Bài 1: Cứu rỗi những sinh linh bất hạnh
Chừng 30 phút sau em quay lại với một túi nilon trên tay, bên trong chứa những hộp bìa cacton nhỏ.
Huế cười gượng gạo: “Chỗ này có 6 anh ạ. Một bạn tình nguyện viên đang đi nhận thêm 4 nữa ở một khu khác. Hôm nay nhóm tiếp nhận đúng 10 thai nhi”.
Gặp những người “cứu hộ thai nhi”
Một tối mùa thu cuối tháng 10, tôi gặp Nguyễn Trọng Đạo và Nguyễn Thị Huế tại quán nước chè trên phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), điểm hẹn mà các thành viên của nhóm “Chia sẻ sự sống Hà Nội” thường ngồi uống nước mỗi tối, trong khi chờ đợi cuộc gọi từ các đầu mối thông báo có thai nhi bị bỏ rơi, để đến tiếp nhận. Đạo và Huế mới bước vào tuổi 20, đang là sinh viên đại học và là thành viên nhóm “Chia sẻ sự sống Hà Nội” từ hơn 2 năm nay.
Khu mộ cho “các linh hồn mồ côi” ở nghĩa trang giáo xứ An Bài
Đạo xót xa kể: Một ngày cuối năm 2017, nhận được tin từ một phòng khám thai trên đường Giải Phóng, Hà Nội, em liền đến nơi và được tiếp nhận một thai nhi 8 tháng, trong tình trạng bị ép đẻ non và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung Ương. Dù được các y bác sĩ tận tình cấp cứu nhưng bé đã qua đời một tuần sau đó. Đây là trường hợp khá thương tâm mà em không bao giờ quên được. Hình ảnh bé luôn ám ảnh em, bởi dẫu sao bé cũng có một cuộc đời, dù nó vô cùng ngắn ngủi.
Mỗi ngày, Đạo, Huế và các thành viên nhóm “Chia sẻ sự sống Hà Nội” tiếp nhận hàng chục thai nhi, có trường hợp thai đã 5-6 tháng, đã có đủ hình hài, tay, chân, phân biệt được giới tính. Có trường hợp khi tìm thấy, xác thai nhi bị vứt trong sọt rác kiến đã bám đen. Có trường hợp thai to, khi phá thai phải làm thủ thuật cắt rời, không còn lành lặn nữa, phải nhặt từng phần, ghép lại đầy đủ rồi mới đem khâm liệm, bảo quản trong tủ lạnh để mỗi tháng 1 lần đưa đi mai táng tại các nghĩa trang dành cho thai nhi bị vứt bỏ.
Cha cố và người dân giáo xứ AN Bài cùng cầu kinh cho linh hồn các thai nhi
Trong khi tôi và Đạo đang ngồi trò chuyện, Huế nhận được cuộc gọi và dắt xe đi trong im lặng. Chừng 30 phút sau em quay lại với một túi nilon trên tay, bên trong chứa những hộp bìa cacton nhỏ. Huế cười gượng gạo: “Chỗ này có 6 anh ạ. Một bạn tình nguyện viên đang đi nhận thêm 4 nữa ở một khu khác. Hôm nay nhóm tiếp nhận đúng 10 thai nhi”.
“Mỗi buổi tối, khi đến gần nhìn những túi nilon đen vứt bừa bãi như rác thải sinh hoạt tại các cơ sở y tế tư nhân trên khắp địa bàn Hà Nội, điều khiến em day dứt nhất là tại sao họ vô cảm đối xử nhẫn tâm với các sinh linh như vậy. Em bây giờ có cảm giác sợ những chiếc túi nilon màu đen”, Đạo bày tỏ.
Anh Lê Thành Trung, Trưởng nhóm tình nguyện “Chia sẻ sự sống Hà Nội”, người trực tiếp nhận thi hài bé Nguyễn Hạnh An (hài nhi bị người mẹ ném xuống từ tầng 31 của tòa nhà chung cư tại khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội hồi giữa tháng 10 vừa qua), cho biết: “Công việc “cứu hộ thai nhi” của nhóm chỉ mang tính chất chữa cháy khi sự việc không mong muốn xảy ra. “Chia sẻ sự sống” là công việc hướng tới mục tiêu xã hội không có những đứa trẻ bị bỏ rơi, mặc dù chúng tôi biết rõ điều này là không thể trong một xã hội hiện đại, cởi mở và sống vội như hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng công việc của nhóm sẽ như một tiếng nói góp thêm cho mục tiêu này. Và cụ thể là ít nhất cũng sẽ làm giảm tỷ lệ nạo phá thai, để không còn những vụ việc thương tâm như trường hợp của bé Hạnh An”.
Chuẩn bị mai táng cho các thai nhi
Tang lễ của các “thiên thần”
Nghĩa trang giáo xứ An Bài, Hải Hậu, Nam Định một chiều thu tháng mười ấm áp. Tiếng kinh cầu vang xa như thể đưa tiễn những linh hồn bạc mệnh, bé nhỏ về cõi vĩnh hằng. Buổi chiều ngày 2/11/2018, người dân giáo xứ An Bài cùng tụ về đây, làm lễ an táng cho hơn 400 thai nhi bị bỏ rơi, được các tình nguyện viên tiếp nhận và đưa về an táng tại nghĩa trang giáo xứ.
Nguyễn Hạnh An là cái tên trên tấm bia hiếm hoi trong tổng số hơn 3.000 thai nhi được an táng tại khu dành cho “các linh hồn mồ côi” ở nghĩa trang giáo xứ An Bài. Hiếm hoi bởi Nguyễn Hạnh An khi được sinh ra đã đủ ngày đủ tháng, cơ thể yếu ớt của em đã được hít thở bầu không khí của sự sống, cho dù thời gian sống của Hạnh An chỉ được tính bằng khoảnh khắc.
“Tội nghiệp, con bé đẹp như một thiên thần”. Những tiếng xuýt xoa rất khẽ của những người tới dự lễ khi nhìn Hạnh An nằm đó, thảnh thơi, an nhiên giữa hơn 400 “thiên thần” khác ở xung quanh. Khi những tiếng xót xa khẽ bật ra ngoài thì những giọt nước mắt lại chảy ngược vào trong bởi có rất nhiều người đã không dám nhìn thẳng vào vẻ mặt thiên thần ấy của Hạnh An.
Từ 2 năm nay, cứ mỗi tháng một đến hai lần, người dân giáo xứ An Bài và các nhóm tình nguyện viên lại làm lễ an táng cho những “linh hồn mồ côi” bị bỏ rơi. Khu nghĩa trang dành cho những “linh hồn mồ côi” hiện đã có hơn 3.000 hài nhi được an táng.
Gắn bia trên mộ bé Nguyễn Hạnh An
Trong khi làm lễ khâm liệm cho bé Nguyễn Hạnh An và hơn 400 hài nhi khác, anh Lê Thành Trung chia sẻ: “Riêng trong tháng 10/2018, nhóm đã tiếp nhận hơn 400 thai nhi tại Hà Nội, trong đó có bé Hạnh An là trường hợp đặc biệt nhất. Đây chỉ là con số của riêng nhóm, vào “mùa phá thai” là những tháng cuối năm, con số này còn nhiều hơn nữa”.
Được biết, hiện nay có nhiều nhóm tình nguyện đang làm công việc tương tự nhóm “Chia sẻ sự sống Hà Nội”, và con số thai nhi bị bỏ rơi trên thực tế còn lớn hơn hàng chục lần và rất khó thống kê chính xác bởi những cơ sở y tế tư nhân làm dịch vụ phá thai “chui” đang rất phổ biến hiện nay. Cũng bởi vậy, nhiều nghĩa trang thai nhi đang xuất hiện thêm trên cả nước, dù đã có khá nhiều nghĩa trang chuyên tiếp nhận những thai nhi bị bỏ rơi. Trong đó, con số 3.000 thai nhi tại nghĩa trang giáo xứ An Bài chỉ là con số nhỏ, bởi ngay tại nghĩa trang Đồi Cốc, Sóc Sơn, Hà Nội hiện đã an táng hơn 100.000 thai nhi và vẫn không ngừng tăng từng ngày./.
Box 1: Theo báo cáo năm 2017 của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức… Tổng tỷ suất phá thai ở Việt Nam hiện nay là 0,42, có nghĩa là cứ 5 phụ nữ thì có 2 người đã từng phá thai ít nhất một lần và có khoảng 17,4% phụ nữ từng phá thai trong cuộc đời của mình… Trong đó 20% ở độ tuổi vị thành niên.
Box 2: Theo báo cáo mới công bố của Tổ chức Y tế Thế giới, nước có số ca phá thai mỗi năm cao nhất toàn cầu là Trung Quốc (7,93 triệu ca), thứ hai là Nga (2,28 triệu). Việt Nam ở vị trí thứ ba với 1,52 triệu ca. Hai vị trí 4, 5 thuộc về Mỹ (gần 1,4 triệu ca) và Ukraina (hơn 600.000 ca).