Mới đây, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam EuroCham Việt Nam đã gửi thư tới Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất mở rộng danh sách miễn visa du lịch cho 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.
Bức thư này được chủ tịch của các hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, bao gồm Hiệp hội Doanh nghiệp Bỉ - Luxembourg tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Âu và Đông Âu tại Việt Nam, Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Bồ Đào Nha - Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức, Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp các nước Bắc Âu tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ban Nha tại Việt Nam cùng 18 đại sứ của các nước là thành viên Liên minh châu Âu tại Việt Nam đồng thuận ký đề xuất.
Đề xuất này bắt nguồn từ việc đánh giá hiệu quả Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023. Theo đó, thời hạn visa (visa) điện tử kéo dài từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn visa và được xem xét giải quyết cấp visa, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật. Việc kéo dài thời hạn visa nhằm giữ chân khách du lịch quốc tế ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.
Nhiều cơ hội
Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights cho thấy, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong nhóm đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6.
Theo thống kê sơ bộ của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 5,6 triệu lượt, vượt qua con số năm 2022 và đã đạt 69% kế hoạch năm 2023. Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đã đặt mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng Giám đốc SACO Travel, nhận định: “Những thay đổi về chính sách visa của Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ ngành du lịch, đặc biệt là chính sách này có hiệu lực đúng vào mùa cao điểm khách quốc tế đến Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhanh chóng. Có những dự báo sau khi áp dụng chính sách visa mới có thể tăng 20 - 25% lượng khách quốc tế”.
Nói về đề xuất miễn visa du lịch cho 27 quốc gia EU, Chủ tịch EuroCham, ông Gabor Fluit cho rằng, với thị trường 500 triệu dân, việc miễn visa mở rộng này sẽ mang lại một lượng lớn khách từ thị trường này. “Bằng việc gỡ bỏ rào cản visa cho 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, những người có nhu cầu chi tiêu cao khi đến thăm Việt Nam, chúng tôi chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội tuyệt vời cho ngành du lịch cũng như nền kinh tế đất nước những năm khó khăn vừa qua”, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.
Khách du lịch châu Âu luôn được đánh giá là nhóm khách hàng tiềm năng với số lượng du khách lớn, thời gian lưu trú kéo dài, mức chi tiêu cao. Khách du lịch châu Âu có xu hướng ở lại lâu hơn, thường từ hai tuần trở lên và chính khoảng thời gian này cho phép họ đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, giúp các nhà đầu tư khám phá thêm về các triển vọng kinh doanh trong thời gian đó. Tất cả đều góp phần vào việc tạo thêm giá trị cho chuyến tham quan của họ.
Cần khai thác hiệu quả
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhận định, ngành du lịch hoàn toàn có thể đạt, thậm chí vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 nếu biết tận dụng lợi thế và cơ hội từ chính sách visa cởi mở vừa được Quốc hội thông qua. Thế nhưng, visa chỉ là yếu tố “kéo” khách tới Việt Nam, lượng khách thực tế có tăng hay không, khách có chi tiêu nhiều tiền ở Việt Nam hay không, ở lại Việt Nam lâu không… lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Theo ông Vũ Thế Bình, Việt Nam hiện nay ngoài việc đang thua kém các nước ở chính sách visa thiếu cởi mở; sản phẩm thiếu sự khác biệt, sáng tạo, độc đáo; đầu tư cho quảng bá xúc tiến nhỏ lẻ, không có tầm chiến lược… thì giá sản phẩm dịch vụ cũng rất thiếu cạnh tranh. Chi phí đầu vào của ngành du lịch luôn ở mức cao, điển hình như: giá vé máy bay cao, thiếu đường bay thẳng; dịch vụ nhà hàng, khách sạn đắt đỏ; chi phí lao động tăng... nên khi hình thành giá tour cao hơn nhiều so với các nước. Thậm chí, giá tour trong nước cao hơn giá tour nước ngoài. Vì thế, rất khó để các doanh nghiệp du lịch xây dựng các sản phẩm khuyến mại, kích cầu thu hút khách quốc tế.
Theo đại diện của một số doanh nghiệp Việt Nam chuyên đón khách quốc tế, về lâu dài chúng ta phải tính đến việc miễn visa đơn phương cho các nước châu Âu, như đề xuất của EuroCham tại Việt Nam mới đây. Đó là vì châu Âu là thị trường bền vững với nhu cầu du lịch thuần túy, thích khám phá điểm đến, tính cá nhân hóa cao, mức chi tiêu lớn hơn so với các thị trường khác. Vì thế, cần hết sức chú ý, cân nhắc việc tiếp tục mở rộng diện miễn visa đơn phương để hút khách châu Âu nói riêng, khách quốc tế nói chung đến Việt Nam./.
“Để khai thác hiệu quả việc nới lỏng chính sách visa, ngành du lịch Việt Nam cần phải có một giải pháp tổng thể với trọng tâm là xây dựng sản phẩm mới, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, mở rộng thị trường quốc tế, liên kết phát triển du lịch, phát triển du lịch đêm, mở rộng diện miễn visa đơn phương…, mở rộng và đẩy mạnh truyền thông xúc tiến thị trường mới, tuyên truyền chính sách visa linh hoạt, nên áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để xúc tiến thị trường và phổ biến các chính sách visa linh hoạt, cởi mở của Việt Nam”.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam
|