Từ 1/7/2024, lương cơ sở tăng thêm 30% (mức cao nhất trong lịch sử) từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Ước tính 2,78 triệu cán bộ, công chức, viên chức khu vực công (chưa bao gồm lực lượng vũ trang) được hưởng lợi. Điều đáng mừng là trái với những lần tăng lương trước, lần này giá cả không tăng “dẫn trước” lương.
Bát bún tăng giá chả đáng?
Từ đầu năm đến giờ, hàng bún riêu cua của chị Hà Thị Thanh Yên, phố Trần Huy Liệu, Hà Nội vẫn duy trì mức giá 30.000 đồng/bát. Khi có người hỏi: Lương tăng rồi, sao không thấy tăng giá bún? Chị Yên thẳng thắn đáp: “Tăng giá một bát bún thì đáng bao nhiêu? Giờ ai cũng không rủng rỉnh, tăng giá rồi giảm khách đi thì chả có lợi. Với lại các mối bán thịt bò, đậu, cà chua, bún,... cho tôi cũng không tăng giá thì sao tôi phải tăng?”.
Không chỉ hàng bún của chị Yên, mà rất nhiều hàng quán, điểm kinh doanh dịch vụ khác không “nhân tiện” đợt điều chỉnh lương lần này để lập nên mặt bằng giá mới. Nếu có, là một chút điều chỉnh đối với hàng hóa lương thực thực phẩm do nhu cầu thế giới tăng cao dẫn đến nông sản Việt Nam được mua với giá cao hơn.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,48%; lạm phát cơ bản tháng 7 tăng 0,36%, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Đây là yếu tố tích cực khi tình hình thế giới 7 tháng qua diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, trong đó có biến động chính trị, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, xung đột leo thang ở Ukraine, Biển Đỏ, dải Gaza. Kinh tế toàn cầu còn rủi ro, có tín hiệu phục hồi song thiếu vững chắc, thiếu đồng đều với giá USD, Fed chưa cắt giảm lãi suất... Theo nhận định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ở trong nước, thời cơ và thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dù vậy, tăng trưởng được thúc đẩy ở cả ba khu vực công, nông nghiệp và dịch vụ. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, phân tích, việc tăng lương cơ sở 30% đối với người hưởng lương và 15% với người hưởng lương hưu cho thấy một sự cố gắng của Nhà nước khi điều kiện thu chi tài chính trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Quan sát trên thị trường một tháng sau tăng lương có thể thấy, nhìn chung giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng tương đối ổn định. Các siêu thị, trung tâm thương mại với sức mạnh thu mua đã cơ bản đảm bảo được lượng hàng hóa phong phú dồi dào, giá cả tương đối ổn định, ngoài ra còn có các đợt khuyến mại tập trung giảm giá từ 10 - 20% cho một số mặt hàng, đem lại dư luận xã hội tích cực về việc phục vụ tốt cho giá cả và đời sống dân sinh.
Nhưng không phải ai cũng dễ dàng duy trì mức giá bán trước đó. Anh Đình Sơn - chủ quầy bánh mì trên phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội - cho biết: “Một số loại nguyên liệu tăng giá bán một chút, nên để giữ cho giá bán bánh không tăng, tôi buộc phải giảm bớt quyền lợi nho nhỏ của khách như không được miễn phí một cốc sữa đậu nành khi mua bánh, lượng gia giảm cũng bớt đi một chút. Nếu không làm như vậy, tôi khó tồn tại, mà tăng giá bán thì tôi không muốn, dù mức giá này tôi đã giữ 5 năm rồi”.
Kiềm chế lạm phát trong ngưỡng cho phép
“Chúng ta đều biết đồng lương thực tế của người lao động mới là quan trọng, bởi nếu tăng lương mà không giữ được ổn định giá cả một cách tương đối thì lương thực tế không đảm bảo, đời sống không được cải thiện nhiều. Chính phủ đã sớm nhìn thấy vấn đề này và đã có công điện gửi các địa phương, bộ, ngành trong cả nước về việc kiểm soát giá cả sau tăng lương, đảm bảo không có những tăng giá đột biến, xử lý nghiêm các hiện tượng đầu cơ nâng giá bất hợp pháp và vô lý trên thị trường sau khi tăng lương” - chuyên gia Vũ Vinh Phú phân tích.
Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia thị trường giá cả đánh giá: “Nguyên nhân của việc lương tăng nhưng giá chưa tăng chủ yếu nhờ hoạt động điều hành của Chính phủ, từ chuẩn bị hàng hóa đảm bảo cung cầu, đến chính sách tài chính, tiền tệ phù hợp. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại được tiến hành hiệu quả. Thêm vào đó, có một thực tế là nền kinh tế và người dân đã trải qua gần 3 năm đại dịch và hơn 1 năm “hậu đại dịch”, đến năm nay mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi thực sự, nên khả năng chi tiêu còn thấp”.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khẳng định: Một yếu tố cũng cần nhấn mạnh, đó là sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp, hàng hóa dồi dào phong phú, mua bán thuận tiện, các phương thức bán hàng được đa dạng bao gồm cả bán hàng trực tiếp và bán hàng onlnie trên các nền tảng số, cắt bỏ các khâu trung gian không cần thiết, một yếu tố làm đẩy giá bán lẻ tăng vô lý trên thị trường nội địa. Sau 7 tháng, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân tăng 4,2% so với năm trước. Đó là một kết quả đáng khích lệ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau một tháng tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng mà lạm phát tăng không đáng kể. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, sức ép lạm phát vẫn cao, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Do đó, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để “tạo đột phá”, thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%.
Cụ thể, theo đề xuất của Tiến sĩ Ngô Trí Long, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến kinh tế như chính sách tài chính, chính sách tiền tệ, chính sách thương mại và chính sách quản lý thị trường,... các nhà quản lý cần thực hiện đồng bộ các chính sách này để đảm bảo tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế. Trong đó, chính sách tiền tệ là quan trọng nhất. Trên thực tế, những giải pháp linh hoạt đối với điều hành thị trường vàng đã giúp cho thị trường bớt hỗn loạn và tâm lý của người tiêu dùng ổn định hơn.
Còn chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng: Cần thúc đẩy sản xuất phát triển, đảm bảo hàng hóa dồi dào, đi đôi với tổ chức hệ thống logistic, phát triển hệ thống phân phối rộng khắp, các nhà bán lẻ mở rộng cửa đón hàng Việt để phục vụ nhân dân. Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chống gian lận thương mại đầu cơ tăng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm những vi phạm, khen thưởng những đơn vị làm ăn tử tế có trách nhiệm với người tiêu dùng. Cơ quan báo chí cần có tuyên truyền khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong mấy năm qua./.
Tại kỳ họp thường kỳ tháng 7/2024, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các thành viên Chính phủ đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp, các lĩnh vực trọng tâm, tạo đột phá trong tháng 8, quý III và những tháng cuối năm, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 7%. Chính phủ yêu cầu các ngành và địa phương phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả”, tăng cường giám sát, kiểm tra, thi đua khen thưởng, xử lý vi phạm kịp thời. |