Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tổ chức Hội thảo khoa học: "Cập nhật những tiến bộ trong phẫu thuật điều trị ung thư phổi" với sự chia sẻ của các chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật lồng ngực của Nhật Bản... Báo Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn Đại tá, Tiến sĩ. Bác sĩ Ngô Vi Hải - Chủ nhiệm Khoa - về nội dung này.
Thưa Tiến sĩ Ngô Vi Hải, những kỹ thuật mới được giới thiệu trong hội thảo có gì khác biệt so với những kỹ thuật đang áp dụng tại Việt Nam, cụ thể là ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108?
Các giáo sư Nhật Bản khi đến với Hội thảo này đã chia sẻ những kinh nghiệm về phẫu thuật robot hỗ trợ, đây là một xu hướng mới trong phẫu thuật điều trị ung thư phổi, nhất là với những trường hợp ung thư giai đoạn sớm. Cần hiểu rằng, đây chỉ là một cách thức thực hiện phẫu thuật, chứ không phải là một thay đổi cách mạng trong phương pháp điều trị. Phẫu thuật với robot hỗ trợ (Robot Assisted) là một sự phát triển của phẫu thuật nội soi video hỗ trợ (Video Assisted). Phẫu thuật viên thông qua hệ thống điều khiển bên ngoài trường mổ (không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân), điều khiển những cánh tay robot (thực chất là các dụng cụ phẫu thuật), đưa qua các lỗ nội soi để tiến hành các thao tác phẫu thuật trong cơ thể bệnh nhân. Ưu điểm của phương pháp này là hệ thống camera không gian 3 chiều (3D) và đầu các cánh tay robot vận động mô phỏng hoạt động của cổ tay và ngón tay người nên rất linh hoạt. Những ưu điểm này cho phép bác sĩ đánh giá tổn thương rõ ràng cũng như thao tác chính xác hơn. Hạn chế hiện nay của phẫu thuật robot là giá thành còn cao, một dàn robot thế hệ mới có giá lên đến hàng trăm tỉ đồng, ngoài ra các cánh tay robot là các vật tư tiêu hao với giá hàng trăm triệu đồng cho mỗi ca mổ. Phẫu thuật viên cũng cần một quá trình đào tạo rèn luyện công phu.
Như vậy phẫu thuật robot hỗ trợ không phải là phẫu thuật tự động, như mọi người có thể hiểu lầm là robot (người máy) tiến hành phẫu thuật. Về nguyên tắc thì vẫn như các phẫu thuật khác (phẫu thuật nội soi, phẫu thuật nội soi hỗ trợ hoặc mổ mở), yếu tố con người vẫn là quyết định, nhưng nó làm cho phẫu thuật, nhất là vét hạch trong ung thư, dễ dàng hơn.
Như vậy yêu cầu về trình độ của phẫu thuật viên khi thực hiện mổ với sự hỗ trợ của robot có thay đổi gì so với hiện nay, thưa ông?
Đây là một kỹ thuật mới cho nên đòi hỏi một quá trình đào tạo và rèn luyện nghĩa là một khối lượng thực hành nhất định để đạt sự ổn định về kỹ thuật, gọi là đường cong huấn luyện (learning curve). Với phẫu thuật viên đã có kinh nghiệm trong phẫu thuật nội soi, sau khoảng 30 - 50 ca sẽ có thể làm chủ được phẫu thuật robot hỗ trợ.
Để phát huy được ưu điểm của phẫu thuật thuật robot trong điều trị ung thư phổi thì cốt yếu là sự đồng bộ. Quan trọng nhất và trước hết là phải chẩn đoán được bệnh ở giai đoạn sớm, do đó bệnh nhân cần được thăm khám sàng lọc định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa. Sau đó, để thực hiện ca mổ cần có nhiều điều kiện, như các phương tiện về chẩn đoán hình ảnh cũng như các kỹ thuật hỗ trợ để phẫu thuật được thuật lợi, an toàn và hiệu quả. Trong đó có thể kể đến các phương tiện và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cho phép dựng hình 3D hệ thống động mạch, tĩnh mạch, phế quản trong phổi; các kỹ thuật định vị khối u bằng kim dây hoặc định vị khối u, hạch, xác định ranh giới các phân thuỳ phổi bằng chất huỳnh quang… Như vậy, để phẫu thuật Robot hỗ trợ phát huy được hiệu quả tốt nhất trong điều trị ung thư phổi, nhất là giai đoạn sớm, phẫu thuật viên cần trang bị thêm nhiều kiến thức và kỹ năng bổ trợ.
Điều quan trọng đầu tiên là phải có chỉ định điều trị đúng. Muốn chỉ định đúng thì phải nâng cao chất lượng giáo dục sức khỏe cho người dân để họ hiểu cần đi khám bệnh định kỳ; trình độ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu phải tốt để chẩn đoán được bệnh ở giai đoạn sớm. Sau đó phải có công tác chuẩn bị và đánh giá tốt để có đầy đủ thông tin cho bác sĩ trước khi vào mổ. Kết quả điều trị tối ưu là kết quả của sự hoạt động đồng bộ của cả một hệ thống chứ không phải là của một cá nhân, một chuyên khoa.
Vậy các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ như thế nào về việc phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để trao đổi, hợp tác đào tạo phẫu thuật viên, thưa ông?
Hội thảo này đã thu hút được nhiều phẫu thuật viên lồng ngực tại các trung tâm phẫu thuật phổi lớn tại Hà Nội: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch mai, Bệnh viện Quân y 103… Tại Hội thảo, các chuyên gia đầu ngành của Nhật Bản đã chia sẻ những kinh nghiệm quí báu trong nhiều khía cạnh của phẫu thuật điều trị ung thư phổi. Giáo sư Hisashi Iwata (Đại học Y Gifu) trình bày về phẫu thuật hỗ trợ robot như một xu hướng mới trong phẫu thuật điều trị ung thư phổi, nhất là với những trường hợp ung thư giai đoạn sớm có thể mổ cắt thùy phổi hoặc cắt phân thùy. Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm về phẫu thuật cắt phổi với hệ thống robot Da Vinci Xi với 01 phẫu thuật viên; Giáo sư Yukio Sato (Đại học Y Tsukuba) có bài nói về phẫu thuật cắt và tái tạo carina (chạc ba khí-phế quản) là một kỹ thuật rất phức tạp; Giáo sư Satoshi Nagasaka (Tokyo) và Tiến sĩ Toshiya Fujiwara (Hiroshima) chia sẻ những nghiên cứu và những thay đổi quan trọng trong hóa trị chu phẫu cho những bệnh nhân ung thư phổi để tối ưu hoá kết quả sau mổ.
Chúng tôi đã có sự hợp tác chặt chẽ từ nhiều năm nay với các chuyên gia Nhật bản trong phẫu thuật lồng ngực. Ngoài chia sẻ thông tin qua các buổi hội thảo, hội chẩn từ xa, chúng tôi cũng đã cử các bác sĩ trẻ ra nước bạn học tập. Hội thảo này là một cơ hội nữa để chúng tôi tiếp tục mở rộng và củng cố mối quan hệ hợp tác này. Giáo sư Sato đã đề xuất, trong năm tới có một quỹ Nhật Bản sẵn sàng tài trợ cho các bác sĩ trẻ đã có kinh nghiệm trong phẫu thuật nội soi điều trị ung thư phổi, sang tham quan, học hỏi trong thời gian khoảng 3 đến 4 tuần. Giáo sư Iwata, tiến sĩ Fujiwara, những chuyên gia trong phẫu thuật robot hỗ trợ cũng cam kết giúp chúng tôi phát triển phẫu thuật robot. Ngoài ra, các giáo sư Nhật bản cũng rất quan tâm đến việc cử các bác sỹ nội trú của Nhật sang giao lưu học hỏi những kinh nghiệm thực tế về phẫu thuật lồng ngực tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Xin cảm ơn ông!
Thu Thùy thực hiện