Ung thư phổi có nên 'động dao kéo'?

Nhiều người vẫn quan niệm rằng ung thư phổi thì không nên "động dao kéo" (phẫu thuật) vì sẽ khiến tế bào ung thư lan nhanh, bệnh càng thêm nặng. Đúng hay sai?

 

Nhiều người vẫn có quan niệm rằng ung thư phổi thì không nên "động dao kéo" (phẫu thuật) vì sẽ khiến tế bào ung thư lan nhanh, bệnh càng thêm nặng. Đại tá, Tiến sĩ - Bác sĩ Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Trung ương quân đội (TWQĐ) 108, chia sẻ với phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam cách nhìn đúng đắn về vấn đề này.

TS Ngô Vi Hải và đồng nghiệp trong một ca mổ ung thư phổi

Thưa Bác sĩ Ngô Vi Hải, nhiều người khi nói đến mổ điều trị ung thư đều e ngại bởi quan niệm dân gian: "bị ung thư thì tránh xa dao kéo". Ông nghĩ như thế nào về quan niệm này?

Quan niệm đó không hoàn toàn sai, ít nhất là trong điều kiện khám chữa bệnh ung thư cách đây hàng chục năm. Khi ấy tất cả đều thiếu dẫn tới điều trị không tốt, ví dụ chẩn đoán trước mổ không xác định được giai đoạn; mổ nhưng bệnh xử lý được khối u khiến bệnh nhân (BN) suy yếu; BN mổ xong không được theo dõi, không được điều trị, bệnh tái phát không biết. Do đó BN hay nói "mổ hay không mổ cũng giống nhau, nhiều khi lại chết nhanh hơn".

Chúng ta có thể hình dung ung thư như một "túi cát". Khi "cát" vẫn còn nằm gọn trong "túi" thì cuộc mổ giống như ta nhấc "túi" đó vứt đi, và phòng hết cát. Khi "túi cát" nhiều quá, trào ra bên ngoài thì tùy từng giai đoạn y học sẽ phải can thiệp theo những cách thức khác nhau. Việc "nhấc" túi cát vẫn là tốt, nhưng sau đó phải "quét" nhà (tức là dùng hóa chất hay xạ trị) mới sạch. Nhưng đến giai đoạn "cát" đã bị một cơn gió thổi tung ra khắp phòng rồi thì việc nhấc "túi cát" không có ý nghĩa gì, bởi vì ung thư khi ấy giống như một "hạt cát" mà chỉ cần rơi ra sẽ bay khắp nơi và phát triển thành một "túi cát" nữa.

Đại tá, Tiến sĩ - Bác sĩ Ngô Vi Hải

Trước đây chúng ta không biết được khối ung thư còn nằm gọn trong "túi", hoặc mới tràn ra một ít hay đã đi tới tận đâu rồi, nên nhiều khi mổ không đúng giai đoạn. Mặt khác, những phương thức điều trị bổ trợ khi ấy chưa đầy đủ. Bây giờ thì ngoài chuyện là "nhấc" đi, "quét" thì còn có "máy hút bụi" hút khắp phòng. "Máy hút bụi" ở đây chính là hệ thống điều trị miễn dịch, tăng cường sức khỏe của bệnh nhân. Phẫu thuật là phương pháp triệt để nhất cho phép lấy toàn bộ khối lượng tế bào ung thư lớn nhất và nhanh nhất, cùng một lúc. Nếu ở trong giai đoạn còn khu trú thì đây là phương pháp tối ưu. Vì vậy khi có chỉ định mổ nghĩa là đã cân nhắc và xác định giai đoạn đấy mổ còn có ích. Do đó, không nên sợ một cách vô lý là "đụng dao kéo" ung thư phát triển nhanh. Điều đó là không đúng với những trường hợp mổ đúng chỉ định.

Vậy ông có thể nói rõ hơn sự khác biệt giữa điều trị ung thư phổi bằng phương pháp phẫu thuật hiện nay so với trước kia?

Điều trị ung thư hiện tại là kết hợp nhiều chuyên khoa tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh cụ thể, gọi là điều trị “đa mô thức” (multi-disciplinary). Bệnh viện TWQĐ 108 có Hội đồng ung thư (Tumor Board) gồm các chuyên gia thuộc nhiều chuyên khoa tham gia vào qui trình điều trị một loại ung thư. Đối với ung thư phổi thì Tumor board gồm: bác sĩ (BS) phẫu thuật lồng ngực, BS nội hô hấp, BS hoá trị, BS xạ trị, BS giải phẫu bệnh lý. Hội đồng này sẽ cùng thảo luận để đưa ra chẩn đoán BN ở giai đoạn nào, chỉ định điều trị bằng phương pháp nào là tối ưu. Có thể là mổ xong theo dõi; Hoặc mổ, sau đó căn cứ vào kết quả xét nghiệm đánh giá giai đoạn sau mổ để điều trị hóa chất hay xạ bổ trợ; Có BN thì xạ và hóa chất bổ trợ trước, gọi là điều trị tân bổ trợ, để down-stage (hạ giai đoạn) rồi đánh giá lại xem có mổ được hay không. Và có BN không mổ được nữa thì sẽ điều trị bằng những phương pháp khác.

Vì vậy, BN cần hiểu rất rõ: ung thư không phải là vô phương cứu chữa mà là bệnh nên điều trị càng sớm càng tốt. Khi còn ở giai đoạn có thể chỉ định mổ  thì phẫu thuật là phương pháp tốt nhất cho BN ở giai đoạn đấy.

BN Cao Thị Mai Quý, Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình: Khi phát hiện khối ung thư, tôi rất lo lắng và còn có ý định đi uống thuốc lá, nhưng con tôi thuyết phục tôi nhập viện. Vào viện, được các BS, điều dưỡng và BN cùng phòng động viên, chia sẻ, tôi đồng ý mổ. Ca mổ thành công, sức khỏe tôi phục hồi tốt. Kiểm tra lại ở BV ung bướu Hà Nội không còn thấy tế bào lạ. Tôi đã đi dự ngày hội 20/11 như chưa từng trải qua đại phẫu.  

Bệnh nhân Cao Thị Mai Quý, Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình

Bên cạnh đó, sự phát triển của gây mê và vật lý trị liệu cũng hỗ trợ rất nhiều cho BN trước, trong và sau mổ. Phần lớn BN được đặt giảm đau ngoài màng cứng kết hợp vật lý trị liệu phục hồi chức năng, đồng thời được hướng dẫn cách hít thở, ho khạc và vận động. Sự kết hợp đa chuyên khoa như vậy đã mang lại cho người bệnh sự phục hồi tốt nhất, góp phần đạt hiệu quả cao nhất trong phẫu thuật. BN của Khoa Phẫu thuật lồng ngực sau mổ vài giờ có thể ngồi dậy, qua một đêm đi lại được và bắt đầu tập phục hồi chức năng. Nếu không còn khí trong dẫn lưu thì sau 48h có thể rút dẫn lưu, 72h đến 96h có thể xuất viện.

Trung tá Bùi Ngọc Huệ - Điều dưỡng trưởng Khoa Phẫu thuật lồng ngực:

Chúng tôi lên kế hoạch chăm sóc cụ thể cho từng BN. Dưới sự giám sát chặt chẽ của điều dưỡng trưởng, đội ngũ điều dưỡng với kinh nghiệm lâu năm chăm sóc tận tình, chu đáo, theo dõi tình trạng trước sau mổ, diễn biến bất thường, thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trước, trong và sau khi thực hiện chăm sóc, làm các thủ thuật trên người bệnh, quy trình vận động và dinh dưỡng trước, sau mổ. Kết quả sau quá trình nhập viện phẫu thuật, điều trị, chăm sóc, chỉ 4 - 7 ngày, BN ra viện, tiết kiệm được chi phí, tâm lý thoải mái ổn định.

Trung tá Bùi Ngọc Huệ - Điều dưỡng trưởng
 

Vâng, như vậy, người bệnh ung thư có thể đỡ e sợ hơn với "dao kéo". Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện TWQĐ 108 đã thực hiện việc phẫu thuật để điều trị ung thư phổi từ thời gian nào và và hiệu quả cụ thể ra sao, thưa ông?

Phẫu thuật trong điều trị ung thư phổi hiện nay có nhiều tiến bộ so với trước kia, đặc biệt là những kỹ thuật xâm lấn tối thiểu và các kỹ thuật hỗ trợ giảm đau, phục hồi chức năng sau mổ. Trước năm 2010 phần lớn phẫu thuật bằng mổ mở với đường rạch dài trên 10cm kèm theo banh rộng xương sườn, do vậy BN sau mổ đau  nhiều và sự hồi phục về hô hấp kém. Hiện nay, có nhiều lựa chọn về kỹ thuật như mổ mở với đường mở ngực nhỏ, phẫu thuật nội soi 1 lỗ, phẫu thuật nội soi nhiều lỗ và thậm chí là phẫu thuật với sự hỗ trợ của robot. Từ tháng 07/2007, Bệnh viện TWQĐ 108 đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi. Đến nay, sau 15 năm, phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi vét hạch, cắt u trung thất nội soi đã trở thành phẫu thuật thường qui, đạt nhiều kết quả tốt. Theo thống kê, khi phát hiện sớm, bằng phương pháp phẫu thuật và theo dõi, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ khỏi bệnh khoảng 80%. Tỷ lệ khỏi bệnh định nghĩa bằng 5 năm theo dõi không có tái phát. BN nên đến điều trị ung thư ở những bệnh viện có đầy đủ các chuyên ngành để điều trị ung thư một cách hệ thống.

Thiếu tá - BS. Lê Hải Sơn, Phó chủ nhiệm Khoa phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện TWQĐ 108:

Phẫu thuật trong điều trị ung thư phổi không chỉ là cắt bỏ khối u tại phổi, mà một việc cũng rất quan trọng là nạo vét hạch. Có thể hình dung ung thư giống như 1 cái cây, khối u là phần nhìn thấy ở trên mặt đất - thân, hoa, quả, các hạch liên quan chính là phần rễ cây nằm sâu dưới mặt đất. Muốn nhổ cây thì phải nhổ tận gốc rễ. Như vậy, đối với những trường hợp còn chỉ định mổ, hiệu quả chỉ đạt được giá trị cao nhất nếu chúng ta cắt bỏ được phần phổi chứa u theo giải phẫu và nạo vét hạch được. Khoa Phẫu thuật lồng ngực đã áp dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt phổi theo giải phẫu và nạo vét hạch thành kỹ thuật thường quy. Đây là phương pháp điều trị rất có giá trị với ung thư phổi ở giai đoạn sớm. Vì vậy, khám và phát hiện sớm bệnh lý ung thư phổi là một việc rất có ý nghĩa để điều trị đạt được hiệu quả cao nhất.

Thiếu tá - BS Lê Hải Sơn
 

Xin cảm ơn ông!

Khoa Phẫu thuật lồng ngực phối hợp với Khoa Phục hồi chức năng áp dụng thành công chăm sóc BN sau mổ theo tiêu chuẩn ERAS (Phục hồi sớm sau mổ) với kỹ thuật, trang thiết bị máy móc hiện đại và chỉ sử dụng kháng sinh dự phòng, nghĩa là chỉ tiêm 1 mũi duy nhất tại phòng mổ trước khi mổ 30', cho phẫu thuật sạch trong lồng ngực, kể cả phẫu thuật phổi.

 

Các kỹ thuật đang được triển khai có hiệu quả tại Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 hiện nay: Phẫu thuật nội soi và mổ mở cắt thùy phổi, phân thùy phổi, lá phổi, vét hạch điều trị ung thư phổi, u phổi lành tính, u trung thất, u tuyến ức. Phẫu thuật điều trị bệnh lý màng phổi: bóc vỏ phổi điều trị mủ màng phổi, nội soi điều trị tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi. Phẫu thuật tạo hình khí - phế quản điều trị hẹp khí - phế quản, u khí phế quản. Phẫu thuật tạo hình lồng ngực: phẫu thuật Nuss điều trị lõm ngực bẩm sinh, phẫu thuật điều trị lồi ngực. Phẫu thuật nội soi và mổ mở điều trị bệnh lý tuyến giáp: ung thư tuyến giáp, bướu giáp lành tính, Basedow. Phẫu thuật nội soi điều trị chứng tăng tiết mồ hôi tay, phẫu thuật điều trị hôi nách.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận