Giảm tải bệnh viện - bài toán cần nhiều lời giải

  • 17/11/2022 08:56:05
  • Thu Thùy - Quốc Hưng
  • Xã hội
  • 0

Đề án 1816 được coi là một giải pháp nhằm giảm tải bệnh viện. Nhưng "bài toán" giảm tải bệnh viện rõ ràng cần nhiều hơn một "lời giải".

 

Ngày 26/5/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã ký Quyết định số 1816/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (Đề án 1816). Đây được coi là một giải pháp nhằm giảm tải bệnh viện. Nhưng "bài toán" giảm tải bệnh viện rõ ràng cần nhiều hơn một "lời giải".

 

Phân tuyến để giảm tải, nhưng cần tạo lòng tin

Mục tiêu của Đề án 1816: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương; Chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.

Tiếp sau Đề án 1818, ngày 11/3/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 với kỳ vọng giúp nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện (BV) vệ tinh thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao tại các BV vệ tinh, không phải lên tuyến trên. Trước mắt sẽ tập trung ưu tiên 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi.

Tuy nhiên, có một thực tế là dù đã phân tuyến và xây dựng thêm một số BV nhưng người bệnh vẫn sẵn sàng "vượt tuyến", dẫn đến lãng phí nguồn lực của cả Nhà nước và nhân dân. Nhà nước tốn tiền xây dựng BV lớn tại các tỉnh ven Hà Nội, còn người dân tốn tiền đi lại, ăn ở, chầu chực ở BV tuyến cuối chứ nhất định không muốn chữa trị tại các BV tuyến dưới. Lý giải vấn đề này, một số bác sĩ (BS) chuyên khoa cho rằng: nguyên nhân là các BV tuyến dưới chưa có giải pháp để tạo dựng lòng tin với người bệnh. Không hẳn là do trình độ BS chưa cao, hay trang thiết bị lạc hậu, mà quan trọng là công tác truyền thông chưa tốt, cũng như chưa phát huy tích cực công tác tư vấn và khám chữa bệnh từ xa, khiến người bệnh thiếu thông tin phục vụ khám chữa bệnh.

Phó giáo sư - Tiến sĩ, Bác sĩ (PGS.TS.BS) Nguyễn Đình Hòa, Chuyên gia phẫu thuật cột sống và chấn thương chỉnh hình, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng y học tái tạo và tế bào gốc, cho biết: Những vấn đề mà Việt Nam hiện nay đang gặp phải chính là khó khăn của nhiều quốc gia giai đoạn trước đó. Lựa chọn của hầu hết các quốc gia là xây dựng hệ thống BV vệ tinh, song song với đó là mạng lưới BS chuyên ngành, để người bệnh có thể được tư vấn kỹ lưỡng trước khi quyết định điều trị tại BV nào, và các BV tuyến cuối chỉ nhận điều trị khi bệnh nhân đã có hồ sơ bệnh án nêu rõ đã được tư vấn chuyên môn trước khi nhập viện, bảo hiểm y tế cũng căn cứ vào đó để chi trả. Nhưng quan trọng nhất là ngay khi khám chữa bệnh ở tuyến dưới, người bệnh đã phải được tiếp cận đầy đủ thông tin về căn bệnh, phương pháp điều trị, những cơ sở có thể điều trị...từ đó tạo niềm tin cho người bệnh.

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Hòa

Cần nhiều giải pháp tháo gỡ

 

Theo PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, việc “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” theo Đề án 1816 thời gian qua được triển khai tích cực và đem lại nhiều hiệu quả: "Từ những ngày đầu tiên, BV Bạch Mai luôn quan tâm triển khai Đề án 1816 và Chỉ đạo tuyến, nhằm hỗ trợ chuyên môn và phát triển chuyên ngành tại các tuyến y tế. Trong 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ mặc dù gặp rất nhiều khó khăn và trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng chúng tôi đã thích ứng linh hoạt để triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật và luân phiên cán bộ nhằm hỗ trợ chuyên môn cho các tuyến y tế".

Tuy nhiên, từng đó là chưa đủ với yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Bởi vậy, tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn vẫn ngày một tăng. Do đó, giải pháp căn bản vẫn là đẩy mạnh công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo chuyên ngành, để các bác sĩ, nhân viên y tế tuyến dưới có thể thực hiện được hầu hết các kỹ thuật chuyên môn chẩn đoán và điều trị, song song với tiếp tục triển khai đề án 1816. Công tác đào tạo chuyển giao - tiếp nhận kỹ thuật cần được triển khai thông suốt; các BV tuyến cuối cần đẩy mạnh viêc cử cán bộ chuyên môn luân phiên về hỗ trợ BV tuyến dưới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nếu việc phân tuyến kỹ thuật, nâng cao tay nghề y bác sĩ, đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế…được thực hiện đồng bộ ở tất cả các tuyến, thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội. Bệnh nhân sẽ có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ngay tại địa phương mà không cần phải đến các BV tuyến Trung ương, mang lại sự hài lòng cho bệnh nhân, góp phần giảm tải cho BV.

PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ chia sẻ: “BV Bạch Mai và các BV tuyến Trung ương có trách nhiệm rất lớn, được Bộ y tế giao phát triển chuyên ngành và hỗ trợ phát triển chuyên môn cho các tuyến y tế. Các chuyên gia của chúng tôi sau khi được đào tạo và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới, tiên tiến hiện đại từ Mỹ, Pháp, Nhật,… sẽ ứng dụng triển khai tại BV Bạch Mai, sau khi triển khai thành công sẽ đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các BV, các tuyến y tế. Ví dụ như kỹ thuật ECMO, tim phổi nhân tạo vừa qua đã cứu sống nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Năm 2009 ê kíp BS, điều dưỡng của BV Bạch Mai được cử đi đào tạo tại Châu Âu và Mỹ, khi học xong cũng là lúc BV Bạch Mai được trang bị máy ECMO, ê kíp BS, điều dưỡng của Trung tâm Hồi sức tích cực đã triển khai thành công tại BV Bạch Mai, cứu sống được nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Sau đó chúng tôi đã triển khai đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các BV, phát triển chuyên ngành hồi sức cấp cứu trong cả nước, giúp cứu sống nhiều ca bệnh nặng và nguy kịch”

PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Giữ chân người giỏi không phải chỉ bằng lương

 

Một trong những khó khăn của các BV trong giai đoạn hiện nay là nguy cơ "chảy máu chất xám" từ BV công sang BV tư. Theo chia sẻ của nhiều cán bộ y tế, họ nghỉ việc không phải chỉ vì lương được trả cao hơn, mà còn vì nhiều yếu tố khác.

PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ phân tích: "Phải có môi trường tốt cho cán bộ y tế làm việc và phát triển chuyên môn. Môi trường tốt bao gồm cơ sở hạ tầng tốt, máy móc trang thiết bị y tế hiện đại, thuốc và vật tư y tế đầy đủ thì cán bộ y tế mới yên tâm làm việc. Các chuyên gia sau khi gửi đi đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ nước ngoài về rất muốn sớm triển khai để chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp hiện đại nhưng chờ mãi BV không mua được máy móc, thiết bị cho nên họ không thể triển khai kỹ thuật mới được. Giữ chân BS giỏi không phải chỉ để phục vụ công tác điều trị tại BV, mà còn để đào tạo nhiều thế hệ BS giỏi cho xã hội, phát triển chuyên ngành trong cả nước, xây dựng mạng lưới cho các tỉnh. Đào tạo được một BS giỏi tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, kinh nghiệm mà họ tích lũy được vô cùng quý báu. Nếu như không có cơ chế phù hợp để giữ chân BS thì các BV công đang mất dần những viên kim cương".

Cần nhiều biện pháp giữ chân bác sĩ giỏi

Còn PGS.TS.BS Nguyễn Đình Hòa phân tích: "Cần có cơ chế hợp tác công - tư ngay trong khối BV. Trong kỹ thuật điều trị có 3 giai đoạn: Pre-hospital (trước khi vào viện) là các công đoạn khám, xét nghiệm sàng lọc; Inside-hospital (trong bệnh viện) là các công đoạn chữa bệnh, điều trị, mổ... và cuối cùng là Post-hospital (tạm gọi là theo dõi sau điều trị) với các phần việc như phục hồi chức năng, điều trị hóa chất sau mổ... Nếu như các công đoạn 1 và 3 được chuyển giao cho các BV tư nhân với những hợp đồng ràng buộc chặt chẽ và đảm bảo đủ điều kiện nghiêm ngặt thì sẽ góp phần giảm tải rất nhiều. Cách làm này, cùng với việc phân nhóm BS theo chuyên khoa sâu và phát triển bệnh viện vệ tinh thì các BV công cũng không còn lo tình trạng "chảy máu chất xám" như hiện nay".

Trong 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ, Bệnh viện Bạch Mai cử hàng nghìn lượt cán bộ hỗ trợ tích cực cho các tỉnh/thành: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Hải Dương, Quảng Ninh, Điện Biên, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, An Giang, Đắc Lắk, Đắc Nông, Kom Tum, Gia Lai,…chống dịch Covid-19, dịch bạch hầu và dịch ngộ độc Botulinum. Cử 266 cán bộ luân phiên về tư vấn phát triển chuyên ngành, hỗ trợ triển khai kỹ thuật tại 62 bệnh viện. Tổ chức 121 đoàn công tác với 503 lượt chuyên gia hỗ trợ cho 88 bệnh viện; khảo sát, đánh giá, tư vấn và hỗ trợ chuyên môn cho 13 bệnh viện và 2.070 cán bộ y tế tại các nơi được thụ hưởng. Chuyển giao thành công 270 gói kỹ thuật cao và chuyên sâu cho 1.186 học viên thuộc 188 cơ sở y tế trong cả nước

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận