'Vườn địa đàng' ở bản Lao Chải 1

Bản Lao Chải 1 (xã Khum Há, Tam Đường, Lai Châu) được du khách đặt tên 'Vườn địa đàng' bởi khi tới đây, du khách như lạc vào một thiên đường hoa lan trên mây.

 

Vén mây tìm “vườn địa đàng”

Mùa xuân, cũng là “mùa săn mây” ở Tây Bắc của những người yêu du lịch. Những địa danh như Sapa, Y Tý, Tà Xùa, Sìn Hồ... là những cái tên mà người yêu du lịch, nhiếp ảnh tìm đến để trải nghiệm, khám phá và ghi lại những bức ảnh tuyệt đẹp về những “biển mây”, “thiên đường mây” ở vùng cao Tây Bắc.

Mỗi cổng nhà trong bản Lao Chải 1 đều có thiết kế khác nhau, có số nhà, tên và số điện thoại của gia chủ. Ảnh: T.C

Tam Đường là một cái tên mới trên bản đồ du lịch Việt Nam. Một cán bộ văn hóa của huyện Tam Đường khi dẫn đoàn chúng tôi tới thăm bản văn hóa du lịch Lao Chải 1, cho hay: “Vì mới làm du lịch nên không gian văn hóa thôn bản còn rất hoang sơ, cứ lên trên đỉnh núi, trên những đám mây, đến với đời sống của bà con người Mông bản Lao Chải 1 thì các anh chị sẽ hiểu vì sao du khách lại thích nơi này thôi”. Câu giới thiệu lấp lửng của anh cán bộ văn hóa càng làm tăng thêm sự tò mò của các thành viên trong đoàn khi chuyến xe đang tiếp tục vòng vèo trên con đường bê-tông dốc đứng, xuyên qua làn mây mù mỏng tiến lên đỉnh núi.

Vượt lên độ cao trên 1.000m là qua hết những mây mù, xe chúng tôi dừng lại trên một bãi đất rộng ngay đầu bản. Bản Lao Chải 1 đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện, tươi tắn của những thiếu nữ người Mông trong bộ váy sắc màu rực rỡ dưới gốc đào rừng đang vào mùa quả chín.

Mọi con đường trong bản đều được người dân trưng bầy hoa lan với các cách khác nhau. Ảnh: T.C

Chỉ sau vài chục bước chân vào bản, tất cả thành viên trong đoàn chúng tôi đều ồ lên, ngỡ ngàng, bởi hiện lên trước mắt là không gian thôn bản rực rỡ sắc màu hoa lan. Có hàng nghìn chậu địa lan dọc theo mọi ngả đường trong bản, hoa ở hai bên đường, hoa phía sau các hàng rào đá. Lại có vô số giỏ phong lan treo dưới mái hiên nhà, trên cổng vào mỗi gia đình, trên những nhánh cây trong vườn. Lúc này, người dẫn đoàn chúng tôi mới tiếc nuối nói: “Đoàn chúng ta thăm bản khi vừa hết mùa hoa lan nên hoa nở không nhiều. Nếu thăm bản đúng vào dịp Tết, bản Lao Chải 1 sẽ như một “thiên đường” hoa lan với đủ mọi màu sắc, đúng như danh hiệu “vườn địa đàng” mà du khách yêu mến đặt tên cho bản”.

Anh Cứ A Vàng, Trưởng bản Lao Chải 1 cho biết: “Năm 2016, cả bản có khoảng 2.000 chậu hoa lan. Thời điểm hiện tại, cả bản đã có khoảng 15.000 chậu địa lan và hơn 7.000 giỏ phong lan. Tất cả các gia đình đều trồng lan, đây cũng chính là loài cây đem lại nguồn thu lớn, giúp phát triển kinh tế cho các gia đình trong bản”.

Thoát nghèo nhờ “vườn địa đàng”

Phong trào trồng lan ở bản Lao Chải 1 đã có từ năm 2015, sau đợt ảnh hưởng của rét đậm rét hại làm 67ha thảo quả của bà con trong bản bị chết. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, giữa lãnh đạo huyện, xã và người dân đi đến thống nhất, chọn hoa lan làm cây trồng chính đa mục đích: tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con; tạo cảnh quan thôn bản, xây dựng bản văn hóa du lịch; Tạo nguồn thu từ việc bán hoa lan và làm du lịch cộng đồng.

Dưới hiên của mỗi gia đình đều kê sẵn bàn ghế, có phích nước nóng, trà, ấm chén để du khách có thể tự pha trà, thưởng thức đặc sản trà Tam Đường, ngắm hoa lan khi chủ nhà đi vắng.

Anh Vàng chia sẻ: “Bản Lao Chải có điều kiện thời tiết phù hợp với cây hoa lan nên việc trồng và chăm sóc hoa lan không gặp khó khăn, hơn nữa, trồng hoa vừa tạo cảnh quan sạch đẹp cho bản để thu hút khách du lịch, bán hoa lại có thêm tiền, đặc biệt vào mùa hoa tết, hoa lan có giá trị rất cao. Vậy nên sau hơn 2 năm trồng hoa lan, đến nay bà con trong bản rất phấn khởi, chủ động tìm thêm các giống lan mới về nhân giống và trưng bày, mỗi gia đình lại tự trang trí theo một cách riêng nên không gian thôn bản rất đẹp và đa dạng, càng hấp dẫn du khách đến thăm”.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Tam Đường cho biết: “Việc trồng hoa lan ở bản đã có từ lâu, nhưng trước kia người dân chỉ trồng chơi, mỗi gia đình vài chậu hoa. Từ năm 2017, nhận thấy tính phù hợp và lợi ích kinh tế, cảnh quan từ việc trồng hoa lan, huyện đã có những chỉ đạo để người dân sưu tầm thêm các giống hoa lan mới từ Sin Suối Hồ, Sìn Hồ... về nhân rộng, trồng và trưng bày, tạo cảnh quan thôn bản, phục vụ mục tiêu xây dựng bản văn hóa du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế. Đến nay, việc trồng hoa lan đang cho lợi ích kép về kinh tế từ việc bán hoa lan và phát triển du lịch cộng đồng. Hơn thế, việc trồng và trưng bày hoa lan còn mang lại không khí, cảnh quan thôn bản rất đẹp, văn minh, tạo không gian văn hóa đặc sắc cho thôn bản, tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách đến Tam Đường”.

“Quyết tâm đưa hoa lan trở thành cây trồng chủ lực, cây giảm nghèo của bản và được nhiều người biết đến, bản đề ra mục tiêu, hết năm 2019, mỗi hộ có từ 100 - 300 chậu lan trở lên. Do vậy, chúng tôi vận động bà con thời điểm này không nên bán mà nhân giống, tích cực chăm sóc để địa lan phát triển tốt. Bản cũng đề ra hình thức khen thưởng với những hộ trồng vượt kế hoạch, còn những hộ không đạt bà con sẽ giúp đỡ bằng cách cho cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc”, anh Vàng cho biết thêm.

Một điểm đến đẹp và độc đáo

Nói về sức hấp dẫn của “Vườn địa đàng” bản Lao Chải 1, ông Phạm Quang Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Việt Á, Hà Nội, một trong những đơn vị đang xúc tiến đầu tư cho du lịch Tam Đường đánh giá: “Về cơ bản, khách đến Tam Đường sẽ là khách du lịch trải nghiệm, khám phá những nét nguyên sơ, đặc trưng của vùng cao, thích lưu trú homestay. Đây cũng là hình thức lưu trú đem lại nguồn thu cho người dân bản địa ở các điểm du lịch. Chính vì vậy, việc định hướng phát triển du lịch cộng đồng ở một điểm đến đẹp và độc đáo như tại bản Lao Chải 1, nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành, có không gian văn hóa đặc trưng vùng cao Tây Bắc, lại có hàng vạn chậu hoa, giỏ hoa lan tạo cảnh quan đặc trưng đang là hướng đi đúng của địa phương và người dân. Điểm yếu duy nhất ở bản Lao Chải 1 hiện nay là mới chỉ có 2 gia đình làm dịch vụ homestay, như vậy là quá ít. Trong thời gian tới, chính quyền và người dân cần có biện pháp hoàn thiện nguồn nhân lực du lịch, phát triển thêm cơ sở homestay, dịch vụ ăn uống… đón du khách đến thăm”.

Du khách rất thích thú khi đi dạo trên những con đường hoa lan trong bản Lao Chải 1. Ảnh: T.C

Đi dạo một vòng trong bản Lao Chải 1, bên cạnh những ngôi nhà gỗ truyền thống của người Mông ở vùng cao Tây Bắc, mỗi gia đình đều tự làm một cổng chào khác nhau, riêng biệt của gia đình từ những vật liệu địa phương, được trang trí thêm bằng những giỏ, chậu hoa lan đẹp mắt. Ngoài ngõ của mỗi gia đình đều có gắn biển số nhà, ghi tên của chủ nhà, số điện thoại. Được biết, đây là bản duy nhất ở vùng núi phía Bắc có gắn biển số nhà. Điều đặc biệt hơn dành cho du khách, dưới hiên của mỗi gia đình đều kê sẵn bàn ghế, có phích nước nóng, trà, ấm chén để du khách có thể tự pha trà, thưởng thức đặc sản trà Tam Đường, ngắm hoa lan khi chủ nhà đi vắng. Nếu có nhu cầu mua hoa lan, đặt dịch vụ ăn uống hoặc lưu lại trong bản… du khách chỉ cần liên lạc theo số điện thoại đã được ghi trước ngõ mỗi gia đình, rất thân thiện và thuận tiện./.

“Vào mùa hoa lan Tết Nguyên đán vừa qua, mỗi hộ trồng hoa lan trong bản đều thu từ 50 - 200 triệu đồng tiền bán hoa. Chỉ mới đầu năm 2019 đã có hơn 30 nghìn lượt khách đến bản Lao Chải 1, du khách đều rất thích mua hoa lan, đây cũng là những “đại sứ” mang thương hiệu hoa lan Tam Đường đến với người yêu hoa lan trên cả nước”

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng VH & TT huyện Tam Đường

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận