Kinh tế đêm sẽ tăng sức hút cho du lịch Việt Nam

Kinh tế ban đêm càng được đầu tư đa dạng và phong phú càng có khả năng giữ chân du khách và kích thích nhu cầu chi tiêu

 

Kinh tế ban đêm càng được đầu tư đa dạng và phong phú càng có khả năng giữ chân du khách và kích thích nhu cầu chi tiêu. Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã tạo cơ hội cho các địa phương tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

Nhiều tiềm năng

Kinh tế ban đêm không phải là mô hình hoàn toàn mới, mà đã trải qua nhiều thập kỷ hình thành và phát triển ở nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới. Kinh tế ban đêm chỉ tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 18 giờ tối hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm: Mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24, ẩm thực, hưởng thụ nghệ thuật, giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm...

Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Hơn 1 năm kể từ ngày mở lại hoạt động du lịch sau khi khống chế dịch Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để triển khai đề án này để tạo sức hút mới cho du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, để “đánh thức” tiềm năng và phát triển kinh tế ban đêm đúng hướng, Việt Nam sẽ phải trải qua không ít thách thức.

Chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong hành trình tour của khách.

Theo một nghiên cứu của Ernst & Young (E&Y), ngành công nghiệp về đêm của Anh đóng góp khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ Bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. E&Y ước tính khu vực kinh tế ban đêm của London có thể đóng góp gần 30 tỷ bảng mỗi năm vào đầu năm 2030, cao hơn 15% so với hiện nay. Tại Australia, quy mô doanh thu từ kinh tế ban đêm ở các khu đô thị lớn đạt tới 136 tỷ đô la Australia trong năm 2018, tương đương 5% quy mô kinh tế nước này và tạo việc làm cho 1,1 triệu người. Việc kéo dài thời gian hoạt động tại các cơ sở giải trí sẽ tăng 25% chi tiêu của du khách.

Tại Hàn Quốc, các chợ đêm quy tụ rất nhiều các món ẩm thực của nhiều quốc gia và mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Tới thời điểm hiện tại, riêng thủ đô Seoul đã có hàng trăm chợ đêm, phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí, ăn uống... của người dân và du khách, khiến thành phố này thực sự trở nên sống động lúc lên đèn.

Đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế đêm đối với ngành du lịch tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel khẳng định, nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong hành trình tour của khách. Bởi ban ngày khách chủ yếu đi tham quan các địa danh theo chương trình, chỉ buổi tối mới có thời gian để tự khám phá văn hóa, ẩm thực, giải trí và các hoạt động khác. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các tỉnh, thành phố có ngành du lịch được xem là kinh tế mũi nhọn thì dịch vụ giải trí về đêm chưa được xem trọng đầu tư. Điều này khiến chi tiêu của du khách giảm đáng kể và hoạt động du lịch kém hấp dẫn hơn. Thực tế, hoạt động kinh tế về đêm lâu nay mới chỉ được biết đến với các khu chợ đêm, tuyến phố đêm đặc trưng như: Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (Thành phố Hồ Chí Minh); chuỗi các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ tại một số thành phố lớn...

Cần hành lang pháp lý để khai thác hiệu quả

Thực trạng kinh tế đêm ở Việt Nam qua thống kê, đánh giá tại các các trung tâm du lịch lớn trên cả nước hiện nay đang diễn ra phổ biến với kết luận khá ngắn gọn là “đi ngủ sớm” và mới chỉ dừng ở kinh tế nửa đêm. Chợ đêm, phố đi bộ, trung tâm vui chơi giải trí, nhà hàng, quán bar, vũ trường… tại khắp các tỉnh thành dù đã được “nới” giờ kinh doanh nhưng vẫn chỉ hoạt động đến 23h…

Lấy ví dụ, tại TP.HCM, trung tâm kinh tế sôi động nhất cả nước nhưng phải tới tháng 9/2019, hệ thống vũ trường của TP.HCM mới được áp dụng quy định mới, kéo dài thời gian hoạt động đến 2 giờ sáng thay vì 23h giờ như trước. TP.HCM cũng là địa phương duy nhất trên cả nước có quy định này.

Sau 21h mới là thời điểm hoàn tất các công việc trong ngày và bắt đầu những hoạt động vui chơi, giải trí về đêm

“Với những người đi du lịch, các bạn trẻ, sau 21h mới là thời điểm hoàn tất các công việc trong ngày và bắt đầu những hoạt động vui chơi, giải trí về đêm. Nếu 23h đã đóng cửa thì thực sự là “chưa kịp chơi đã bị đuổi về”, anh Ân, một bạn trẻ tại Hà Nội chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá, từ trước đến nay, hầu hết các địa phương chỉ tập trung phát triển sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ. Sau khi Chính phủ thông qua đề án phát triển kinh tế đêm, gần 3 năm qua, khắp cả nước từ Nam chí Bắc đều rầm rộ hưởng ứng chủ trương, quyết tâm kích hoạt “cỗ máy in tiền” này. Tuy nhiên, quan điểm về kinh tế đêm vẫn rất hời hợt, theo công thức quy hoạch phố đi bộ, bỏ vào đó các hoạt động ăn nhậu. Mặt khác, khái niệm kinh tế đêm vẫn chưa được hiểu thấu đáo nên xử sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa chủ trương và hành động giữa các ngành, các cấp quản lý.

“Về mặt sản phẩm, kinh tế đêm là tất cả những hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống từ sau 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, nhưng không phải tự phát mà phải được quy hoạch bài bản theo từng khu vực. Đơn cử, ẩm thực là lợi thế rất lớn của Việt Nam, nhưng làm phố ẩm thực, chợ đêm không phải chỉ cần tập trung các hàng quán, rào đường, tô sơn, kẻ vạch là thành phố ẩm thực, thành chợ đêm. Tới đó không ai cảm nhận được gì, không ai hiểu văn hóa ăn uống của người Việt ra sao. Chỉ thấy người ta nhậu vô tội vạ, thấy hàng quán đổ rác ngay gần quầy ăn, người dân xả rác bừa bãi. Rồi mỗi quận, mỗi huyện, mỗi tỉnh, chỗ nào cũng muốn làm phố ẩm thực, mạnh ai nấy làm, không tạo nên được điểm đến bản sắc. Trong khi đó, muốn làm chợ đêm thì ngay từ đầu phải có quy hoạch, từ quy hoạch đất đai không nằm sát khu dân cư, cho đến hệ thống giao thông, cấp thoát nước, gắn với quy hoạch đô thị; phải đào tạo từ người bán đến người mua; cho phép xây dựng quy chế quản trị an ninh trật tự; phải đảm bảo được vấn đề môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí là cả chính sách thuế”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu ý kiến.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - bà Đặng Hương Giang cho biết, chúng ta chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy khu vực này. Do đó, cần ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý; quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm.

“Để khai thác tiềm năng, trước tiên cần có quan điểm định hướng rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế ban đêm, không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, mà cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển”.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn, ĐH Kinh tế quốc dân

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận