Quy trình xác minh để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chưa rõ ràng. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và tặng cho tài sản chưa đầy đủ tất cả các đồng thừa kế. Đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT), Thanh tra sở TNMT vào cuộc xác minh làm rõ những dấu hiệu “bất thường” trong việc cấp sổ đỏ tại Huyện Ba Vì, TP.Hà Nội.
Công văn từ “nhà” ra “cổng” 3 tháng chưa tới?
Sau khi Báo TNVN (Báo VOV) có bài: “Huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội: Sổ đỏ bỗng dưng “bốc hơi”, chính quyền lặng thinh?”, để có thông tin khách quan đa chiều, phóng viên Báo VOV đã tiếp tục liên hệ làm việc với các cấp chính quyền tại Ba Vì.
Tại buổi làm việc với phóng viên, đại diện Phòng TNMT huyện Ba Vì chỉ cung cấp được cho phóng viên văn bản số 437/UBND-TNMT về phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của công dân xã Phong Vân, đề ngày 24/2/2024. Trong khi đó, tại văn bản số 437/UBND-TNMT ghi rõ: “UBND xã Phong Vân, tổ chức rà soát, kiểm tra, xác minh toàn bộ hồ sơ và quá trình giải quyết liên quan đến vụ việc; Phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội (VPĐKĐĐ) - chi nhánh Ba Vì cung cấp toàn bộ thông tin và các hồ sơ, tài liệu liên quan vụ việc; báo cáo UBND huyện và trả lời các bên liên quan xong trước ngày 5/3/2024”. Tuy nhiên, đến thời điểm phóng viên làm việc, phòng TNMT không cung cấp được hồ sơ và quá trình giải quyết vụ việc cho phóng viên.
Để có thêm thông tin, phóng viên tiếp tục làm việc với VPĐKĐĐ Hà Nội - chi nhánh Ba Vì. Khi được hỏi, sau khi nhận được văn bản số 437/UBND-TNMT của UBND huyện Ba Vì, VPĐKĐĐ Hà Nội - chi nhánh Ba Vì đã triển khai những gì, đã có văn bản trả lời huyện, xã và người dân hay chưa? Tại buổi làm việc, giám đốc VPĐKĐĐ Hà Nội - chi nhánh Ba Vì Hoàng Ngọc Giang cho hay, do văn bản không yêu cầu VPĐKĐĐ Hà Nội - chi nhánh Ba Vì phải có báo cáo gửi UBND huyện nên VPĐKĐĐ Hà Nội - chi nhánh Ba Vì không làm báo cáo gửi huyện. Văn phòng chỉ rà soát hồ sơ và chờ xã đến lấy sẽ cung cấp nhưng không thấy xã liên hệ để lấy. Hiện GCN QSDĐ của bà Nguyễn Thị Sức đã được chuyển thành 03 GCN QSDĐ đều do ông Chu Quang Ánh đứng tên.
Trả lời câu hỏi, sau khi nhận văn bản trên, VPĐKĐĐ Hà Nội - chi nhánh Ba Vì đã có những biện pháp gì nhằm ngăn chặn giao dịch sổ đỏ được sang tên từ bà Nguyễn Thị Sức trên hệ thống thì ông Giang cho biết,VPĐKĐĐ Hà Nội - chi nhánh Ba Vì đã ngăn chặn tạm thời giao dịch trên phần mềm của hệ thống. Song khi phóng viên đề nghị cung cấp thông tin về việc ngăn chặn này thì ông Giang thừa nhận, đến hôm nay (ngày 24/5/2024), VPĐKĐĐ Hà Nội - chi nhánh Ba Vì chưa nhận được văn bản số 437/UBND-TNMTngày 24/2/2024 của UBND huyện Ba Vì. Trong khi khoảng cách từ UBND huyện Ba Vì đến VPĐKĐĐ Hà Nội - chi nhánh Ba Vì chỉ cách nhau khoảng 300-500m, tại sao 3 tháng công văn vẫn chưa đến nơi? Vậy thực sự UBND huyện Ba Vì có ban hành văn bản trên đúng thời điểm ghi trên văn bản hay không là câu hỏi đang được dư luận đặt ra.
Nếu đúng như thông tin ông Giang đã cung cấp thì việc phản ánh của ông Chu Đình Sử: “Chưa nhận được bất kỳ kết quả xem xét giải quyết và cũng chưa từng được phúc đáp, trả lời cụ thể bằng văn bản hay mời làm việc, thông tin, hướng dẫn, trả lời từ phía chính quyền, bộ phận, cán bộ chuyên môn về việc này”, là có cơ sở. Điều này cũng thể hiện sự tắc trách của chính quyền huyện Ba Vì khi tiếp nhận đơn thư, phản ánh, khiếu nại từ công dân. Chiểu theo Luật Tiếp công dân 2013, UBND huyện Ba Vì có dấu hiệu vi phạm Điều 28 của luật này.
Văn bản thỏa thuận phân chia di sản bị vô hiệu
Tiếp tục tìm câu trả lời về vụ việc, phóng viên đã làm việc với UBND xã Phong Vân. Tại buổi làm việc, đại diện UBND xã cho biết,ngày 23/10/2018, UBND xã Phong Vân có tiếp nhận Giấy đề nghị của ông Chu Đình Sử với nội dung cấp sổ đỏ cho ông với thửa đất số 216 có diện tích 414m2 theo Chúc thư do bà Nguyễn Thị Sức để lại. Tại thời điểm đó, UBND huyện Ba Vì ký hợp đồng với Công ty Cổ phần tư vấn công nghệ tài nguyên môi trường Hoàng Anh đo đạc bản đồ Địa chính để thay thế bản đồ cũ trong toàn huyện. Giấy đề nghị đã được ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã xác nhận chuyển cho đơn vị tư vấn đo đạc và lập bản đồ địa chính xã Phong Vân. Tuy nhiên, đến nay bản đồ địa chính chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, chưa đủ điều kiện làm hồ sơ cấp GCN QSDĐ cho ông Sử.
Cũng theo ông Đào Văn Thưởng, Phó chủ tịch UBND xã Phong Vân, ngày 2/3/2023, UBND xã nhận được Thông báo niêm yết số: 84.2023/TBNY-NL của Văn phòng công chứng Nguyễn Luyện (Địa chỉ số 180 đường Lạc Trị, tổ dân phố số 3, thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) về di sản của bà Nguyễn Thị Sức để lại. Sau khi tiếp nhận thông báo trên, UBND xã đã tiến hành thông báo, niêm yết công khai 15 ngày tại trụ sở xã. “Trong thời gian niêm yết, do những người liên quan đến thừa kế không cư trú tại địa phương dẫn đến trong quá trình niêm yết không nhận được kiến nghị, phản ánh gì liên quan đến việc khai nhận di sản thừa kế nêu trên. Ngày 23/3/2023, UBND xã Phong Vân đã ký xác nhận vào thông báo niêm yết và gửi Văn phòng công chứng”, ông Thưởngthừa nhận.
Theo lý giải của ông Phó chủ tịch xã, do bản đồ địa chính chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt nên chưa đủ điều kiện làm hồ sơ cấp GCN QSDĐ cho ông Sử, nhưng không hiểu sao lại cấp được cho ông Chu Quang Ánh? Cũng theo báo cáo mà UBND xã cung cấp cho phóng viên, trong lúc ông Chu Đình Sử đang có văn bản đề nghị làm rõ việc sổ đỏ “bị mất”, đồng thời yêu cầu chính quyền xã cấp GCN QSDĐ cho ông theo Chúc thư mà bà Nguyễn Thị Sức để lại. Nhưng vì lý do gì, UBND xã Phong Vân vẫn ký xác nhận không tranh chấp để cấp cho ông Chu Quang Ánh?
Tại báo cáo này, UBND xã Phong Vân cho biết, ngày 2/3/2023, UBND xã nhận được Thông báo niêm yết số: 84.2023/TBNY-NL của Văn phòng công chứng Nguyễn Luyện (Địa chỉ số 180 đường Lạc Trị, tổ dân phố số 3, thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội). Nhưng tại hồ sơ do VPĐKĐĐ Hà Nội - chi nhánh Ba Vì cung cấp cho phóng viên thì Thông báo niêm yết lại do Văn phòng công chứng Trương Thị Nga có địa chỉ tại A4-TT19 Khu đô thị Văn Quán, Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội thông báo. Vậy, Văn phòng công chứng nào mới thực sự gửi Thông báo niêm yết tại UBND xã Phong Vân?
Cũng theo hồ sơ VPĐKĐĐ Hà Nội - chi nhánh Ba Vì cung cấp, tại Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và tặng cho tài sản có kèm lời chứng của công chứng viên đề ngày18/4/2023 chỉ ghi có 04 người con của bà Nguyễn Thị Sức và ông Chu Văn Vật mà không có 05 người con riêng của ông Chu Văn Vật, trong khi nguồn gốc đất do ông Chu Văn Vật để lại. Năm 2000, 04 người con chung của bà Sức và ông Vật (bao gồm cả ông Chu Quang Ánh) đã ký vào bản di chúc đồng ý để ông Chu Đình Sử được quyền thừa kế và đứng tên mảnh đất 216 diện tích 414 m2. Dù đã ký vào bản chúc thư, nhưng không hiểu sao tại Văn bản này, ông Chu Quang Ánh cùng 03 người em lại cam đoan: “Ngoài chúng tôi ra, không còn ai khác được hưởng quyền thừa kế di sản của bà Nguyễn Thị Sức. Nếu có người nào chứng minh được họ là người thừa kế hợp pháp thì chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”?
Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, nếu nhà đất là di sản thừa kế của hai ông bà thì Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo pháp luật phải có sự tham gia của tất cả các người con (con riêng của ông và con chung của 02 ông bà). Mặt khác, nếu bà Sức đã có di chúc hợp pháp thì việc phân chia di sản phải thực hiện theo di chúc đó. Trong hai trường hợp này, bốn người con chung của ông bà đều không có toàn quyền tự thỏa thuận và định đoạt di sản. Do đó, văn bản thỏa thuận của họ là trái pháp luật và bị vô hiệu. Vì vậy, GCNQSDĐ đã được cấp căn cứ vào văn bản thỏa thuận này cũng là trái pháp luật và sẽ bị hủy bỏ theo quy định tại Khoản 2, Điều 106, Luật đất đai năm 2013.
Trước thông tin trên, đề nghị Sở TNMT, Thanh tra sở TNMT vào cuộc xác minh làm rõ những dấu hiệu “bất thường” trong việc cấp sổ đỏ tại huyện Ba Vì, TP.Hà Nội. Hủy bỏ GCNQSDĐ đã được cấp trái pháp luật theo quy định tại Khoản 2, Điều 106 Luật đất đai năm 2013.
Báo VOV sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!