du khách chứ chưa có dịch vụ du lịch. Đây là thực tế đáng buồn cho loại hình sản phẩm du lịch hấp dẫn khách nhưng nhiều lận đận.
“Chìm nổi” tour du lịch trên sông
Lên kế hoạch cho cả gia đình đi du lịch mùa hè 2024 với hành trình bằng tàu hỏa, gia đình chị Nguyễn Thị Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến Huế vào mùa cao điểm du lịch nội địa. “Hành trình có đường sắt, đường bộ và quay về bằng máy bay, bởi vậy khi đến Huế, tôi muốn tìm 1 tour trên sông để có thêm trải nghiệm. Sông Hương quá đẹp nên gia đình tôi quyết định di chuyển bằng thuyền đi dọc sông để ngắm cảnh và đến các điểm di tích tham quan ở khu vực thượng nguồn, thay vì phải đi đường bộ như phần đông du khách khác. Tuy nhiên, dự định này chỉ thực hiện được 1 phần với một bữa tối trên thuyền kết hợp nghe ca Huế”, chị Hà tiếc nuối.
Cũng theo chị Hà chia sẻ, sông Hương chỉ có lác đác vài chiếc thuyền du lịch chở một số khách ngược dòng lên các di tích chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén. Các thuyền chủ yếu đậu tạm chờ phục vụ tour Ca Huế ban đêm trên sông Hương. Đó cũng là sản phẩm du lịch chính trên sông nước đã và đang được triển khai lâu nay tại Huế, còn ban ngày, du lịch đường thủy trên sông Hương gần như chỉ vận chuyển khách, không có dịch vụ du lịch hấp dẫn.
Đang là mùa du lịch cao điểm hè 2024 nhưng Bến tàu du lịch sông Hồng (Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vắng hoe. Bến tàu hiện chỉ có 2 du thuyền Thăng Long Victory hoạt động. Tuy nhiên, nếu đi tour ngày thăm sông Hồng thì phải đặt trước do tàu chạy không có lịch cố định vì quá ít khách. Nếu đi tour tối, trong vòng 2h30’ với hành trình từ bến tới cầu Nhật Tân, Long Biên hoặc cầu Chương Dương thì quay lại, khách được thưởng thức một bữa tối trên tàu, vừa ăn tối vừa nghe nhạc.
Tương tự Thăng Long Victory, tour du thuyền siêu sang Hà Nội Jade of River đã từng tạo “cơn sốt” trong giới trẻ vào năm 2022, nhưng Jade of River cũng đã phải tạm dừng sau khi đưa vào hoạt động một thời gian cực ngắn, theo giải thích của người đại diện, trực hotline của du thuyền là “dừng vì hơi kén khách”. Còn theo cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của Hà Nội thì đơn vị này không thành công khi khai thác tour du lịch sông Hồng do “xác định sai thị trường”.
Điều đáng nói, hơn hai chục năm đưa vào khai thác nhưng tuyến du lịch sông Hồng dường như không thay đổi, vẫn là các điểm du lịch cũ, chưa có sự đầu tư tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo.
Ở Đà Nẵng, bến thủy nội địa K20 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) có một cầu tàu và một nhà chờ đón khách được đưa vào sử dụng từ năm 2022 nhưng vẫn chưa đón được chuyến tàu du lịch nào. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn (đơn vị quản lý bến) cho biết, sau khi bến được hoàn thiện, tất cả hạ tầng đều bảo đảm vận hành, sẵn sàng đón và phục vụ khi có khách, mọi công việc được giao chúng tôi đã hoàn thành, nhưng việc đưa đón đoàn khách cần sự phối hợp của Sở Du lịch Đà Nẵng và các đơn vị lữ hành. “Đến nay chúng tôi vẫn đang chờ”.
Tại huyện Hòa Vang có cầu tàu Túy Loan, Thái Lai cũng rơi vào tình cảnh hoang tàn. Hai cầu tàu hoàn thành từ năm 2017 theo đúng kế hoạch nhưng đến nay chưa đón chuyến tàu nào.
Liên kết để khơi thông dòng chảy du lịch
Theo GS.TS Phan Thị Thu Hiền, Trường ĐHQG TP.HCM nhận định, hiện nay các hình thức du lịch sông đã hình thành ở khá nhiều địa phương Việt Nam, gắn với những dòng sông nổi tiếng. Trong đó, Đông Nam Bộ có du lịch trên sông Sài Gòn ở TP.HCM, nổi bật là tour buổi tối, 3 - 4 giờ với các dịch vụ du thuyền, tiệc tối, ca nhạc. Trong khi đó, Tây Nam Bộ khá nổi tiếng với du lịch sông Mê kông, chủ yếu ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ... Dịch vụ, sản phẩm chủ yếu là đi tàu thuyền trên sông; tour chợ nổi khoảng 1 giờ vào buổi sáng sớm; tour đi thuyền trong ngày, khám phá hoạt động sinh kế của ngư dân: Nuôi cá bè, ghe cào, cào hến…; thăm cồn, rừng bần, dừa nước, tắm sông, Đờn ca tài tử, thưởng thức bữa trưa với nhiều món ăn đặc sản vùng sông nước… Tuy nhiên, “du lịch sông Cửu Long ở Tây Nam Bộ chưa khai thác tốt các tài nguyên riêng có, còn lặp lại qua các điểm đến ở các tỉnh khác nhau, không làm nổi bật sức hút đặc trưng của từng địa phương”, GS.TS Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Sự thành công trong phát triển du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long cuối cùng là ở chỗ sáng tạo nên hệ thống sản phẩm, trải nghiệm du lịch sông Cửu Long với sức hấp dẫn độc đáo, khác biệt với du lịch sông Hồng, khác biệt với du lịch sông Mê kông ở các quốc gia Đông Nam Á và lục địa khác. Mỗi câu chuyện sông ở mỗi tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lại có sắc thái riêng, không trùng lặp, trộn lẫn với bất cứ địa phương nào khác.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, chỉ ra rằng: Điểm nghẽn thứ nhất đối với dòng chảy du lịch đường sông là từ cơ chế chính sách. Chưa có chính sách cụ thể nào liên quan đến phát triển du lịch đường sông cả. Thứ hai là vấn đề về quy hoạch phát triển mạng lưới. Các hệ thống quy hoạch chỉ có quy hoạch chung, không có quy hoạch chuyên ngành. Thứ ba, muốn phát triển nhưng không quy hoạch được thì phải xin đề án phát triển. “Từ cơ chế chính sách, quy hoạch và đề án, các địa phương đã làm gì để hình dung tổng thể du lịch đường sông phải làm những gì chưa?”, TS. Nguyễn Anh Tuấn đặt câu hỏi.
Theo ông Tuấn, trước hết là phải đánh giá tổng thể tiềm năng và hiện trạng để xem nếu phát triển thì phát triển theo hướng nào. Từ đó quay trở lại quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đến sản phẩm dịch vụ, nhân lực, đến xúc tiến quảng bá, đến vấn đề môi trường. Nói chung phải làm bài bản mới hy vọng tạo ra được sản phẩm hấp dẫn, thu hút khách du lịch. UBND các tỉnh, thành phố cũng cần kết nối với nhau để phát triển du lịch đường sông thay vì địa phương nào chỉ biết địa phương ấy. Ví dụ như Hà Nội có thể phối hợp với Hưng Yên để làm du lịch sông Hồng, phối hợp với Phú Thọ để làm du lịch sông Đà...
Chợ nổi Ngã Bảy (chợ nổi Phùng Hiệp - Hậu Giang) từng là chợ nổi rất sung túc, ghe đò qua lại tấp nập, là chợ đầu mối lớn nhất nhì miền Tây. Chợ nổi Ngã Bảy cũng là một trong những nơi khơi nguồn cho du lịch đường sông miền Tây khi chào đón những du khách người nước ngoài đầu tiên vào khoảng đầu thập niên 90, thế kỷ XX. Tuy nhiên, năm 2022 chợ bị di dời do ách tắc giao thông đường thuỷ. Bắt đầu từ đây, chợ nổi “chìm” dần vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Đây cũng là tình cảnh chung của chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng) hay Long Xuyên (An Giang)… nơi quang cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, ghe tàu tấp nập buôn bán ngày nào, nay đã “một thời vang bóng”.
|
Các doanh nghiệp đang khai thác sản phẩm du lịch đường sông ở TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khẳng định rằng, liên kết là điều kiện tiên quyết để làm du lịch thành công. TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải là một khối thống nhất. Từ đó có hoạt động chung là liên kết xây dựng các sản phẩm dựa trên tính độc đáo của từng địa phương và có những chương trình quảng bá xúc tiến chung.
Tuy liên kết du lịch đường sông ở TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ hiện nay chưa được định hình rõ nét, nhưng những định hướng chung như nêu trên có ý nghĩa lớn đối với việc thực hiện liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương. Trong đó, kết nối bằng sản phẩm du lịch đường sông được đầu tư nghiêm túc là một mục tiêu trọng tâm với nhiều triển vọng./.