Ngày 24/11/2023, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 đã tổ chức Hội thảo Thành tựu 200 ca ghép gan tại Bệnh viện TWQĐ 108. Trong đó, ca ghép gan bất đồng nhóm máu từ người cho sống được thực hiện thành công ngày 30/10/2023 là thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực ghép tạng Việt Nam.
Cách đây 6 năm, bệnh nhân nữ 15 tuổi quê ở Quảng Bình phát hiện xơ gan không rõ căn nguyên. Gần đây, bệnh nhân đi khám, phát hiện có khối u gan đã được chẩn đoán là ung thư biểu mô tế bào gan trên nền xơ gan nên đã được nút mạch gan chuẩn bị cho ghép gan.
TS. Lê Văn Thành - Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108 - cho biết: “Đối với trường hợp này, phẫu thuật cắt u không khả thi vì chức năng gan của cháu kém do xơ gan, lách to. Ghép gan là phương án tốt nhất dành cho bệnh nhân”.
Điểm đặc biệt của ca ghép này đó là ghép gan bất đồng nhóm máu ABO với người hiến là bà nội. Những trường hợp bất đồng về nhóm máu sẽ được điều trị khác với các trường hợp cùng nhóm máu.
Sau quá trình chuẩn bị trước ghép tích cực, kíp ghép gan tiến hành phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép phải từ người cho sống để tiến hành ghép gan cho nữ bệnh nhân. Sau 8 giờ đồng hồ, ca ghép gan được thực hiện thành công. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản ngay tại phòng mổ.
Sau 01 tuần ghép, sức khỏe của người hiến và người nhận đều ổn định. Người hiến được ra viện sau 01 tuần ghép. Còn sức khỏe của người nhận phục hồi tốt, chức năng gan ghép hoạt động bình thường, vận động nhanh nhẹn.
Bệnh nhân xúc động chia sẻ: “Lúc phát hiện bệnh em cảm thấy gục ngã, không thể đứng dậy. Nhưng nhờ các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa, Bệnh viện đã động viên em, truyền năng lượng tích cực để em tiếp tục chiến đấu với bệnh. Em cảm ơn các bác sĩ đã tạo cho em một cơ hội sống như ngày hôm nay. Mong muốn lớn nhất của em là khỏe mạnh, để được về đi học với các bạn”.
Mặc dù miễn dịch của người lớn phức tạp hơn ở trẻ em và lượng bệnh nhân ghép gan ngày càng tăng, nguồn gan hiến hạn chế, từ đó, việc triển khai ghép gan bất đồng nhóm máu giúp tăng cơ hội sống cho người cần được ghép gan.
Hiện nay, 9 trung tân ghép gan trên cả nước đã thực hiện ghép gan cho hơn 500 bệnh nhân. Riêng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công 200 ca ghép trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất toàn quốc, đồng thời cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước (198 ca). Bệnh viện làm chủ được kỹ thuật ghép gan từ người cho sống - kỹ thuật ghép gan khó và phức tạp hơn rất nhiều so với ghép gan từ người hiến chết não.
Ca ghép gan đầu tiên tại Bệnh viện được thực hiện vào tháng 10/2017, đó là ca ghép gan cùng huyết thống từ người cho sống - con trai hiến gan ghép cho mẹ. Nối tiếp thành công của ca ghép trên, Bệnh viện đã tổ chức thực hiện ghép gan thường quy hàng tuần - trung bình mỗi tuần 1-2 ca; tần suất thực hiện các ca ghép tăng lên đáng kể, có tuần Bệnh viện triển khai ghép 05 ca ghép gan, có ngày thực hiện 02 ca ghép.
Bệnh viện đã triển khai thực hiện ghép gan trong nhiều tình huống và nhiều loại hình ghép khác nhau: ghép gan cấp cứu, ghép gan theo kế hoạch, ghép gan lấy từ người hiến chết não, ghép gan lấy từ người cho sống, ghép gan cho người lớn, ghép gan cho trẻ em, lấy ghép gan tại chỗ và tổ chức điều phối lấy ghép gan xuyên Việt với rất nhiều ca đặc biệt ghi những dấu ấn sâu sắc.
Tháng 11/2021 là thời điểm ghi dấu bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực ghép gan của Bệnh viện trên bản đồ ghép tạng bằng sự kiện đặc biệt, đó là lấy mảnh gan ghép (bên phải) bằng phẫu thuật nội soi từ người hiến sống và tiến hành ghép gan thành công. Đây là bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam.
Phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép từ người hiến sống là một trong những kỹ thuật ngoại khoa phức tạp bậc nhất, đòi hỏi trình độ tay nghề cao, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ. Trên thế giới hiện nay mới chỉ có một số ít các Trung tâm ghép gan tại các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc mới có thể thực hiện được. Tính đến nay, ở nước ta, Bệnh viện TWQĐ 108 là cơ sở y tế duy nhất triển khai kỹ thuật này và đã có 20 trường hợp được thực hiện phương pháp này.
Thế giới đã thực hiện thành công hơn 20 trường hợp phẫu thuật nội soi ghép gan toàn bộ ở người nhận. Bệnh viện TWQĐ 108 đã thực hiện được phẫu thuật nội soi cắt gan toàn bộ cho 08 trường hợp. Đây là bước đầu tiên giúp hoàn thiện kỹ thuật, chuẩn bị cho thực hiện phẫu thuật nội soi ghép gan toàn bộ ở người nhận trong thời gian tới. Bệnh viện TWQĐ 108 là nơi đầu tiên triển khai kỹ thuật mới này ở Việt Nam.
Theo lãnh đạo Bệnh viện TWQĐ 108, để có được những thành công này, ngoài nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học, thầy thuốc Bệnh viện và sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện thì còn có sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ; sự hợp tác của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, Hội Ghép tạng Việt Nam, đặc biệt là sự hy sinh cao cả của người hiến tạng và gia đình bệnh nhân.
Hiện nay, mỗi năm Bệnh viện TWQĐ 108 thực hiện từ 40 - 50 ca ghép gan, trong những năm tới phấn đấu đạt 100 -150 ca/mỗi năm. Chi phí ghép gan tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước khác nên rất có ý nghĩa đối với bệnh nhân ung thư gan và suy gan mạn tính giai đoạn cuối ở nước ta.
Trong thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục triển khai ghép gan cấp cứu; Thực hiện thường quy kỹ thuật lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống bằng phẫu thuật nội soi; Thực hiện cắt toàn bộ gan người nhận bằng kỹ thuật nội soi tiến tới triển khai kỹ thuật ghép gan bằng phẫu thuật nội soi; Đẩy mạnh ghép bất đồng nhóm máu để tăng nguồn hiến gan;…
Mục tiêu của Bệnh viện TWQĐ 108 về phát triển ghép mô bộ phận cơ thể người đến năm 2025 là hoàn thiện cơ sở hạ tầng ghép mô, bộ phận cơ thể người đồng bộ; tập trung nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tiên tiến hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người ngang tầm với các quốc gia có nền y học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Thiếu tướng, Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108, cho biết: “Tỷ lệ bệnh nhân xơ gan, ung thư gan ở Việt Nam là chiếm tỉ lệ thuộc dạng cao nhất thế giới. Việc phát triển các kỹ thuật để điều trị cho những bệnh nhân bị bệnh gan, xơ gan, ung thư gan là nhu cầu bức thiết. Qua 200 ca ghép gan của chúng tôi, kết quả ghép gan cho những bệnh nhân suy gan nặng, suy gan cấp tính, hôn mê gan đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân. Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tập trung vào ba mô tạng chủ yếu đó là gan, thận và tế bào gốc, cũng như là phát triển kỹ thuật điều trị tế bào và liệu pháp tế bào. Chúng tôi nhìn thấy được xu hướng phát triển của việc ghép mô, bộ phận cơ thể người, đặc biệt là ghép tế bào gốc, sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề trong thời gian sắp tới. Kỹ thuật ghép gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã hoàn thiện tương đương các nước tiên tiến trên thế giới, chúng ta có thể làm chủ hoàn toàn được công nghệ ghép gan nên bệnh nhân không phải đi ra nước ngoài điều trị nữa. Người bệnh chỉ cần đến với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là có thể triển khai được, với chi phí thấp hơn rất nhiều so với điều trị ở nước ngoài”.
Phát huy thành tựu về ngoại khoa, về ghép gan, ghép mô bộ phận cơ thể người, cán bộ nhân viên, thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nỗ lực phấn đấu đem hết sức mình xây dựng Bệnh viện hiện đại, đồng bộ, thông minh “Chuyên sâu - Chuyên tâm - Vươn tầm quốc tế”, hoàn thành suất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao cho, xứng đáng với niềm tin yêu của bộ đội và nhân dân./.