Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 6, tính chung 7 tháng tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. Đáng chú ý, cũng trong tháng 7, chúng ta thực hiện tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể.
Trong xu thế tích cực của tình hình kinh tế 7 tháng năm 2024, Báo TNVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - về những kết quả này và dự báo cho nửa còn lại của năm 2024.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả tăng trưởng kinh tế tháng 7 và 7 tháng năm 2024, đặc biệt là ở 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ-du lịch?
Các con số của Tổng cục Thống kê cho thấy, kinh tế tháng 7 và 7 tháng của năm 2024 có kết quả khá tích cực, thể hiện ở mấy điểm:
Thứ nhất, trong lĩnh vực công nghiệp, tăng trưởng kinh tế tháng 7 tăng 0,7% so với tháng 6, tính chung 7 tháng của năm 2024 công nghiệp tăng tới 8,5%.
Thứ hai, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 đạt 54 điểm, là mức cao nhất từ năm 2020 đến nay.
Thứ ba, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Các cân đối lớn về vĩ mô được đảm bảo. Lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 4,12%, lạm phát cơ bản tăng 2,73%. Đây là thành tựu tốt vì khi tăng lương cơ bản thường đi kèm với tăng giá. Vừa qua, ta tăng lương cơ bản nhưng lạm phát như vậy là ở mức vừa phải.
Thứ tư, xuất khẩu tiếp tục tăng trong bối cảnh kinh tế thế giới có những bất định và phức tạp. Xuất khẩu tháng 7 tăng 6,7% so với tháng 6 và tính chung 7 tháng, xuất khẩu tăng 15,7%. Trong đó, khu vực trong nước tăng 21,1%, cao hơn mức tăng 13,8% của khu vực FDI, xuất siêu đạt 14 tỷ USD.
Thứ năm, thu hút FDI tiếp tục tăng trong bối cảnh có nhiều bất ổn ở nhiều khu vực trên thế giới và dòng FDI quốc tế đang được cơ cấu lại. Thu hút FDI vào Việt Nam đạt 18 tỷ USD, tăng gần 11%; vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%. Đây tiếp tục là một thành tựu nổi bật.
Thứ sáu, về dịch vụ, du lịch đã phục hồi và thậm chí vượt cùng kỳ trước đại dịch. Khách du lịch quốc tế tháng 7 đến Việt Nam đạt 1,15 triệu lượt; tính chung 7 tháng đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ 2023 và tăng 1,9% so với cùng kỳ 2019 là năm trước khi có đại dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tính chung 7 tháng năm 2024 tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ bảy, về nông nghiệp, sản lượng các mặt hàng nông nghiệp tăng ở mức 2 - 5%. Ví dụ tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 7/2024 tăng 3,0% so với cùng thời điểm năm 2023; tổng số gia cầm tăng 2,6%,...
Như vậy, có thể thấy 7 tháng qua, kinh tế đang phục hồi tốt, có những lĩnh vực phục hồi vượt mức của năm 2019 là năm trước khi có đại dịch Covid-19.
Trong những kết quả ấy, theo ông, đâu là những yếu tố kém ổn định, thiếu bền vững và có khả năng ảnh hưởng đến kết quả những tháng cuối năm?
Theo tôi, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, các động lực tăng trưởng truyền thống vẫn là xuất khẩu, FDI, du lịch và các dịch vụ khác. Những yếu tố này phụ thuộc rất nhiều vào thị trường bên ngoài. Trong khi đó như chúng ta biết, các bất ổn ở khu vực Trung Đông, Châu Phi, xung đột Nga - Ucraine đang có diễn biến rất khó lường. Lúc nào cũng có thể bùng nổ chiến tranh toàn diện ở khu vực, thậm chí là chiến tranh thế giới dẫn đến đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ. Những xung đột như vậy mà xảy ra sẽ làm cho các thành tựu kinh tế đã kể trên trở nên kém ổn định, thiếu bền vững. Ví dụ như xung đột mà nổ ra ở Trung Đông có thể làm đứt gãy chuỗi logistics, làm ảnh hưởng đến nguồn cung và việc chuyên chở hàng xuất nhập khẩu. Xung đột xảy ra cũng có thể làm giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều thị trường trên thế giới do người dân lo ngại rủi ro nên giảm bớt chi tiêu, tăng tiết kiệm để đề phòng rủi ro. Hệ quả là cầu của thế giới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm và giảm xuất khẩu đến lượt nó làm giảm tăng trưởng vào những tháng cuối năm. Như vậy, các yếu tố bên ngoài có vai trò quan trọng trong việc làm ảnh hưởng và làm giảm tính bền vững của các yếu tố vốn là thành công của 7 tháng vừa qua. Đấy là chưa kể các yếu tố bên ngoài còn có yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu là các yếu tố khách quan, với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan có thể làm ảnh hưởng nhiều đến các thành tựu ở các ngành nông lâm nghiệp và dịch vụ.
Vậy yếu tố nào quyết định thành công cho nửa cuối năm 2024, thưa ông?
Những yếu tố quyết định thành công cho nửa cuối năm 2024 theo tôi là tổ hợp cả bên ngoài và bên trong. Bên ngoài bao gồm các yếu tố liên quan đến xuất khẩu, dòng FDI và du lịch vào Việt Nam. Nếu có các cú sốc bên ngoài sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến những yếu tố đó và làm suy giảm tăng trưởng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan kèm theo có thể làm cho các cơn bão lớn hơn, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn gây thiệt hại về người và của, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và trồng trọt ở trong nông nghiệp.
Còn bàn về các yếu tố bên trong, theo tôi, tiêu dùng của thị trường nội địa trở nên ngày càng quan trọng hơn. Tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng càng ngày càng có đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Do vậy, kích cầu nội địa có vai trò rất quan trọng. Thêm vào đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp của Việt Nam hoạt động có vai trò quan trọng không kém. Hoàn thiện thể chế chính sách ở thị trường trong nước là rất quan trọng để khuyến khích sự phát triển của khu vực ngoài nhà nước, tăng đầu tư công, qua đó làm tăng sự đóng góp của trụ cột đầu tư cho tăng trưởng. Các yếu tố bên trong cũng bao hàm các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới liên quan đến số. Nếu phát huy tốt vai trò của các yếu tố này thì tăng trưởng của ta có thể ở mức cao hoặc khá cao.
Theo ông, để giữ vững mức tăng trưởng và kiềm chế lạm phát như trong 7 tháng vừa qua, trong điều kiện tăng lương cơ bản, chúng ta phải giải quyết những khó khăn gì?
Bên cạnh đó, thông thường tăng lương cơ bản thường có hiện tượng tăng giá kỳ vọng quá mức. Mức tăng giá này thường bị thái quá và phải mất một thời gian rồi mới có thể tự điều chỉnh lại về mức cân bằng của cung cầu thị trường. Do vậy, sự minh bạch thông tin về cung cầu, tính đầy đủ thông tin về sự sẵn sàng can thiệp kịp thời của Nhà nước để đảm bảo lạm phát trong tầm kiểm soát sẽ có vai trò quan trọng làm cho thị trường có niềm tin rằng, lạm phát cao không thể xảy ra. Các hành vi tự nâng giá “ăn theo” tăng lương sẽ bị hạn chế và được kiểm soát tốt hơn.
Còn để giữ vững và phấn đấu mức tăng trưởng cao thời gian từ nay đến cuối năm thì chúng ta phải tiếp tục phát huy vai trò của các trụ cột tăng trưởng truyền thống như xuất nhập khẩu, tiếp tục thu hút dòng FDI chất lượng, thu hút du lịch cả trong và ngoài nước và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia như đường cao tốc, các công trình hạ tầng năng lượng sẽ là các trụ cột quan trọng đóng góp cho tăng trưởng.
Bên cạnh đó, cần chú ý đến vai trò của các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, trong đó có thương mại điện tử, các loại hình kinh tế mới có liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mặc dù chuyển đổi xanh phải có tính dài hạn hơn. Kinh tế số đang đạt tăng trưởng hai con số và tiềm năng còn rất nhiều nên cần phải tiếp tục chú trọng tạo điều kiện để cho kinh tế số phát huy vai trò của mình cho tăng trưởng. Như vậy, giải pháp cụ thể để đẩy mạnh chuyển đổi số và hỗ trợ các chủ thể trong xã hội để chuyển đổi số phải được triển khai mạnh mẽ trên thực tế.
Trong bối cảnh đó, ông xác định kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa cuối 2024 sẽ như thế nào?
Thời điểm này là khó khăn nhất để đưa ra dự báo. Lý do là bối cảnh bên ngoài hiện nay đang có quá nhiều yếu tố thay đổi nhanh chóng, bất ổn, rủi ro và khó đoán định. Bên cạnh các vấn đề bất ổn của các khu vực trên thế giới, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sẽ có ảnh hưởng đến một số chính sách đối ngoại của Mỹ, có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Quy mô, cường độ của các cuộc trả đũa lẫn nhau giữa các cường quốc về thương mại và đầu tư đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ cùng với EU tiếp tục cấm vận Nga cũng sẽ có ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam.
Các tổ chức quốc tế (WB, IMF, ADB và OECD) dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,5 - 1,0 điểm phần trăm, lần lượt ở các mức 5,5%; 5,8%; 6,0% và 6,0%. Tôi cho rằng, với giả định là các điều kiện của thời gian cuối năm không thay đổi so với thời điểm hiện nay, có nhiều cơ sở để dự đoán rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay có thể đạt 6,6 - 6,7%. Lý do là vì thông thường hai quý sau tăng trưởng thường cao hơn hai quý trước. Tăng trưởng 2 quí đầu của năm 2024 đã là 6,42%. Do đó, hai quý sau tôi cho rằng tăng trưởng sẽ ở mức cao hơn con số đó. Còn nếu cẩn thận hơn, cần phải sử dụng mô hình định lượng kinh tế vĩ mô để dự báo thì sẽ có cơ sở hơn cho việc dự báo. Dù sao, khi nhìn tổng thể, bên cạnh các động lực tăng trưởng đang được khai thác khá tốt, cộng với các thị trường hàng hóa và dịch vụ đã được hồi phục gần như hoàn toàn, tôi tin rằng, kinh tế 2024 của Việt Nam sẽ có những kết quả tích cực.
Xin cảm ơn ông!
Thành Công - Thu Thùy thực hiện