Dòng người từ muôn nơi xếp hàng dài tới mấy tuyến phố giữa trời nóng bức trong nhiều giờ đồng hồ để được vào thắp nén hương trước di ảnh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Nhìn cảnh tượng ấy, chúng tôi càng quyết tâm làm thật tốt nhiệm vụ được giao, cũng để thể hiện tình cảm trân trọng, tiếc thương, tri ân một nhân cách lớn”, ê-kíp tường thuật trực tiếp Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam) tự nhủ.
Phía sau chương trình phát thanh trực tiếp Lễ Quốc tang
Ngay khi Trung ương Đảng phát đi thông báo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần vào 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024, Ban Thời sự (VOV1) - một trong những đơn vị chủ lực được giao nhiệm vụ tường thuật trực tiếp Lễ Quốc tang Tổng Bí thư - lập tức tổ chức kế hoạch sản xuất chương trình với kịch bản chi tiết, tỉ mỉ, dự kiến tất cả tình huống có thể xảy ra, chủ động và tính toán rất kỹ các điểm cầu, phóng sự, khách mời…
Nhà báo Nguyễn Vũ Duy - Trưởng Ban Thời sự, chỉ đạo nội dung chương trình cho biết: “Ban Thời sự đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Đài, huy động tổng lực các kênh sóng của Đài cùng tham gia chương trình này, đặc biệt là Kênh VOV Giao thông (VOVGT), các cơ quan thường trú (CQTT) trong nước, các CQTT nước ngoài để truyền tải tình cảm của cán bộ, đảng viên, nhân dân, kiều bào, cán bộ nhân viên của các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tình cảm của bạn bè quốc tế đối với Tổng Bí thư”.
Chương trình lấy điểm cầu trung tâm là Phòng phát thanh trực tiếp tại Ban Thời sự, đồng thời kết nối với các điểm cầu khác là: Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất tại TP.HCM; Nghĩa trang Mai Dịch và thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội - quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhà báo Nguyễn Thị Hằng Nga - Trưởng phòng Sản xuất chương trình, VOV1, tổ chức sản xuất, đạo diễn chương trình cho hay, dù đã chuẩn bị kỹ càng để lên sóng trực tiếp nhưng vẫn có những tình huống phát sinh, và ê-kíp sản xuất chương trình đã phải dùng đến các phương án dự phòng.
Câu chuyện thứ nhất, từ kịch bản ban đầu là tường thuật lần lượt bắt đầu từ điểm cầu Nhà tang lễ Quốc gia, đến TP.HCM, rồi Lại Đà, nhưng sau đó, lãnh đạo Đài yêu cầu các điểm cầu phải cùng lúc đan xen vào nhau. Bởi thế, ngày 26/7, ê-kíp đã phải chuyển đổi phương án, tổ chức lại đường truyền, phối hợp lại với các đầu cầu, thay vì tường thuật một lượt thì bây giờ các điểm cầu sẽ trở đi trở lại 2, 3 vòng.
Câu chuyện thứ hai, theo kịch bản, đơn vị tổ chức sản xuất chính là VOV1, để VOV2, VOV3 cũng như 63 đài PT-TH trên cả nước tiếp sóng. VOVGT sẽ lấy phần tường thuật trực tiếp của VOV1 về lễ truy điệu, lễ an táng, rồi tổ chức sản xuất chương trình riêng trong khoảng thời gian trên đường linh xa đưa linh cữu TBT Nguyễn Phú Trọng từ Nhà tang lễ Quốc gia đến Nghĩa trang Mai Dịch. Trong khoảng thời gian 1 tiếng 15 phút này, VOV1 sẽ hòa sóng với VOVGT tại 4 điểm: 14h, 14h15, 14h30 và 14h45. Thế nhưng lễ truy điệu kéo dài hơn 15 phút so với dự kiến nên tới gần 14h mới kết thúc phần tường thuật ở Nhà tang lễ. Vì vậy, kế hoạch phối hợp tổ chức giữa VOV1 với VOVGT bị xô lệch hoàn toàn.
“Chúng tôi đã phải xử lý tình huống, nhanh chóng đưa ra quyết định: Chỉ giữ một điểm hòa sóng vào 14h30 trong vòng hơn 2 phút, thay vì 4 điểm hòa sóng như dự kiến ban đầu”, nhà báo Hằng Nga cho hay.
Trước giờ di quan, ê-kíp sản xuất chương trình được thông báo đoàn xe tang trên đường đến Nghĩa trang Mai Dịch sẽ có một xe phá sóng điện thoại đi cùng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch nối cầu trực tiếp của phóng viên hiện trường tại 4 điểm cầu di động: gần Bảo tàng Lịch sử quân sự ở Điện Biên Phủ, Cầu Giấy, Nghĩa trang Mai Dịch và nhà của TBT ở phố Thuyền Quang. Vì vậy, lập tức chúng tôi có sự điều chỉnh, các phóng viên hiện trường nhìn thấy đoàn xe từ xa là phải gọi điện thoại truyền thông tin về trung tâm ngay, chứ không đợi đoàn xe đi ngang qua mới gọi điện sẽ bị phá sóng.
Làm phát thanh tường thuật trực tiếp Lễ Quốc tang, các ê-kíp tường thuật chịu nhiều áp lực của người đi hiện trường: Đó là phải theo dõi sát diễn biến tại hiện trường để mô tả một cách chính xác, sinh động, giúp thính giả nghe trên sóng phát thanh mà như được tận mắt chứng kiến các hoạt động tại hiện trường vào thời điểm đấy; Phải chuẩn bị thông tin, lọc lựa tư liệu kỹ càng để cung cấp thông tin nền về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, những đóng góp, cống hiến,… của Tổng Bí thư xen kẽ trong những khoảng thời gian trống; Phải chú trọng về ngôn ngữ, từ khóa liên quan đến Quốc tang như di quan, linh xa, linh cữu, di hài… chứ không dùng ngôn ngữ bình dân; mà hơn thế nữa, một mặt họ cầm sóng, một mặt phải nghe các hiệu lệnh, chỉ đạo ở trung tâm, phối hợp lúc ra, lúc vào sóng.
“Và biên tập viên được chọn lựa để tường thuật trực tiếp không phải chỉ có đủ khả năng, độ nhạy trong công việc mà còn phải có giọng nói đa sắc thái để thể hiện được các trạng thái cảm xúc phù hợp với từng trường đoạn, tình huống, lúc cần hào sảng, mạnh mẽ, chắc chắn, khi cần truyền cảm”, nhà báo Nguyễn Thị Hằng Nga cho hay.
Áp lực hiện trường
Là một trong hai người dẫn trực tiếp trên sóng tại Nhà tang lễ Quốc gia - nơi diễn ra hầu hết các lễ chính của Quốc tang: lễ viếng, lễ truy điệu, lễ di quan - nhà báo Vũ Thị Thu Hà cho biết, chị đã phải lên kịch bản rất chi tiết, trong đó chú ý cách sử dụng, lọc lựa tư liệu để làm nổi bật và xứng tầm với cuộc đời, sự nghiệp cũng như cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đất nước. Ê-kíp cũng kết nối với Bộ Ngoại giao để biết lịch trình các đoàn khách quốc tế đến viếng và những thông tin liên quan… Vì phối hợp, tường thuật trực tiếp, cùng lúc đan xen giữa các điểm cầu nên BTV phải cố gắng cập nhật nhanh nhất, sớm nhất, đầy đủ nhất có thể tất cả thông tin ở điểm cầu mình phụ trách.
Tác nghiệp tại Lễ Quốc tang, để quan sát được tất cả hoạt động ở hiện trường là điều không dễ dàng bởi có rất đông người. Trong khi đó, BTV vẫn chỉ được ngồi cách biệt ở cánh phải khu vực chờ của Nhà tang lễ, không được di chuyển tự do nên tầm quan sát bị hạn chế. “Đến khi làm lễ di quan, tôi thậm chí phải đứng lên hai tầng ghế, kiễng chân nhìn qua ô cửa kính để tường thuật, trong khi vẫn phải giữ được độ ổn định, phù hợp của giọng nói và đảm bảo công tác an ninh, không được làm ảnh hưởng đến những tác vụ của lực lượng phục vụ lễ tang”, Thu Hà cho hay.
Nghe BTV Vũ Thị Thu Hà đọc những lời được ghi trong sổ tang cho hàng triệu người dân Việt Nam nghe trên sóng, tôi cảm nhận được sự xúc động đến nghẹn lời của chị. Chị chia sẻ: “Qua những dòng ghi sổ tang, càng thấy rõ hơn tầm quan trọng, lớn lao của Bác, vị lãnh đạo mà nước ngoài đánh giá rất cao, xác đáng về sự đóng góp cho đất nước cũng như cho mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam với các nước khác. Tôi đã phải cố nén lòng, không để cảm xúc cá nhân lấn át để tường thuật được trọn vẹn”.
“Đó là những ngày tác nghiệp vô cùng đặc biệt” - nhà báo Văn Hải, phóng viên Phòng Tin tức thời sự, nói với tôi khi chia sẻ về những ngày cùng ê-kíp tường thuật trực tiếp tang lễ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trước 2 ngày quốc tang, ê-kíp đã sang thôn Lại Đà để nắm tình hình, địa điểm, chương trình tổ chức lễ tang để chuẩn bị nội dung phù hợp và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền trên sóng.
Theo nhà báo Văn Hải, khi nhận được thông tin hôm diễn ra Quốc tang có thể sẽ phá sóng điện thoại, trong khi đó tại điểm cầu Lại Đà, tác nghiệp chủ yếu qua điện thoại. Ngay buổi chiều hôm ấy, nhà báo Nghiêm Hùng - Trưởng phòng Tin tức thời sự, Kíp trưởng điểm cầu Lại Đà - đã phải làm việc với lãnh đạo Đảng ủy, Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh và Đảng ủy, UBND xã Đông Hội nhờ kết nối một đường dây điện thoại cố định trong khu vực tổ chức lễ truy điệu, phòng khi phá sóng điện thoại di động. Tối ấy, nhà báo Nghiêm Hùng đã phải ở lại, đợi đến khi tín hiệu thông suốt, đảm bảo cho phóng viên nối cầu thuận lợi rồi mới về, khi đó đã là nửa đêm.
Một vấn đề khá nan giải khác là tìm được khách mời ưng ý tham gia cầu phát thanh trực tiếp. Với khách mời là những người bạn của Tổng Bí thư, ê-kíp tường thuật có thể liên hệ trước để bàn thảo nội dung, thế nhưng ở những cầu phát thanh tiếp theo phải có sự khác biệt về khách mời để đảm bảo tính thời sự, tính mới mẻ. Vì vậy, ê-kíp quyết định tìm những khách mời từ tỉnh xa đến. Thế nhưng trong bối cảnh dòng người xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư nối dài tới nhiều ki-lô-mét, việc tìm được đúng người ở xa đến không phải chuyện dễ dàng. Hơn nữa, dù tìm được rồi thì đến giờ nối cầu lên sóng trực tiếp, khách mời đó có khi đã vào đến sân, không thể quay ra được. “Chúng tôi bàn nhau đứng ở vị trí lối ra, khi ấy, người dân đã kết thúc lượt viếng thì mình phỏng vấn khách mời sẽ được trọn vẹn cả về thời gian và cảm xúc”, nhà báo Văn Hải cho hay.
Ngoài ra, còn một tình huống khó lường là rất có thể câu trả lời của khách mời bị lạc hướng. Bởi vậy, người dẫn phải xử lý linh hoạt, khéo léo trao đổi với khách mời để câu trả lời phỏng vấn của họ phù hợp phát trực tiếp trên sóng. Nhà báo Văn Hải chia sẻ: “Việc quan sát của BTV trong lễ tang rất quan trọng. Bằng sự nhanh nhạy, quan sát tinh tế của nhà báo sẽ giúp BTV tìm được câu chuyện, nhân vật, chi tiết phù hợp với cầu phát thanh trực tiếp; đồng thời cũng giúp BTV nói có điểm nhấn, mới mẻ, thu hút người nghe trên sóng phát thanh”.
Ngoài sự chuẩn bị về “khách ruột”, ê-kíp còn tìm hiểu từ đồng nghiệp, từ mạng xã hội để biết thêm những nhân vật có câu chuyện hay về Tổng Bí thư. Chính bằng cách đó, ê-kíp đã tiếp cận được một nhân vật từng làm việc ở Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đã nghỉ hưu. Nhân vật này có người anh học cùng Tổng Bí thư. Người anh ấy kể với nhân vật rằng, ngày xưa, học sinh thường đi học qua ruộng ngô, khi đói thì bẻ bắp ngô ăn. Nhưng học trò nghèo Nguyễn Phú Trọng không làm như vậy. Chỉ có một lần, có lẽ do đói quá, cậu đã xuống ruộng bẻ bắp ngô ăn cho đỡ đói bụng, nhưng trước khi rời khỏi ruộng ngô, người học trò nghèo ấy đã đặt đồng tiền duy nhất trong túi mình vào chỗ cây ngô bị bẻ bắp.
Tìm được khách mời có câu chuyện cảm động như vậy về Tổng Bí thư, nhưng khách mời lại không vào được nhà văn hóa Lại Đà bởi việc quản lý an ninh rất nghiêm ngặt, trong khi thời gian lên sóng gấp gáp. Nhưng cũng rất may khách mời đó là người ở xã Đông Hội, có người nhà làm trong ngành an ninh nên được bảo lãnh cho vào, kịp tham gia cầu phát thanh trực tiếp.
“Sự thành công của cầu phát thanh trực tiếp phụ thuộc vào sự chuẩn bị kế hoạch chu đáo trước đó, nhưng cũng phụ thuộc vào sự linh hoạt trong quá trình tác nghiệp và nhiều khi có cả phần may mắn. Thế nhưng chúng tôi xác định may mắn chỉ đến khi mình cố gắng hết sức và mình phải chủ động chứ không thể bị động trông chờ vào may rủi”, nhà báo Văn Hải nhấn mạnh.
Đến Nghĩa trang Mai Dịch vào đúng 12h trưa, chứng kiến hàng nghìn người dân đứng dưới nắng hè chờ đợi linh xa chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua để tiễn đưa Tổng Bí thư, nhà báo Bùi Chuyên - 1 trong 2 BTV thực hiện tường thuật trực tiếp Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - dâng lên cảm xúc nghẹn ngào. Buổi tường thuật Lễ an táng TBT Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong khoảng 40 phút. Nhà báo Bùi Chuyên cho biết: “Chúng tôi ngồi tường thuật trong xe vệ tinh. Theo bố trí của Ban tổ chức lễ tang, xe vệ tinh của Đài Tiếng nói Việt Nam cách khu vực làm Lễ an táng khá xa nên rất khó quan sát nghi lễ an táng. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị phương án bắc thang để đứng lên quan sát. Ngoài việc quan sát trực tiếp từ hiện trường, chúng tôi còn quan sát qua một số góc quay trực tiếp từ camera cố định để miêu tả các nghi lễ an táng. Tôi đã nghẹn lời, lạc giọng khi nhìn phu nhân Tổng Bí thư - bà Ngô Thị Mận lau nước mắt, nghẹn ngào thả nắm hoa và thắp nén nhang lần cuối tiễn biệt người bạn đời”.
Để lại dấu ấn trong lòng thính giả
Nhà báo Đặng Hữu Thuần, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình (SX) cho hay: Việc chuẩn bị đường truyền tại các điểm cầu đã được Trung tâm SX chuẩn bị trước cả tuần. Trước Lễ Quốc tang mấy ngày, các kỹ sư của Trung tâm đã tới hiện trường để thử tín hiệu, đường truyền, lắp đặt thiết bị thu phát thanh lưu động và chuẩn bị các phương án ứng phó với thời tiết. “Chúng tôi liên hệ, phối hợp với điện lực, Viettel, VNPT để đến khảo sát hiện trường, lắp đặt, kéo dây. Sau đó chuẩn bị, sắp xếp, đo đạc kiểm tra thiết bị, chuẩn bị xe cộ, liên hệ bên Ban Tổ chức lễ tang để chốt thời gian đưa xe đến hiện trường. Trời mưa tầm tã suốt tuần đó nên việc triển khai đường điện khó khăn, mà như vậy thì không thử được tín hiệu nên chúng tôi rất lo lắng. Viettel không có điểm kết nối ở hiện trường nên việc kéo đường truyền vào đó cũng mất rất nhiều thời gian. May mắn là cuối cùng mọi việc suôn sẻ. Mặc dù chúng tôi đã lắp đặt và thử tín hiệu xong trước một ngày diễn ra Quốc tang, nhưng hôm sau, chúng tôi vẫn ngày 2 lần thử tín hiệu để chắc chắn không có sự cố xảy ra”.
Nhà báo Đặng Hữu Thuần cho biết thêm, theo đề nghị của Trung tâm, VNPT và Viettel đã cho người trực ở vòng ngoài, nếu có sự cố liên quan đến đường truyền, mất tín hiệu, chúng tôi sẵn sàng đổi thẻ cho họ vào xử lý. VNPT và Viettel rất nhiệt tình hỗ trợ nhà đài tác nghiệp. Điện lực còn mang đến một máy phát điện 5 ký, cử người trực, phòng khi có sự cố sẽ chuyển sang máy phát điện ngay.
Lần tường thuật trực tiếp Quốc tang này, Trung tâm đã lắp camera cố định để BTV quan sát được bao quát, tường thuật được dễ dàng, chi tiết, chính xác và đỡ vất vả hơn. Trung tâm đã huy động tổng lực tất cả 10 kỹ sư lưu động để phục vụ cầu phát thanh trực tiếp Lễ Quốc tang Tổng Bí thư, làm việc với tinh thần nỗ lực hết sức, không để xảy ra sai sót. Nhà báo Đặng Hữu Thuần cho hay, nhờ có Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng đưa ra quyết định tất cả thẻ vào để dành cho nhóm tường thuật trực tiếp nên chúng tôi mới có đủ số thẻ vào cần thiết và yên tâm có đủ số người làm việc.
Chia sẻ về sự quan tâm của lãnh đạo Đài đối với chương trình phát thanh trực tiếp Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà báo Hằng Nga cho hay, các lãnh đạo Đài trực tiếp chỉ đạo, lưu ý chương trình phải khắc họa được hình ảnh cao đẹp của TBT Nguyễn Phú Trọng và tình cảm yêu mến của nhân dân, bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư. Phó Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Hùng rất sát sao và nắm bắt nhanh mặt bằng thông tin của báo chí, mạng xã hội, dư luận quần chúng nhân dân, từ đó chỉ đạo VOV1 tổ chức sản xuất chương trình cho xứng với tầm vóc của Tổng Bí thư. Ngay khi tường thuật trực tiếp, Phó TGĐ Phạm Mạnh Hùng đã sang Phòng sản xuất trực tiếp để chỉ đạo sản xuất chương trình cho phù hợp với diễn biến thực tế. “Trên cơ sở chỉ đạo đường hướng rõ nét như thế của lãnh đạo Đài, chúng tôi tổ chức sản xuất chương trình, xây dựng kế hoạch cụ thể và đã có một chương trình phát thanh trực tiếp để lại dấu ấn trong lòng thính giả”, nhà báo Hằng Nga bày tỏ./.