Việc cấp sổ đỏ tại huyện Ba Vì: Thanh tra TP. Hà Nội cần vào cuộc, xác minh làm rõ

Đề nghị thanh tra TP. Hà Nội vào cuộc xác minh những dấu hiệu 'bất thường' trong việc cấp sổ đỏ tại Huyện Ba Vì, TP. Hà Nội.

 

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và tặng cho chưa đầy đủ tất cả các đồng thừa kế, quy trình xác minh để cấp GCN QSDĐ chưa rõ ràng là những dấu hiệu “bất thường” trong việc cấp sổ đỏ tại Huyện Ba Vì, TP. Hà Nội. Đề nghị thanh tra TP. Hà Nội vào cuộc, xác minh những dấu hiệu “bất thường” này.

Nhiều dấu hiệu “bất thường” trong việc cấp sổ đỏ

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Đào Văn Thưởng, Phó chủ tịch UBND xã Phong Vân, huyện Ba Vì cho biết, ngày 23/10/2018, UBND xã Phong Vân có tiếp nhận Giấy đề nghị của ông Chu Đình Sử với nội dung cấp sổ đỏ cho ông với thửa đất số 216 có diện tích 414 m2 theo Chúc thư do bà Nguyễn Thị Sức để lại. Tại thời điểm đó, UBND huyện Ba Vì ký hợp đồng với Công ty Cổ phần tư vấn công nghệ tài nguyên môi trường Hoàng Anh đo đạc bản đồ địa chính để thay thế bản đồ cũ trong toàn huyện. Giấy đề nghị đã được ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã xác nhận chuyển cho đơn vị tư vấn đo đạc và lập bản đồ địa chính xã Phong Vân. Tuy nhiên, đến nay bản đồ địa chính chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, chưa đủ điều kiện làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho ông Sử.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội:

Theo các quy định tại điểm d, Khoản 2, Điều 152 Luật Đất đai năm 2024, khi xem xét và giải quyết khiếu nại của người dân, đánh giá việc đăng ký biến động, cấp Giấy CNQSDĐ là đúng hay sai, có thuộc trường hợp phải thu hồi Giấy CNQSDĐ đã cấp hay không thì người giải quyết khiếu nại phải xem xét nhiều yếu tố như: Giấy CNQSDĐ có được cấp đúng thẩm quyền, có đúng điều kiện, đối tượng và nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật hay không? Nếu chỉ xem xét, đánh giá các vấn đề về trình tự, thủ tục mà “bỏ qua” các yếu tố quan trọng khác (nguồn gốc sử dụng đất, đối tượng sử dụng đất) là không đảm bảo tính toàn diện và khách quan, chính xác trong việc xem xét, giải quyết vụ việc.

Cũng theo lý giải của vị Phó chủ tịch xã này, “do bản đồ địa chính chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt nên chưa đủ điều kiện làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho ông Sử”, nhưng không hiểu sao lại cấp được cho ông Chu Quang Ánh (em trai cùng cha khác mẹ với ông Chu Đình Sử)? Trong lúc ông Chu Đình Sử đang có văn bản đề nghị làm rõ việc sổ đỏ “bị mất” đồng thời yêu cầu chính quyền xã cấp GCNQSDĐ cho ông theo Chúc thư mà bà Nguyễn Thị Sức để lại. Mặc dù, văn bản này đã được chính chủ tịch xã bút phê và đóng dấu nhưng không hiểu vì lý do gì, UBND xã Phong Vân vẫn ký xác nhận không tranh chấp để cấp cho ông Chu Quang Ánh?

Còn theo hồ sơ Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) - chi nhánh huyện Ba Vì cung cấp, tại Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và tặng cho tài sản có kèm lời chứng của công chứng viên chỉ ghi có 04 người con của bà Nguyễn Thị Sức và ông Chu Văn Vật mà không có 05 người con riêng của ông Chu Văn Vật, trong khi nguồn gốc đất do ông Chu Văn Vật để lại. Năm 2000, 04 người con chung của bà Sức và ông Vật (bao gồm cả ông Chu Quang Ánh) đã ký vào bản di chúc đồng ý để ông Chu Đình Sử được quyền thừa kế và đứng tên mảnh đất 216 diện tích 414 m2. Nhưng sau đó, ông Chu Quang Ánh cùng 03 người em dù đã ký vào bản di chúc của cụ Sức nhưng lại cam đoan: “Ngoài chúng tôi ra, không còn ai khác được hưởng quyền thừa kế di sản của bà Nguyễn Thị Sức. Nếu có người nào chứng minh được họ là người thừa kế hợp pháp thì chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, là khai không đúng sự thật.

Chúc thư mà bà Nguyễn Thị Sức để lại.

Trong khi đó, nếu nhà đất là di sản thừa kế của hai ông bà thì Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo pháp luật phải có sự tham gia của tất cả các người con (con riêng của ông và con chung của 02 ông bà). Mặt khác, nếu tài sản thuộc sở hữu riêng của bà Sức và bà Sức đã có di chúc hợp pháp thì việc phân chia di sản phải thực hiện theo di chúc đó. Trong hai trường hợp này, bốn người con chung của ông bà đều không có toàn quyền tự thỏa thuận và định đoạt di sản. Do đó, văn bản thỏa thuận của họ là trái pháp luật và bị vô hiệu.

Ngoài ra, theo Điều 152 Luật Đất đai năm 2024, được hướng dẫn tại Điều 47, Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai: “Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai có nội dung phải hủy toàn bộ hoặc một phần kết quả đăng ký biến động đất đai”. Điều này có nghĩa, nếu Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai kết luận việc đăng ký biến động sai, thì đủ căn cứ để hủy bỏ kết quả đăng ký biến động theo Điều 47, Nghị định 101. Nhưng không hiểu sao VPĐKĐĐ Hà Nội - chi nhánh huyện Ba Vì và VPĐKĐĐ Hà Nội không thực hiện theo quy định của pháp luật?

Khi được hỏi về việc thu hồi giấy CNQSDĐ, ông Hoàng Ngọc Giang giám đốc VPĐKĐĐ Hà Nội- chi nhánh huyện Ba Vì khẳng định, chỉ thu hồi theo phán quyết của Tòa? Có lẽ nào, vị giám đốc chi nhánh này không nắm được luật?

Sự im lặng “kỳ lạ” của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Tiếp tục tìm câu trả lời về những dấu hiệu “bất thường” trong việc cấp sổ đỏ tại huyện Ba Vì, TP. Hà Nội, ngày 24/7/2024, phóng viên Báo VOV đã đến đặt lịch làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội.

Ngày 03/8/2024, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã mời phóng viên Báo VOV đến làm việc. Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Đặng Hữu Nghiệp, Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cho biết, VPĐKĐĐ Hà Nội không có tư cách phát ngôn. Đồng thời, ông này không cung cấp thông tin cho phóng viên theo đúng quy định của Luật Báo chí.

Ông Đặng Hữu Nghiệp (bên trái), Phó giám đốc VPĐKĐĐ Hà Nội tại buổi mời phóng viên lên làm việc nhưng không cung cấp thông tin theo đúng quy định của Luật Báo chí.

Mặc dù đã đặt lịch làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhưng hơn 1 tháng, phóng viên Báo VOV vẫn chưa nhận được phản hồi về lịch làm việc từ phía Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Vì sao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lại im lặng trước dấu hiệu “bất thường” trong cấp sổ đỏ tại huyện Ba Vì là câu hỏi đang được dư luận quan tâm.

Theo hồ sơ do VPĐKĐĐ Hà Nội- chi nhánh Ba Vì cung cấp cho phóng viên thì  Văn phòng công chứng Trương Thị Nga là đơn vị làm thủ tục niêm yết liên quan đến thửa đất trên. Song vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết đã khởi tố Trưởng Văn phòng công chứng Trương Thị Nga và một số công chứng viên với cáo buộc “ký chứng thực bản sao đúng với bản chính khống” trên các tài liệu. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu có sự bắt tay để ký chứng thực sai, cố ý làm sai lệch hồ sơ của ông Chu Quang Ánh nhằm trục lợi hay không?

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, theo quy định tại điểm d, Khoản 2, Điều 152 Luật Đất đai năm 2024 (trước đây là điểm d, khoản 2, Điều 106, Luật Đất đai năm 2013) quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp, trong đó có trường hợp: “d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm cấp giấy chứng nhận”. Theo các quy định nêu trên, khi xem xét và giải quyết khiếu nại của người dân, đánh giá việc đăng ký biến động, cấp Giấy CNQSDĐ là đúng hay sai, có thuộc trường hợp phải thu hồi Giấy CNQSDĐ đã cấp hay không thì người giải quyết khiếu nại phải xem xét nhiều yếu tố như: Giấy CNQSDĐ có được cấp đúng thẩm quyền, có đúng điều kiện, đối tượng và nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật hay không? Nếu chỉ xem xét, đánh giá các vấn đề về trình tự, thủ tục mà “bỏ qua” các yếu tố quan trọng khác (nguồn gốc sử dụng đất, đối tượng sử dụng đất) là không đảm bảo tính toàn diện và khách quan, chính xác trong việc xem xét, giải quyết vụ việc.

Để có đủ căn cứ trả lời đơn thư của ông Chu Đình Sử, Báo VOV chuyển thông tin này đến UBND TP. Hà Nội và Thanh tra TP. Hà Nội. Đề nghị UBND TP. Hà Nội và Thanh tra TP. Hà Nội vào cuộc xem xét, xác minh làm rõ những dấu hiệu “bất thường” trong cấp sổ đỏ tại huyện Ba Vì và làm rõ có dấu hiệu trục lợi hay không? Đồng thời, xem xét trách nhiệm và xử lý sai phạm (nếu có) của các cá nhân, tổ chức và thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp cho ông Chu Quang Ánh. Phản hồi thông tin cho Báo VOV theo đúng quy định của pháp luật.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận