Du lịch Thái Nguyên: Đánh thức tiềm năng 'Thủ đô gió ngàn'

Được mệnh danh là 'Thủ đô gió ngàn', Thái Nguyên là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa đa dạng, giàu truyền thống cách mạng và được thiên nhiên ưu ái...

 

Được mệnh danh là “Thủ đô gió ngàn”, Thái Nguyên là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa đa dạng, giàu truyền thống cách mạng và được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều thắng cảnh. Thái Nguyên mang trong mình nội lực mạnh mẽ để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Vùng đất giàu tiềm năng du lịch
Vốn sẵn tài nguyên thiên nhiên phong phú, là nơi sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc với đa dạng văn hoá, nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đã được công nhận và bảo tồn gần như nguyên vẹn, cùng với truyền thống cách mạng của vùng đất được mệnh danh “Thủ đô gió ngàn”, du lịch Thái Nguyên những năm gần đây ngày càng trở nên hấp dẫn. Thái Nguyên thực sự là vùng đất có nhiều tiềm năng và nội lực mạnh mẽ cho mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, với những tuyến đường cao tốc nối Thái Nguyên với Hà Nội và nhiều địa phương, du lịch Thái Nguyên thực sự có cơ hội trở thành điểm đến mới đầy sức hấp dẫn, trẻ trung, mạnh mẽ của vùng Đông Bắc.

Thái Nguyên là điểm đến du lịch có nhiều tiềm năng ở trung tâm khu vực Đông Bắc.
Cách Thủ đô Hà Nội 80km về phía bắc, Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi tiếp giáp với 6 tỉnh, thành. Với vị trí địa lý thuận lợi, là cầu nối giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng với vùng miền núi phía Bắc, cùng với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt nối liền Thủ đô và các tỉnh lân cận, mang đến cho Thái Nguyên lợi thế về vận chuyển và giao thương hàng hóa cũng như hành khách mà ít đâu sánh bằng.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, trên địa bàn tỉnh có hơn 800 di tích và danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định, trong đó đa phần là di tích lịch sử, di tích tín ngưỡng và di tích danh thắng, như: Khu du lịch Hồ Núi Cốc, Khu du lịch sinh thái Thái Hải, Suối Mỏ Gà, Khu du lịch Hang Phượng Hoàng, Khu Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam trung tâm thành phố Thái Nguyên… và các công trình tâm linh đền chùa với kiến trúc nghệ thuật như Đền Đuổm, chùa Hang, chùa Phủ Liễn, đền Đội Cấn, đền Xương Rồng... Đặc biệt, khu Di tích lịch sử ATK Định Hoá được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Hồ Núi Cốc là điểm đến được thiên nhiên ưu đãi với phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ và nhiều nét văn hóa đặc sắc của người dân bản địa.
Bên cạnh những di tích lịch sử, các di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc cũng khiến cho du khách mê đắm. Cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có bản sắc văn hoá riêng biệt và được giữ gìn có thể kể đến như hát Sli, hát Lượn, hát Nàng Ới, nghề thủ công đan lát, dệt vải, múa rối cạn của người Tày, Nùng; điệu hát Pả Dung của người Dao trong những ngày lễ Tết; làn điệu Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu; Lễ hội cầu mùa của dân tộc Sán Chí, điệu múa Tắc Xình của người Sán Chay huyện Phú Lương và Lễ cấp sắc của người Dao ở Đại Từ đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Đặc biệt, Nghệ thuật hát Then đàn tính của người Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể thế giới.
Nói đến du lịch Thái Nguyên thì không thể quên nhắc đến đặc sản trứ danh “đệ nhất danh trà”. Trong những năm gần đây, trà được coi là sản phẩm du lịch mới của Thái Nguyên với những địa danh trà nổi tiếng như Tân Cương, La Bằng, Minh Lập, Trại Cài… Nắm bắt được thế mạnh chính của tỉnh là văn hóa các dân tộc thiểu số và đặc sản trà Tân Cương, những năm qua, Thái Nguyên đã tập trung khai thác, đánh thức tiềm năng phát triển du lịch và coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn cho sự phát triển ổn định, bền vững của tỉnh.
Với những tiềm năng lợi thế trên, cùng sự nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng, khai thác các tiềm năng du lịch, tạo dựng mạng lưới các điểm du lịch cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, chắc chắn trong tương lai không xa Thái Nguyên sẽ trở thành điểm đến yêu thích của du khách.

Sản phẩm du lịch ATK.
“Đánh thức” tiềm năng
Trong những năm trở lại đây, Thái Nguyên triển khai hàng loạt các hoạt động, giải pháp kích cầu du lịch nhằm thu hút du khách trải nghiệm các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Việt Bắc với “đệ nhất danh trà” nổi tiếng.
Sau khi kiểm soát dịch Covid-19, với thông điệp “Thái Nguyên, điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn”, tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đưa ngành du lịch từng bước phục hồi, phát triển mạnh trong thời gian tới, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”. Qua đó, đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc với các sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu cạnh tranh cao.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Thái Nguyên, năm 2021, khách tại các điểm tham quan đạt 54,6%, khách quốc tế đạt 61% so với năm 2020; doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch giảm mạnh. Nguồn nhân lực du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các sơ sở lưu trú, doanh nghiệp, điểm du lịch phải cắt giảm nhân lực, một số doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động.
Cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước phục hồi du lịch trong tình hình mới, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, đón du khách trong và ngoài nước đến Thái Nguyên với mục tiêu năm 2022 đón 1,3 triệu lượt khách.

Hang Phượng Hoàng kỷ ảo
Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thái Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty khách sạn du lịch Dạ Hương, cho biết, kể từ tháng 3/2022, khi cả nước kiểm soát thành công dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch, khách sạn trong tỉnh đã nỗ lực phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương triển khai các biện pháp mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, xây dựng phương án đón khách với các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
“Cùng với các hoạt động của tỉnh, các doanh nghiệp trong Hiệp hội cũng chủ động tham gia các chương trình kết nối với các doanh nghiệp du lịch trên cả nước, đặc biệt là khu vực Đông - Tây Bắc và các đầu cầu du lịch lớn như Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Tổ chức famtrip giới thiệu du lịch Thái Nguyên cho các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước nhằm thiết kế các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, mang đặc trưng riêng và có sức cạnh tranh cho du lịch Thái Nguyên”, ông Hiệp cho biết. 
Theo Sở VH-TT&DL Thái Nguyên, việc mở cửa, từng bước phục hồi du lịch năm 2022 sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện thành công Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Thái Nguyên sẽ trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà, có thương hiệu canh tranh cao, đa dạng, chất lượng. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón được 3.250.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng/năm. 


Theo ông Đỗ Trọng Hiệp, thời gian qua, Thái Nguyên triển khai các hoạt động hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước; tăng cường đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách tiếp cận điểm đến, sử dụng dịch vụ và trải nghiệm trọn vẹn khi đến Thái Nguyên.
“Dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp tại địa phương vẫn quyết tâm khôi phục hoạt động, các sản phẩm du lịch Thái Nguyên đã được nâng cấp cơ bản có chất lượng cao hơn so với trước đại dịch Covid-19. Một vài cơ sở lưu trú như khách sạn Dạ Hương được đầu tư nâng cấp, mở rộng; các điểm đến như khu sinh thái Dũng Tân, hang Phượng Hoàng được bổ sung dịch vụ ăn uống, lưu trú và các trải nghiệm cho du khách… Ngay cả những điểm du lịch cộng đồng, homestay tại các vùng chè cũng nâng cấp sản phẩm trà và dịch vụ giải trí, ăn, nghỉ để thu hút du khách”, ông Hiệp chia sẻ.

Các giải pháp kích cầu du lịch, thu hút du khách được tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo triển khai như: Phát động Tuần Văn hóa du lịch Thái Nguyên; tham gia Hội chợ du lịch VITM Hà Nội 2022; đăng cai tổ chức triển lãm mỹ thuật khu vực 3 (Việt Bắc - Tây Bắc); tổ chức Festival Trà Thái Nguyên lần thứ 4; đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ 2; tham gia Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” Hà Giang 2022; tiếp tục thực hiện chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thái Nguyên với 6 tỉnh vùng Việt Bắc, với 8 tỉnh vùng Đông Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh; phát động Cuộc thi thiết kế sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch Thái Nguyên; tổ chức các hoạt động nhân các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của địa phương gắn với tuyên truyền, quảng bá, kích cầu du lịch…

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận