Kỳ 1: Xót xa nhìn rừng chết
Vạt rừng thông bị cháy xém, nham nhở, xám đen xen lẫn những ruộng hoa tam giác mạch đang nở rộ, rực rỡ khiến bất cứ ai cũng chạnh lòng khi đến với rừng thông Yên Minh.
Ngỡ ngàng “Đà Lạt của Cao nguyên đá Đồng Văn”
Từ lâu, du khách trong và ngoài nước đã coi cung đường đèo qua các xã Bạch Đích, Na Khê, Lao Và Chải của huyện Yên Minh, Hà Giang như một điểm đến hấp dẫn không thể không ghé thăm khi đi du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn. Từ thành phố Hà Giang, vượt qua chặng đường dài hơn 100km khô khốc một màu xám của đá núi, khi đến với cung đường đèo Yên Minh, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những cánh rừng thông, rừng sa mộc nối tiếp nhau tạo nên vùng không gian xanh mát. Cũng bởi vậy mà cung đường đèo Yên Minh được du khách ví như một đèo Prenn của Yên Minh, một Đà Lạt của Cao nguyên đá Đồng Văn.
Vậy nhưng, du khách đến với rừng thông Yên Minh trong những ngày cuối năm 2018 này sẽ bất ngờ khi đang đi giữa rừng thông thẳng tắp lại bắt gặp hàng chục hecta rừng bị đốt phá, đốn hạ nham nhở để trồng hoa tam giác mạch, bán vé cho du khách tham quan. Khi nghe nói việc đốt rừng trồng hoa tam giác mạch tại đèo Yên Minh, một du khách từng nhiều lần đi du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn đã phải thốt lên: “Tại sao lại như vậy! Hoa tam giác mạch đẹp thật, nhưng rừng thông cũng rất đẹp, rừng thông hấp dẫn du khách quanh năm chứ không chỉ 1 mùa như hoa tam giác mạch”.
Dừng chân tại điểm bán vé tham quan vườn hoa tam giác mạch mới trồng ở khu rừng bị đốt phá, du khách tên Hương, đến từ Hà Nội tỏ ra bức xúc: “Việc trồng hoa tam giác mạch không nhất thiết phải phá rừng, đặc biệt là khu vực rừng thông Yên Minh. Vẻ đẹp của rừng thông Yên Minh đã được rất nhiều công ty lữ hành và du khách biết tới, ca ngợi. Hơn nữa, để trồng được rừng thông như vậy trên mảnh đất cao nguyên đá cằn cỗi này phải mất 20 - 30 năm. Trồng cây tam giác mạch để làm gì nếu như chúng ta phá vỡ cảnh quan, đốt rừng, hủy hoại môi trường sinh thái. Trong khi đó, chúng ta có rất nhiều sự lựa chọn ở những nơi khác, địa điểm khác tốt hơn để trồng cây tam giác mạch”.
Nhìn vào hiện trạng hàng chục hecta rừng đang tiếp tục bị đốt phá, nhìn những gốc thông, gốc sa mộc còn sót lại lưa thưa, cháy đen, cành lá héo tàn, chết khô khốc chen giữa những ruộng hoa tam giác mạch nở tím rực rỡ, nhìn những gốc cây mới chặt còn lộ rõ giữa luống hoa, không ít người đặt câu hỏi: Người ta thu được bao nhiêu tiền từ những vạt hoa tam giác mạch mà lại nhẫn tâm đốt phá đi rừng thông tuyệt đẹp đó? Phải chăng việc đốt phá rừng thông là để trồng hoa tam giác mạch phục vụ khách du lịch? Hay việc đốt phá rừng còn có những mục đích khác?. Trước vạt rừng rộng lớn đang bị đốt phá, nhìn những ruộng hoa tam giác mạch đang mọc lên giữa tro tàn của rừng, nhiều người không khỏi xót xa.
Có phải rừng chết vi hoa tam giac mạch?
Ghi nhận của phóng viên Báo TNVN ngày 5/12/2018, có hàng chục hecta rừng bị đốt phá để trồng hoa tam giác mạch tại kilomet số 7 đường Yên Minh - Quản Bạ, thuộc địa bàn xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh, cách trạm dừng nghỉ trên đèo Yên Minh chỉ chừng 300m. Trao đổi với phóng viên, anh Và Chứ Lùng (người hiện đang trông coi, bán vé tham quan vườn hoa) cho biết, một nửa lô đất rừng này thuộc sở hữu của ông Phan Hoài Doanh (còn theo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Yên Minh thì thuộc sở hữu của ông Phan Duy Thanh) và một nửa là của ông Nguyễn Văn Thắng, cả 2 cùng ở huyện Yên Minh.
Một người dân đang thu hoạch hạt tam giác mạch cạnh ngôi nhà sàn dựng dở trên phần đất của ông Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm: Khu rừng này được trồng cách đây 20 - 30 năm rồi, trước kia rất rậm rạp như những khu vực rừng thông khác trên đèo, nhưng nay đã bị chặt nhiều để trồng hoa. Người dân thì không biết gì, chỉ đi làm thuê thôi.
Không chỉ đốt phá rừng để trồng hoa tam giác mạch, một ngôi nhà sàn rộng hàng trăm mét vuông cũng đang được xây dựng và dần đi vào hoàn thiện trên phần đất rừng rộng hàng ngàn mét đã bị đốt phá, được san ủi lấy mặt bằng của chủ rừng Nguyễn Văn Thắng. Qua trao đổi với người dân, được biết đây chỉ là giai đoạn đầu của một dự án du lịch đang được chủ rừng đầu tư. Có điều, tất cả những hoạt động xây dựng, phá rừng, trồng cây sai mục đích này diễn ra mà không hề có giấy phép, chưa được sự đồng ý của chính quyền huyện Yên Minh.
Theo thống kê năm 2014, toàn huyện Yên Minh có 53.414,2ha đất lâm nghiệp. Trong đó, đất rừng đặc dụng là 2.759,5ha; rừng phòng hộ là 35.550,4ha; rừng sản xuất là 15.104,3ha. Trong tổng diện tích này, xã Lao và Chải có 3.428ha đất lâm nghiệp; 1.179ha rừng sản xuất và 2.306ha rừng phòng hộ. |
Vừa thu tiền vé của khách tham quan với mức giá 10.000đ/khách, anh Và Chứ Lùng vừa vui vẻ tiết lộ: “Khu đất này được chủ rừng mua lại từ Ban quản lý dự án rừng phòng hộ huyện Yên Minh. Tuy đang trồng hoa tam giác mạch cho du khách tham quan, nhưng tới đây, khu đất này sẽ được xây khách sạn, khu du lịch sinh thái và một phần đất ở”.
Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Tuyển, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Yên Minh, ông Tuyển cho biết: “Diện tích đất rừng này không phải rừng phòng hộ mà là rừng sản xuất, được huyện giao cho các hộ quản lý trong 50 năm, giao đất từ năm 2003. Đến nay, nhiều hộ nhận rừng đã tự ý mua bán, trao đổi không theo đúng quy định. Việc xây nhà trên đất rừng của hộ ông Thắng, cũng như việc đốt phá rừng để trồng hoa tam giác mạch trên diện tích đất rừng sản xuất này đều chưa xin phép”.
Huyện Yên Minh có hơn 50.000ha đất rừng, trong đó có hơn 15.000ha đất rừng sản xuất. Nếu như các chủ rừng cứ tự ý đốt phá, đốn hạ rừng để trồng hoa, xây dựng nhà ở, xây khách sạn… sử dụng đất rừng sai mục đích, vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng mà không bị xử lý thì chẳng mấy chốc mà “Đà Lạt của Cao nguyên đá Đồng Văn” sẽ biến mất. Rồi người dân địa phương sẽ phải đối phó ra sao với những tác hại của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt diễn ra hằng năm ở vùng đất địa đầu khắc nghiệt này!?.