Đa dạng sản phẩm để phá hạn chế 'mùa vụ' du lịch

Các chuyên gia cho rằng, đa dạng hoá sản phẩm du lịch văn hoá là một trong những yếu tố quan trọng khắc phục yếu tố mùa vụ cho du lịch Việt Nam.

 

Nông dân canh tác theo mùa vụ, thương nhân làm ăn theo thương vụ, nhưng du lịch cũng mang tính mùa vụ thì không phải lối. Các chuyên gia cho rằng, đa dạng hoá sản phẩm du lịch văn hoá là một trong những yếu tố quan trọng khắc phục yếu tố mùa vụ cho du lịch Việt Nam.

Phụ thuộc nhiều vào mùa vụ

Mùa hè năm 2022 đánh dấu sự bùng nổ lượng khách du lịch biển ngay từ đầu mùa hè, vào tháng 4 là 10,5 triệu lượt, tháng 5 có 12 triệu lượt, tháng 6 là 12,2 triệu lượt và tháng 7 có 11 triệu lượt. Những con số này có được một phần do tâm lý và sự kìm nén sau thời gian dài chịu tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau mùa du lịch hè, lượng khách du lịch giảm nhanh và đến hết năm 2022, du lịch Việt Nam vẫn không đạt mục tiêu đề ra.

Để khắc phục tính thời vụ trong hoạt động du lịch, cần đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch.

Việc không hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2022 một phần là do tính thời vụ của ngành du lịch Việt Nam. “Gom lúa theo mùa”, tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ như “té nước theo mưa”, không chỉ là các hãng hàng không, tàu, xe tăng giá vé dịp lễ, mà tồn tại trong tâm lý “làm một mùa, ăn cả năm” của nhiều người làm du lịch.

Mặt khác, nghỉ dưỡng kết hợp tắm biển là loại hình chủ yếu của du lịch biển ở Việt Nam. Lợi thế lớn nhất của nước ta chính là sự kết hợp giữa điều kiện thuận lợi của khí hậu, nhưng cũng chính sự thay đổi khí hậu theo mùa là nguyên nhân chủ yếu tạo nên tính thời vụ trong hoạt động du lịch biển.

Yếu tố theo mùa vẫn có giá trị lớn khi người làm du lịch (từ cấp quản lý nhà nước, doanh nghiệp đến người dân) tận dụng sự khác biệt giữa những không gian du lịch trong cùng một thời điểm, sự thay đổi tích cực về khí hậu, thời tiết, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực độc đáo giữa các vùng miền, quốc gia hay các sự kiện thể thao qua các chuyến đi để tạo sức hấp dẫn du khách. Nhưng khai thác mùa vụ khác với phụ thuộc vào mùa vụ.

Giới chuyên gia cho rằng, để khắc phục tính thời vụ trong hoạt động du lịch, Việt Nam cần có những định hướng và giải pháp cụ thể như đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch, phát triển các loại hình du lịch ít chịu ảnh hưởng của điều kiện khí hậu như tham quan, du lịch sinh thái... Ngoài ra, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ du lịch, quy hoạch các điểm, xúc tiến quảng bá đồng thời bảo vệ tài nguyên du lịch biển, gia tăng giá trị từ các dịch vụ liên quan như vận tải, văn hóa giải trí... nhằm làm giảm cường độ của thời vụ du lịch, kéo dài thời gian mùa du lịch trong năm. .

Đa dạng sản phẩm, tăng giá trị văn hoá

Hiểu khách, nắm được thị hiếu của khách là cơ sở quan trọng để chủ động tung ra các sản phẩm mới, phù hợp mà không cần chờ mùa vụ; xây dựng chuỗi giá trị du lịch không giới hạn khoảng thời gian hay “gói” trong không gian hành chính. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch và tăng sức cạnh tranh giữa các chủ thể hành chính trong mỗi vùng, mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau.

Du lịch Việt Nam vẫn mang tính thời vụ do sự thay đổi khí hậu theo mùa.

Nước ta có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá cùng điều kiện tự nhiên phong phú và đa dạng khí hậu là những điều kiện thuận lợi để ngành du lịch có thể khai thác và phát triển một cách bền vững. Tuy nhiên việc khai thác lợi thế của di sản và đa dạng văn hoá chưa xứng với tiềm năng.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, sản phẩm văn hoá sẽ hấp dẫn du khách bởi sự khác biệt, đồng thời khắc phục yếu tố mùa vụ trong hoạt động du lịch ở Việt Nam. Du lịch văn hoá sẽ góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước ra thế giới. Tuy nhiên, việc phát huy các giá trị di sản, khai thác để phát triển du lịch ở nước ta chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, điều quan trọng là xây dựng được sản phẩm du lịch mang thương hiệu của Việt Nam.

“Muốn phát triển du lịch văn hóa thì phải làm rõ được sản phẩm du lịch văn hóa là gì để từ đó có chiến lược xúc tiến rõ ràng. Việc xúc tiến du lịch văn hóa chắc chắn phải khác xúc tiến các sản phẩm du lịch khác. Người làm du lịch văn hóa cần phải có những kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực này”, ông Vũ Thế Bình nhận định.

Tại lễ công bố Hội chợ Du lịch Quốc tế, VITM Hà Nội mới đây, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ông Phạm Văn Thuỷ khẳng định, phát triển văn hóa du lịch vô cùng cần thiết, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Việt Nam cần tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của khách thay vì cung cấp cho du khách sản phẩm sẵn có. Sản phẩm du lịch cần phát huy trong thời gian tới là văn hoá, ẩm thực, đặc biệt là khám phá di sản văn hoá./.

Cả nước hiện có khoảng 40.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó khoảng 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, trên 3.460 di tích cấp quốc gia, 107 di tích quốc gia đặc biệt, 164 bảo vật quốc gia. Việt Nam hiện có 8 di sản được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới, 14 di sản được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Việt Nam có 7 Di sản tư liệu được UNESCO ghi danh.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận