Viết tiếp vụ Dự án Hòa Lân và Dự án Tân Phú ở Bình Dương: 'Ngay tình' và 'Kiến tạo'

Vụ việc Dự án Hòa Lân và Dự án Tân Phú tại tỉnh Bình Dương không thể tiếp tục triển khai do các quyết định của cơ quan chức năng...

 

Viết tiếp bài: Vụ chuyển nhượng 43 ha đất thực hiện Dự án Tân Phú: Ai là nạn nhân, ai thủ phạm? / Những 'nút thắt' của vụ bán đấu giá Dự án KDC Hòa Lân (Bình dương): Agribank kiến nghị Thủ tướng sớm có ý kiến chỉ đạo / Vì sao Công ty Kim Oanh phải khiếu nại khẩn cấp?.

Vụ việc Dự án Hòa Lân và Dự án Tân Phú tại tỉnh Bình Dương không thể tiếp tục triển khai do các quyết định của cơ quan chức năng đang thu hút sự quan tâm của dư luận khi doanh nghiệp thực hiện 2 dự án này là Công ty Kim Oanh có đơn khiếu nại khẩn cấp tới nhiều cơ quan, lãnh đạo cấp cao, trong đó có Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội...

Sự ngay tình

Trước đó, để được tháo gỡ khó khăn khi triển khai thực hiện 2 dự án kể trên, Cty Kim Oanh, có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh (thuộc Tập đoàn Kim Oanh), đã tốn không ít giấy mực để làm đơn kiến nghị, khiếu nại, kể cả ra Thông cáo báo chí, tới nhiều cơ quan có thẩm quyền tại tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, cho đến nay, 2 dự án được hình thành cách đây hơn 10 năm, được Cty Kim Oanh đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để tiếp tục thực hiện, vẫn “đắp chiếu nằm chờ”...

Với Dự án Hòa Lân, không chỉ Cty Kim Oanh, ngay cả Agribank Việt Nam cũng phát đi nhiều văn bản, trong đó có Văn bản số 2568/NHNo-PC báo cáo chi tiết với Thủ tướng Chính phủ. Theo Agribank, Cty Thiên Phú trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2007 có vay của Agribank Chợ Lớn 305 tỷ đồng và 18.643,3 lượng vàng để thực hiện Dự án Hòa Lân, tổng diện tích là 490.765,1m2, tổng dư nợ sau quy đổi là 1.117.689.720.000 đồng. Để đảm bảo cho khoản vay, Cty Thiên Phú đã dùng chính Dự án Hòa Lân làm tài sản thế chấp.

Khu đất khu dân cư dự án Hòa Lân

Tuy nhiên, Cty Thiên Phú đã không triển khai được dự án, không trả được nợ và phát sinh nợ xấu vào năm 2008. Trong suốt 7 năm, dù Agribank Chi nhánh Chợ Lớn đã liên tục đôn đốc, tạo điều kiện, nhưng Cty Thiên Phú không tìm ra phương án trả nợ. Để gỡ thế bí cho dự án gần 15 năm “đắp chiếu”, ngày 17/4/2015, Cty Thiên Phú đã chủ động ký Biên bản bàn giao Dự án Hòa Lân để Agribank Chợ Lớn được toàn quyền bán đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Phải đến phiên đấu giá thứ 13, ngày 25/5/2017, với sự tham gia của Cty Kim Oanh thì mới đấu giá thành công khi Cty Kim Oanh mua với giá 1.353 tỷ đồng, cao hơn 390 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Sau đó, Cty Kim Oanh đã hoàn tất thanh toán tổng số tiền gốc mua tài sản đấu giá là 1.353 tỷ đồng và tiền lãi chậm trả là hơn 97 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi mọi việc tưởng đã an bài, bất ngờ Cty Thiên Phú khiếu nại về việc tổ chức bán đấu giá tài sản một cách vô căn cứ.

Sau đó, Thanh tra Bộ Tư pháp đã vào cuộc và ngày 24/12/2018 có Kết luận số 62/KL-TTr, khẳng định: “Cty đấu giá về cơ bản đã thực hiện trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về bán đấu giá. Các nội dung tố cáo là không có cơ sở”. Ngày 29/3/2019, Bộ Tư pháp có Báo cáo số 91/BC-BTP gửi Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục khẳng định nội dung trên.

Diễn biến kể trên cho thấy, Cty Kim Oanh không những giúp Cty Thiên Phú thoát ra khỏi tình trạng nợ xấu, mà còn góp phần vào việc thực hiện chính sách xử lý nợ xấu của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, Cty Thiên Phú vẫn không ngừng gây khó cho việc tiếp tục đầu tư dự án của Cty Kim Oanh.

Sau kết luận của Bộ Tư pháp, Cty Thiên Phú vẫn không dừng lại mà làm đơn khởi kiện ra TAND quận 7, TP HCM. Và thật bất ngờ, TAND quận 7 đã ra ngay Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm dịch chuyển về tài sản dưới mọi hình thức đối với tài sản là QSDĐ thuộc Dự án Hòa Lân.

Dự án Hòa Lân vì thế lại tiếp tục “đắp chiếu”, dù Cty Kim Oanh và Agribank Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi tới cả TANDTC, VKSNDTC và báo cáo Thủ tướng Chính Phủ...

Công văn của Agribank Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tại văn bản báo cáo Thủ tướng, ngày 28/3/2019, Arribank khẳng định: “TAND quận 7 ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 42/2019/QĐ-BPKCTT cấm dịch chuyển tài sản dưới mọi hình thức là không đúng tinh thần Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội; Chỉ thị số 32/CT-TTG ngày 19-7-2017 của Thủ tướng Chính Phủ; Chỉ thị 06/CT-NHNN ngày 20-7-2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên trúng đấu giá là Cty Kim Oanh, cũng như quá trình thu hồi nợ xấu của Agribank”.

Với Dự án Tân Phú, Cty Kim Oanh cũng rơi vào địa vị và tình thế tương tự.

TCty Bình Dương là doanh nghiệp do Tỉnh ủy Bình Dương sở hữu 100% vốn điều lệ, được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương giao đất, cho đền bù giải phóng mặt bằng để phát triển Dự án Khu liên hợp, trong đó có khu đất 43ha thuộc Dự án Tân Phú. Ngày 1/7/2010, TCty Bình Dương và Cty Âu Lạc ký kết hợp đồng liên doanh để thành lập Cty Tân Phú, nhằm thực hiện Dự án Tân Phú, với tỷ lệ góp vốn: TCty Bình Dương 60 tỷ đồng (30%), Cty Âu Lạc 140 tỷ đồng (70%). Ngày 28/9/2912, UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 2631/QĐ-UBND về việc giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với 43ha đất cho TCty Bình Dương. Ngày 6/2/2013, TCty Bình Dương được cấp GCNQSDĐ đối với 43ha đất. Ngày 8/12/2016, TCty Bình Dương chuyển nhượng QSDĐ 43ha kể trên cho Cty Tân Phú. Ngày 2/8/2017, TCty Bình Dương ký kết hợp đồng chuyển nhượng 30% phần vốn góp của mình tại Cty Tân Phú cho Cty Âu Lạc với giá 161.105.500.000 đồng.

Ngày 2/10/2017 và ngày 6/2/2018, bằng 2 hợp đồng ký với Cty Kim Oanh, Cty Âu Lạc đã chuyển nhượng 100% phần vốn của mình tại Cty Tân Phú cho Cty Kim Oanh với giá 350 tỷ đồng; Cty Kim Oanh chính thức trở thành chủ sở hữu duy nhất của Cty Tân Phú. Sau đó, Cty Tân Phú tiếp tục thực hiện các thủ tục để xin chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Tân Phú.

Khu đất 43ha thuộc Dự án khu đô thị Tân Phú.

Tuy nhiên, ngày 8/5/2019, UBND tỉnh Bình Dương bất ngờ ban hành Quyết định thanh tra số 1188/QĐ-UBND để thanh tra việc góp vốn và chuyển nhượng vốn góp tại Cty Tân Phú đối với khu đất 43ha. Cho đến hôm nay, dù đã quá thời hạn luật định hơn 2 tháng, Thanh tra tỉnh Bình Dương vẫn chưa ra được Kết luận thanh tra.

Điều cần nói rõ là việc chuyển nhượng giữa Cty Kim Oanh và Cty Âu Lạc đã hoàn tất về mặt pháp lý và tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành. Tại thời điểm Cty Kim Oanh bắt đầu nhận chuyển nhượng góp vốn tại Cty Tân Phú thì Cty Tân Phú đã không còn mối quan hệ pháp lý nào đối với TCty Bình Dương. Do vậy, Cty Kim Oanh là bên thứ ba ngay tình – được pháp luật bảo vệ, nhưng hiện tại lại đang trở thành nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi quyết định thanh tra.

Để giảm thiểu những thiệt hại không đáng có cho doanh nghiệp, bà Đặng Thi Kim Oanh kiến nghị: “Chúng tôi là doanh nghiệp, là bên mua vốn góp, chúng tôi thực hiện các quy định hợp pháp thì pháp luật phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chúng tôi, không có chuyện nếu có những sai phạm từ lịch sử để lại (tôi xin nhắc lại là nếu có) lại bắt doanh nghiệp làm đúng phải chịu trách nhiệm? Chúng tôi mong sớm có kết luận thanh tra chính thức để tiếp tục đầu tư thực hiện dự án, giảm thiểu thiệt hại cho chúng tôi, tránh những tin đồn và ý kiến không chính thức được đưa ra như thời gian vừa qua”.

Và niềm tin vào “Chính phủ kiến tạo”

Trong các lá đơn gửi đi, Cty Kim Oanh luôn thể hiện niềm tin của mình vào tinh thần “Chính Phủ kiến tạo”. Tinh thần ấy đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bằng định nghĩa trên nghị trường Quốc hội tại phiên chất vấn chiều ngày 18/11/2017. Thứ nhất, đó phải là Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, không bị động đối phó với những diễn biến thực tế. Thứ hai là Nhà nước không làm thay thị trường, mà tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm. Thứ ba, Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi. Thứ tư là Chính phủ nói phải đi đôi với làm, xiết chặt kỷ cương, đặc biệt phải thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc...

Bà Đặng Thi Kim Oanh, Tổng giám đốc Kim Oanh Group.

Với những nội dung Thủ tướng nhấn mạnh, Cty Kim Oanh hoàn toàn có quyền tin tưởng vào quyền được thực hiện 2 dự án Hòa Lân và Tân Phú dẫu trước mắt còn gặp nhiều khó khăn. Bởi, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư tại 2 dự án này không chỉ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền mà pháp luật còn có những chế định bảo vệ. Đó là trường hợp “Bên thứ ba ngay tình”.

Ở Dự án Hòa Lân, Khoản 3, Điều 4, Nghị định 17/2010/NĐ-CP qui định về “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá” nêu rõ: “Trong trường hợp có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật trước khi tài sản được đem ra bán đấu giá nhưng trình tự thủ tục bán đấu giá tài sản đó đảm bảo tuân theo đầy đủ qui định của pháp luật thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người mua được tài sản bán đấu giá. Tổ chức, cá nhân có lỗi gây ra thiệt hại phải bồi thương theo qui định của pháp luật”. Như vậy, nếu Cty Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn có tranh chấp bất kỳ vấn đề gì liên quan đến các hợp đồng giữa họ với nhau, quá trình bán đấu giá đã được Bộ Tư pháp thanh tra và báo cáo Thủ tướng khẳng định là hợp pháp, thì toàn bộ tài sản bán đấu giá là Dự án Hòa Lân vẫn thuộc quyền sử dụng của Cty Kim Oanh.

Ở Dự án Tân Phú cũng vậy, bằng sự phân tích, đánh giá của các luật sư và tổ chức tư vấn pháp lý, Cty Kim Oanh đang tham gia với tư cách “Bên thứ ba ngay tình”. Cty Kim Oanh mua 100% vốn góp từ Cty Âu Lạc tại Cty Tân Phú (cũng là 100% vốn của Cty Tân Phú) với mục đích thực hiện Dự án Tân Phú do vào thời điểm nhận chuyển nhượng Cty Tân Phú đã được cấp GCNQSDĐ đối với 43 ha. Như vậy, Cty Kim Oanh không liên quan gì đến giao dịch chuyển nhượng QSDĐ giữa TCty Bình Dương và Cty Tân Phú. Bởi vậy, nếu giả sử giao dịch chuyển nhượng QSDĐ kể trên có sai phạm thì Cty Kim Oanh cũng không hề có lỗi, mà phải được bảo vệ theo qui định của pháp luật về trường hợp “Bên thứ ba ngay tình” được qui định tại Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Việc tạo ra ách tắc và kéo dài thời gian thực hiện 2 dự án ở Bình Dương với khổ chủ là nhà đầu tư ngay tình là một thực tế từng được Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cảnh báo: “Mời gọi nhà đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh. Các nhà đầu tư tuy đi trên thảm nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”. Thực tế đó đang đi ngược lại lộ trình “Chính phủ kiến tạo” mà chúng ta đang quyết tâm thực hiện, rất cần được quan tâm, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Báo TNVN sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến tiếp theo của vụ việc này /.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận