Ai gây ra sai phạm đất đai ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội)?: Kỳ 3

Kỳ 3: Đúng luật còn phải làm gì nữa?

 

Kỳ 2: Lộ diện từ những văn bản bất nhất.

Trường Tiểu học xã Ninh Hiệp được xây dựng từ năm 1974. Đến năm 1980 sáp nhập thành Trường phổ thông cấp 1-2 Ninh Hiệp, đồng thời khu tập thể giáo viên được xây dựng một dãy nhà ở 12 phòng dành cho giáo viên, có khu nhà vệ sinh công cộng, khu nhà tắm, giếng nước, bếp tập thể (trong cùng một khuôn viên đất của trường).
Năm 1984, thực hiện đo vẽ bản đồ và sổ lập kèm theo, thửa đất của Trường phổ thông cấp _I - II Ninh Hiệp có tổng diện tích 15.103m2, thể hiện tại Thửa đất số 169, Tờ bản đồ số 04 (gồm cả khu đất của tập thể giáo viên và trường học). 

Năm 1991, tách thành 2 Trường PTCS cấp I Ninh Hiệp và Trường PTCS cấp II Ninh Hiệp. Thời điểm này, đất đai bắt đầu “sốt”, UBND xã Ninh Hiệp toan tính cải tạo lại Khu tập thể Giáo viên, xây dựng thêm 8 phòng ở, tổng số 20 phòng (cũ và mới) - đề biển “Khu tập thể Giáo viên”... Lấy cớ để cải tạo khu ở cho giáo viên, UBND xã Ninh Hiệp đã cắt hơn 1.000m2 đất của khu tập thể rồi bán trái thẩm quyền cho các hộ kinh doanh ở nơi khác đến xây dựng nhà.

Cụ thể, dọc trục đường (thôn 5) xã bán cho vợ chồng ông Việt, bà Nhàn. Sau đó, ông Việt cắt thành 4 lô bán cho các hộ: vợ chồng anh chị Thanh + Lệ (1 lô); ông bà Thịnh + Tâm (2 lô); vợ chồng anh chị An + Cương (1 lô).

Chưa hết, xã còn nắn mương vào phần đất của trường, chiếm toàn bộ khu nhà vệ sinh, nhà tắm, bếp tập thể, giếng nước của Khu tập thể Giáo viên (giáp chợ Ninh Hiệp). Diện tích đất này, xã Ninh Hiệp chia thành 50 lô đem bán. Đáng nói là xã đã cắt toàn bộ khu công trình phụ của khu tập thể để bán cho các hộ dân khác làm ki-ốt chợ, rồi xây lại duy nhất 1 nhà vệ sinh tự hoại giao cho các hộ dân khu tập thể sử dụng, dẫn đến cuộc sống của 20 hộ gia đình giáo viên đã khó khăn lại không được đảm bảo nhu cầu tối thiểu. Thấy sự bất tiện, các hộ gia đình tự bỏ tiền ra làm nhà vệ sinh, làm sân, làm bếp, làm đường đi, cống rãnh và xây tường rào… 

Minh chứng cho thấy có sự toan tính của xã Ninh Hiệp là: Theo Bản đồ đo vẽ năm 1984, Trường phổ thông cấp I - II Ninh Hiệp có tổng diện tích 15.103m2 đất. Đến khi đo vẽ bản đồ (1993 - 1994) và sổ lập kèm theo thì thửa đất này diện tích chỉ còn 13.872m2 thể hiện tại Thửa đất số 53, Tờ bản đồ số 21 - hụt so với trước là 1.231m2 đất (?).

Theo hồ sơ Báo TNVN thu thập được càng thể hiện rõ hơn sự gian dối của xã Ninh Hiệp về diện tích hơn 1.000m2 đất kể trên. Đó là, bản Báo cáo số 98/UBND ngày 13/7/2021 của UBND xã Ninh Hiệp ghi rõ: “…Trường Trung học cơ sở Ninh Hiệp đã được UBND huyện Gia Lâm cấp Giấy CNQSD đất ngày 1/9/2004 với tổng diện tích 6.438m2 gồm 10 gian nhà với tổng diện tích xây dựng 2.738m2, và diện tích sử dụng 2.471m2”.

Thực tế diện tích xây dựng và diện tích sử dụng chỉ có: (2.738m2 + 2.471m2) = 5.209m2, trong khi đó, báo cáo lại là 6.438m2. Lấy hai con số trừ đi (6.438m2 - 5.209m2) = 1.229m2. Như vậy diện tích đất xây dựng cộng với diện tích đất sử dụng so với diện tích báo cáo (thiếu hụt 1.229m2) trùng khớp với diện tích đất mà xã đã cắt đem bán trái thẩm quyền cho các hộ kinh doanh (!?). 

Câu hỏi đặt ra từ thực tiễn ở đây là, một số Khu tập thể Giáo viên trên địa bàn huyện Gia Lâm cấp nhà ở cho giáo viên đã được cấp Giấy CNQSD đất. Vậy tại sao những hộ giáo viên tại Khu tập thể Trường Tiểu học Ninh Hiệp và Trung học cơ sở Ninh Hiệp (thôn 5) lại không được xét cấp Giấy CNQSD đất (?). 

Trường Tiểu học Ninh Hiệp đã được UBND huyện Gia Lâm cấp Giấy CNQSD đất ngày 25/5/2004 với tổng diện tích 5.333m2 gồm 7 gian nhà; và Trường THCS Ninh Hiệp được UBND huyện Gia Lâm cấp Giấy CNQSD đất ngày 1/9/2004 với tổng diện tích 6.438m2 gồm 10 gian nhà...

Căn nhà dột nát, không thể ở được, giáo viên phải tạm chuyển đi nơi khác để ở, nhưng vẫn tiếp tục giảng dạy tại địa phương.

Vậy cùng thời điểm này, lý do gì UBND xã Ninh Hiệp và huyện Gia Lâm không “công bằng” xét, cấp cho các hộ tại Khu tập thể Giáo viên (thôn 5) như những giáo viên của nhiều khu tập giáo viên khác trên cùng địa bàn - những người đã gắn bó hàng chục năm với cuộc sống gian khổ và khó khăn thời bao cấp, từ những năm 1980 của thế kỷ trước; những người có công dạy dỗ con em địa phương và dạy 2 vị Chủ tịch, phó Chủ tịch xã đương nhiệm từ khi học vỡ lòng!?

Trong khi đó, vì bán đất trái thẩm quyền, nên những người mua đất mà xã cắt ra bán nhanh chóng được xã Ninh Hiệp và huyện Gia Lâm cấp Giấy CNQSD đất, đã hợp pháp hóa những mảnh đất bán trái luật.

Cụ thể những người mua đất giáp với Khu tập thể Giáo viên (thôn 5) như: Bà Tâm, ông Thịnh, ông Cương, bà An, ông Thanh, bà Lê. Còn hàng chục trường hợp khác là những ngôi nhà nằm trên khu đất này, UBND xã Ninh Hiệp lý giải như thế nào trước UBND TP. Hà Nội và dư luận (?)

Được biết, các hộ giáo viên đã 4 lần làm đơn (vào các năm 2005, 2009, 2011 và 2015) gửi UBND xã Ninh Hiệp và UBND huyện Gia Lâm xin được thanh lý nhà theo chế độ chính sách - pháp luật, xét cấp Giấy CNQSD đất cho các hộ giáo viên theo Điều 236, Bộ luật Dân sự; Điều 101, Luật Đất đai; Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ; nhưng đều bị từ chối và cho rằng không đủ cơ sở để xem xét (!?).

Luật sư Lê Hằng - Công ty Luật TAT Law firm phân tích: “Căn cứ vào pháp luật đất đai qua các thời kỳ năm 1993, 2003, 2013 và thực tế sử dụng đất ở địa phương thì trường hợp nhà, đất tập thể của 20 hộ giáo viên Ninh Hiệp được thừa nhận và cấp giấy tờ sở hữu, kể cả trường hợp được giao nhà, đất không đúng thẩm quyền. Nhà nước chỉ không cấp Giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng thẩm quyền kể từ ngày 01/7/2014 trở về sau”.

Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 25, Nghị định 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước quy định: “Trường hợp bán nhà có nguồn gốc không phải là nhà ở nhưng được bố trí sử dụng để ở trước ngày 27/11/1992 thì nhà ở này phải bảo đảm các điều kiện: Khu đất đã bố trí làm nhà ở có khuôn viên độc lập hoặc có thể tách biệt khỏi khuôn viên trụ sở, cơ quan; nhà ở có lối đi riêng, không che chắn mặt tiền trước cơ quan, không ảnh hưởng đến không gian cảnh quan xung quanh; cơ quan đơn vị không có nhu cầu sử dụng và nhà này phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở tại địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cơ quan, đơn vị không có nhu cầu sử dụng diện tích nhà ở này phải chuyển giao cho UBND cấp tỉnh nơi có nhà đó quản lý để thực hiện bán theo quy định tại Nghị định này”.

Và thực tế, năm 1996, các hộ giáo viên tự quyên góp bỏ tiền xây dựng tường rào ngăn cách giữa khu tập thể với nhà trường và tự làm đường đi với các công trình công cộng khác. Việc này, được sự đồng ý của nhà trường và UBND xã.

Căn cứ theo quy định này, các hộ gia đình trong Khu tập thể Giáo viên (thôn 5) hoàn toàn có đủ điều kiện để được thanh lý mua nhà cũng như được cấp Giấy CNQSD đất vì đây là nhà tập thể được phân, được bố trí sử dụng để ở trước năm 1992 (chứ không phải là cho mượn), tách biệt khỏi khuôn viên của trường, có lối đi riêng, không che chắn mặt tiền trường, phù hợp với quy hoạch “đất ở hiện có” theo quy hoạch phân khu đô thị GN thuộc chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng tại Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 5/1/2015 của UBND thành phố Hà Nội.

Vì sao xã Ninh Hiệp và huyện Gia Lâm chưa xét cấp GCNQSD đất cho 20 hộ gia đình tại Khu tập thể Giáo viên (thôn 5)? Nhóm lợi ích nào đã và đang “cố tình” tước bỏ quyền lợi hợp pháp của họ, bao che cho sự gian dối của chính quyền xã cấp đất trái thẩm quyền, bán đất trái pháp luật?
Để yên tâm về chỗ ở, các hộ giáo viên ở đây còn phải làm gì nữa?
Báo Tiếng nói Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận