'Níu' phận mỏng ở lại với đời. Bài 2: Con muốn sống

'Nước mắt chảy xuôi' là đạo lý muôn đời của người Việt.

 

Cha mẹ, gia đình, quê hương luôn là nơi nương tựa, sẻ chia, là sức mạnh nâng bước mỗi con người trên bước đường đời, dù giông bão hay bằng phẳng. Để mỗi khi “sa chân”, họ vẫn luôn có một lối về, để được giúp đỡ, để vượt qua bước thăng trầm…

Bố mẹ ơi… cứu con!

Hai năm trước, Nguyễn Thanh Hòa (quê Thái Bình) là sinh viên năm thứ 3 của một trường Đại học tại Hà Nội, là con gái lớn trong một gia đình có 4 chị em, cô là niềm tự hào của gia đình, là tấm gương của các em. Khi đang ở độ tuổi 21 đầy ắp những ước mơ, hoài bão về tương lai thì . Một bước “sẩy chân” đã để lại cho cô gái trẻ biết bao nhọc nhằm, biết bao tủi cực.

Đã 2 năm kể từ ngày một mình Hòa bước chân vào nhà hộ sinh trước bao con mắt dò xét, soi mói và những cái lắc đầu tưởng như là sự cảm thông nhưng lại ẩn chữa ít nhiều sự ghẻ lạnh của những bà mẹ cũng đang xếp hàng chờ sinh nở bên sự xoắn xuýt chăm nom của người thân. Những tiếng chép miệng ở cung quanh như xoáy sau vào ký ức của Hòa mà cô những tưởng sẽ không bao giờ nhòa đi được. Những lời căn vặn tưởng như rất giản đơn nhưng lại như những nhát dao cứa vào trái tim cô gái trẻ: “sao lại chỉ có một mình”, “thế chồng đâu”, “gia đình không có ai à”, “có tiền nộp viện phí không”… Hòa chỉ biết im lặng, ngậm ngùi, câu trả lời của cô chỉ là 2 hàng nước mắt rơi trên má. Cô chẳng có gì để có thể trả lời những câu hỏi ấy. Chỉ có Hòa và đứa trẻ trong bụng đã sẵn sàng cất tiếng khóc chào đời.

Đè nén dòng nước đang dâng lên trên khóe mắt khi nhắc lại những chuyện đã qua, Nguyễn Thanh Hòa kể: Ngày ấy, khi biết em có mang, bạn trai em đã yêu cầu em “bỏ” cái thai đi. Nhưng em thật lòng, từ sâu trong tim em nghĩ, đó là con của mình, nếu anh ý không muốn, không nhận thì đứa bé vẫn là con của mình, em không thể nào bỏ con em được. Em sẽ chấp nhận tất cả, sẽ hi sinh tất cả để sinh con của mình. Và chỉ ít ngày sau đó, người yêu của cô, cũng là bạn học của cô đã ngoảnh mặt đi theo một tình yêu khác.

Sự đời không đơn giản như những suy nghĩ của cô gái trẻ với cái bụng bầu trong trường Đại học. Mỗi ngày, cô đều phải vượt qua những xì xào, dị nghị của chúng bạn cùng trường. Đến tháng thứ 7, khi cái bụng đã lồ lộ không thể giấu vào đâu được, ấy cũng là lúc cuộc sống của cô sinh viên thực sự đi vào bế tắc.

Hòa trở về quê, những tưởng cô sẽ có thể trông cậy vào sự trở che, giúp đỡ của gia đình. Nhưng thảm họa thực sự ập xuống với Hòa khi chính cha mẹ của cô đã ngoảnh mặt với cô. Họ nhất định không chấp nhận đứa con gái lớn, niềm tự hào của gia đình lại về “bôi tro, trát trấu” vào mặt cha mẹ với cái bụng bầu không được thừa nhận của chính người đàn ông đã làm ra nó.

Hoàn toàn suy sụp và mất niềm tin vào mọi thứ khi niềm hi vọng cuối cùng của cô chính là sự chở che, bao bọc của cha mẹ, gia đình nay đã hoàn toàn tan vỡ. Khi tiếng kêu cứ của cô gái trẻ với đứa con trong bụng vang lên nhưng bị chính cha mẹ mình ngoảnh mặt. Cánh cửa gia đình đã khép lại như chính cánh cửa gian phòng nơi cô ở trong ngồi nhà cha mẹ. Cánh cửa ấy đóng chặt để giấu kín đi, để nhốt chặt lại đứa con oan nghiệt, để những con mắt soi mói của láng giềng không thể nào thấy được, để những tiếng xì xào bàn tán xung quanh không được loang ra.

Nguyễn Thanh Hòa lặng lẽ trốn trở lại Hà Nội sau 2 ngày chui lủi trong gian buồng đóng kín ở chính nhà cô, nghe những lời trì triết, đay nghiến của cha mẹ, người đã sinh ra cô, người mà cô những tưởng họ sẽ hi sinh cả đời vì cô, như chính cô đã sẵn sàng hi sinh cho đứa trẻ đang ngày một lớn lên trong mình. Cô biết mình sẽ không bao giờ ngoảnh mặt với âm thanh của “trái tim bé nhỏ” đang đập trong mình.

Không tiền, không chỗ dựa, không chốn dung thân nhưng cuộc đời chưa xô cô đến bước đường cùng. Hòa đã tìm được chỗ dựa từ một người quen, người giới thiệu cô đến nương nhờ tại một “Ngôi nhà chung”. Đây là nơi được những thành viên của nhóm “Chia sẻ sự sống Hà Nội” cùng vận động những người tình nguyện giúp đỡ, tạo dựng làm nơi trú ngụ cho những cô gái có cùng hoàn cảnh với cô trong thời gian chờ đợi đến ngày sinh nở.

Đã 2 năm kể từ ngày Nguyễn Thanh Hòa sinh bé trai kháu khỉnh, mẹ tròn con vuông. 1 năm sau cô cũng hoàn thành chương trình Đại học học và kiếm được một việc làm tạm ổn định ở Hà Nội với tấm bằng tốt nghiệp. Cuộc sống tuy đã bớt khó khăn, nhưng những giọt nước vẫn chưa bao giờ vơi trong đôi mắt cô. Bởi đến giờ phút này, cha mẹ của cô vẫn thờ ơ, ngoảnh mặt với cô, với đứa cháu ngoại của gia đình. Hòa hiểu rất rõ rằng cha mẹ cô vẫn chưa thể nào vì con, vì cháu mà vượt qua những tiếng xì xào của xóm giềng, vượt qua những thứ được cho là “thể diện gia đình” nhưng lại do xóm giềng áp đặt.

Hãy để các con được sống

Câu chuyện của Nguyễn Thanh Hòa không phải là cá biệt. “Ngôi nhà chung” của nhóm “Chia sẻ sự sống Hà Nội” đã cưu mang, giúp đỡ nhiều cô gái có những mảnh đời như vậy. Dù mỗi câu chuyện đều có những nét riêng, nhưng hầu hết trong số họ đều từ nông thôn ra Hà Nội, họ đến với “Ngôi nhà chung” để tránh điều tiếng xã hội, bởi sự “ngoảnh mặt” của gia đình. Có những cô gái như  Nguyễn Thanh Hòa, sau khi sinh con, một mình vẫn luôn cố gắng để làm những điều tốt nhất cho con mình, để được ở cùng con. Cũng có những cô gái sau khi sinh thì để con lại, những tình nguyện viên ở “Ngôi nhà chung” lại cùng nhau tìm cho các bé một gia đình nhận nuôi, để các bé được sống một cuộc sống thực sự như bao đứa trẻ được sinh ra trong hạnh phúc.

Chị Nguyễn Thu Trang (ở Phạm Văn Đồng, Hà Nội), thành viên nhóm “Chia sẻ sự sống Hà Nội”, một bà mẹ có 3 con nhỏ nhưng vẫn nhận nuôi thêm bé Nguyễn Bình An, (bé Bình An là 1 trong 2 bé bị bỏ rơi ngay sau khi sinh, được nhóm “Chia sẻ sự sống Hà Nội” hỗ trợ tìm người chăm nuôi sau khi bị bỏ rơi vào đầu tháng 10/2018, 1 bé hiện đang được nuôi lại nhà dòng của các sơ ở Hải Hậu, Nam Định),  chị Trang chai sẻ: “Nếu sau 2 tháng mà người mẹ bé Binh An không quay lại nhận con thì chị sẽ tìm cho bé Bình An một gia đình mới. Tuy nhiên, những việc làm này của nhóm cũng chỉ là giải pháp tình thế. Là một người mẹ, Trang muốn nói với những bậc làm cha mẹ, ông bà rằng, hãy sống bằng tình yêu tHòa đối với con cái, đặc biệt là khi con cái mình “lỡ bước”. Tôi cũng muốn nói với các bạn trẻ rằng, hay sống và yêu bằng trách nhiệm. Nếu làm được như vậy thì sẽ không có những trường hợp phá thai, không có những đứa trẻ bị bỏ rơi”.

Anh Lê Thành Trung, đại diện nhóm “Chia sẻ sự sống Hà Nội” và “Ngôi nhà chung” chia sẻ: “Sau hơn 10 năm làm công việc tình nguyện “cứu hộ thai nhi”. Thời điểm hiện tại, “Ngôi nhà chung” đang có 3 bà mẹ trẻ nương nhờ chờ ngày sinh nở. Trước những áp lực đang đè nặng trong tim, họ chưa thể tiếp xúc với bất cứ ai, thậm chí ngại ngần ngay cả với những người đang giúp đỡ mình”.

Những trường hợp đáng tiếc như vụ việc người mẹ trẻ ném con từ tầng 31 cua một tòa chung cư xẩy ra vào tháng 10 vừa qua, hay việc mỗi tháng có hàng ngàn thai nhi bị bỏ trong sọt rác… như trong số báo trước Báo TNVN đã để cập, đều có một phần lý do từ sự “độc ác vô ý” của xã hội, của tư duy cổ hủ, phong kiến còn sót lại trong một bộ phận không nhỏ những bậc là cha mẹ, ông bà, đặc biệt là ở nông thôn. Những người sẵn sàng đẩy con mình vào bước đường cùng chỉ để tránh điều tiếng xã hội, tránh dị nghị của xóm giềng. Sự tự do vô ý của những lời lẽ tưởng như vô hại trân các trang mạng xã hội hiện nay chính là những lời độc ác gây nên áp lực vô cùng lớn đối với những bà mẹ trẻ khi “lỡ bước”, đẩy họ vào bước đường cùng.

Trong 10 năm qua, bên cạnh công việc “Cứu hộ thai nhi bị bỏ rơi”, một phần việc chính và quan trọng của nhóm “Chia sẻ sự sống Hà Nội” là tư vấn, giúp đỡ những bà mẹ trẻ đang muốn phá thai, giúp họ giữ lại những đứa trẻ và hỗ trợ để họ sinh con, và tự nuôi con mình. “Trong nhiều năm qua, đã có vô số trường hợp như với bé Bình An, như trường hợp mẹ con chị Hòa… được nhóm hỗ trợ tại “Ngôi nhà chung” và đến nay đều đã đem lại cho các bé cuộc sống xứng đáng. Xã hội vẫn còn rất nhiều người muốn có con mà không được. Các con không có tội, hãy để các con được sống”, anh Trung chia sẻ./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận