Ai gây ra sai phạm đất đai ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội)?

Kỳ 1: Học trò thành đạt 'đuổi' thầy cô giáo

 

Một buổi sáng yên bình, bỗng loa truyền thanh xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) phát thông báo yêu cầu tất cả các hộ gia đình tại Khu tập thể giáo viên thuộc Trường Tiểu học Ninh Hiệp (tại thôn 5) phải di dời đi nơi khác, bàn giao mặt bằng cho xã quản lý. Sau 12 ngày, nếu ai không chấp hành sẽ bị UBND xã lập hồ sơ xử lý vi phạm. Nghe tin này, các thầy giáo, cô giáo ở đây từ những năm 80 của thế kỷ trước ngỡ như sét đánh ngang tai.

Đuổi thầy cô giáo để… quản lý nhà đất

Nhận được đơn thư, chúng tôi tìm đến khu tập thể, vào nhà một cô giáo có tuổi đời và tuổi nghề nhiều nhất, đó là gia đình cô giáo  Nguyễn Thị Thơm. Căn phòng ọp ẹp, mái lợp fibro xi măng, chỗ thủng được che bằng cót ép, tường mục tróc lở, thay vào đó là những tấm xốp che chắn đủ các loại kích cỡ đã ngả màu hoen ố. Cuộc sống của gia đình cô giáo Thơm với người chồng thương binh chất độc da cam hiện ra khiến ai cũng nghẹn lòng. 

Qua câu chuyện được biết cô Nguyễn Thị Thơm sinh năm 1950, cùng nhiều thầy cô khác đã từng “dạy dỗ” 2 học trò là Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Văn Vĩnh từ lớp 1. Nay cả 2 thành đạt, hiện đang làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch xã Ninh Hiệp. Sau 40 năm, cậu học trò năm xưa Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp đã ký Thông báo số: 76/TB-UBND “đuổi” các thầy cô giáo cũ của mình ra khỏi nơi ở đã ổn định lâu dài. Cô giáo Nguyễn Thị Thơm nghẹn ngào: “Một trong những điều mà tôi bất ngờ nhất là người ký thông báo lại chính là cậu học trò Nguyễn Văn Tuấn mà tôi từng dạy hồi cấp 1. Không chỉ có vậy, Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch xã cũng từng là học trò của tôi. Nay các em ấy công thành danh toại lại trả ơn, đáp nghĩa các thầy cô thế này đây. Nếu buộc phải di dời khỏi đây, vợ chồng tôi già ốm yếu biết đi đâu, chỉ biết cầm chắc số phận “màn trời chiếu đất” mà thôi”.

Đầu những năm 1980, Ninh Hiệp là một xã vùng sâu vùng xa của huyện Gia Lâm. Đường vào xã đi lại còn khó khăn, cách xa quốc lộ. Để thu hút giáo viên về với địa phương, UBND xã Ninh Hiệp phải vận động “khẩn cầu”, đưa ra cơ chế ưu đãi để “chiêu mộ”, mong muốn có được giáo viên về đây dạy dỗ con em quê hương xã Ninh Hiệp. Thời điểm ấy, xã cùng với nhà trường xây dựng 2 dãy nhà tập thể tạo điều kiện cho giáo viên có chỗ ăn, chỗ ở ổn định, gắn bó lâu dài với trường lớp, với con em họ, với địa phương… Năm 1990, xã tiếp tục sửa sang, xây thêm một dãy nhà nữa với tổng cộng 20 căn (cũ và mới), mỗi gian nhà có diện tích 17m2. Thời điểm đó, khi phân nhà, nhà trường xem xét tiêu chuẩn phải thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, gia đình đông con, chưa có nhà, ở xa trường và phải có đơn được Ban Giám hiệu, Công đoàn nhà trường xét duyệt. Đến nay nhiều gia đình đã có 3 thế hệ dạy ở trường này. Mấy chục năm qua cuộc sống của họ đang yên ổn, bỗng nghe tin “sét đánh” buộc phải di dời một cách gấp gáp, khó hiểu, để giao lại nhà đất cho xã quản lý (!?)

Bà Phạm Thị Hường, cựu giáo viên trường Tiểu học Ninh Hiệp cho biết: “Trong 20 hộ có 7 hộ thuộc gia đình chính sách. Chúng tôi sinh sống ổn định mấy chục năm nay không có tranh chấp gì, vì ở đây tất cả đều là giáo viên. Đến nay, căn nhà cấp 4 mà chúng tôi được phân đã dột nát, xuống cấp nghiêm trọng. Dù chúng tôi đã nhiều lần làm đơn đề nghị UBND xã cho sửa chữa, hợp thức hóa theo Nghị định 61 của Chính phủ để xây dựng, tôn tạo lại... nhưng UBND xã không giải quyết”.

Cô giáo Nguyễn Thị Lạng (đã về hưu) vẫn chưa hết bàng hoàng, nói trong nước mắt: “…Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe thông báo này trên loa phát thanh. Trước đó, các hộ giáo viên không ai hay biết và chưa nhận được văn bản nào (?!). Chúng tôi cử đại diện đến hỏi các thầy cô đương nhiệm và Hiệu trưởng của nhà trường. Thầy Nguyễn Đức Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Ninh Hiệp cùng nhiều giáo viên (cũ, mới) của trường, kể cả ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư kiêm Trưởng thôn 5, đại diện các tổ chức đoàn thể như Chi hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Tổ trưởng tổ dân phố, Chi bộ thôn… tất cả những vị này cũng không có một ai nhận được hoặc biết về nội dung Thông báo này”. 

Làm theo lệnh của cấp trên

Một bản Thông báo do ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp ký buộc các hộ dân phải di dời không ai được biết trước, chỉ đến khi nghe thấy trên loa phát thanh của xã thì 20 hộ giáo viên mới được biết mình “bị đuổi”. Lúc này mọi người “tán loạn” đi tìm sự thật. Cuối cùng các thầy, cô dẫn nhau đến hỏi UBND xã, lúc đầu xin không được, phải cầu cạnh xin mãi, anh Nguyễn Ngọc Đại, cán bộ tiếp dân của ủy ban (UB) xã mới cung cấp.

Với bản thông báo trong tay, các công dân (là thầy cô giáo) đến chất vấn Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tuấn: “Các ông thu hồi đất của chúng tôi để làm gì?”. Một lần nữa, ông Tuấn đuổi các thầy cô của mình về và nói ráo hoảnh: “…Chúng tôi không phải báo cáo các cô. Các cô không cần biết, tôi làm theo lệnh của cấp trên”. 

Ít ngày sau, nhận được đơn của các thầy cô, khiếu nại Thông báo số 76, ông Tuấn còn gằn giọng: “Thông báo 76 này là “lệnh” của cấp trên. Lãnh đạo huyện Gia Lâm chỉ đạo xã phải thực hiện theo văn bản số: 3521/UBND-TN&MT của Phòng Tài nguyên Môi trường”. Các thầy cô giáo đề nghị cung cấp văn bản 3521 để biết, nhưng ông Chủ tịch xã Nguyễn Văn Tuấn nhất định không cho với lý do: “Đây là văn bản ngành dọc, lưu hành nội bộ, các ông, các bà không có quyền được biết (!?)”. (Văn bản 3521 này là gì, Báo TNVN sẽ đề cập trong số sau).

Một thông báo “tiềm ẩn” lạ lùng, như đánh úp người dân, biến đất và nhà được người dân sử dụng và sinh sống ổn định hàng chục năm nay thành đất chưa đủ điều kiện về pháp luật - nếu không tự di dời sẽ bị xử lý. 

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp cho biết: Vị trí đất Khu tập thể giáo viên hiện đang dự kiến làm dự án (DA) mở rộng khuôn viên của trường hoặc DA khu thương mại. Đến giờ vẫn chưa có quy hoạch cụ thể và chưa rõ sẽ tiến hành DA gì (!?). Còn quy hoạch gì thì thuộc thẩm quyền của UB huyện quyết định. Đến nay, huyện chưa có quyết định chính thức để làm gì cả, mới chỉ là dự kiến thôi… 

Bán đất trái pháp luật?

Tại khu tập thể này, chúng tôi chứng kiến các bậc nhà giáo cao niên như bà giáo Thơm (72 tuổi), bà giáo Lê Thị Hoàng Ngân, cô giáo Lạng (64 tuổi), cùng những chủ nhân quá cố như ông Nguyễn Giang Sơn, chồng cô giáo Nguyễn Thị Bích Hằng (đã mất) là con gái thầy giáo Nguyễn Bá Hà - Hiệu trưởng Trường cấp 1, 2 Ninh Hiệp (cũ) - người đã từng đứng ra phân đất, nhà cho các hộ giáo viên giai đoạn 1982 -1990. Họ cùng nhau tái hiện lại toàn bộ khung cảnh khu nhà từ lúc mới được xây dựng, hình thành, phân giao cho các thầy cô giáo… và đã hé lộ việc “quan xã” bán đất trái pháp luật. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ phản ánh để độc giả được rõ.

Còn nhớ, trụ sở UB xã đập đi xây mới, UB xã cho phép các gia đình tận dụng một số nguyên vật liệu phá dỡ về tự sửa chữa, cơi nới, xây dựng thêm một số công trình như bếp, sân, đường đi, cống rãnh, nhà vệ sinh… Nay những công trình cơi nới này lại không được chính quyền xã Ninh Hiệp đương nhiệm công nhận. Xã cho rằng các hộ đã tự ý xây dựng trái phép, và các hộ giáo viên đang bị chính quyền xã coi là những người vi phạm pháp luật.

Ông Chủ tịch xã tự tay ký Thông báo đòi lại nhà đất của những thầy giáo, cô giáo đã dạy dỗ mình. Người học trò Nguyễn Văn Tuấn năm xưa nay đương chức Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp nghĩ gì khi thấy cuộc sống khó khăn của các thầy cô, những người thầy đầu tiên đã dạy mình từng con chữ, những người đã gắn bó với sự nghiệp giáo dục hơn 40 năm ở quê hương Ninh Hiệp?

 

Bình luận

    Chưa có bình luận