Nam Định: Những 'đại lộ' chiến lược mở rộng không gian phát triển

  • 08/12/2023 12:00:00
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang được gấp rút triển khai sẽ trở thành động lực, đầu mối giao thông liên vùng quan trọng của tỉnh Nam Định.

 

Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang được gấp rút triển khai sẽ trở thành động lực, đầu mối giao thông liên vùng quan trọng của tỉnh Nam Định.

Loạt dự án lớn đẩy nhanh tiến độ  

Xác định “giao thông đi trước, mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội”, tỉnh Nam Định đã huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ, tạo tiền đề để tỉnh trở thành “nam châm” thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như tạo động lực cho liên kết vùng. Hiện nhiều dự án giao thông trọng điểm đang được Nam Định tăng tốc triển khai, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Có thể kể đến dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển với tổng mức đầu tư 5.995 tỷ đồng. Đây là tuyến đường chiến lược kết nối trung tâm thành phố Nam Định với các huyện phía Nam và Đông Nam của tỉnh, là trục dọc hướng tâm kết nối các tuyến vành đai I, II, III của thành phố Nam Định, thay thế vai trò QL.21. Tuyến có kết nối liên thông với tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đang được nghiên cứu đầu tư và kết nối trực tiếp với tuyến đường bộ ven biển, đáp ứng định hướng phát triển, khai thác tiềm năng ven biển khu vực huyện Giao Thủy.

Hay là các như dự án xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng mức đầu tư 5.326,5 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Nam Định có tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, nhằm cụ thể hóa tuyến đường bộ ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/01/2010, khi hoàn thành sẽ góp phần hình thành hành lang ven biển Bắc-Nam từ Quảng Ninh tới Kiên Giang nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có biển, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước.

Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng nhằm mục tiêu kết nối các tuyến giao thông quan trọng của tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định, từng bước hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, tăng cường tính liên kết nối vùng và liên vùng khu vực đồng bằng sông Hồng, giảm tải cho hệ thống giao thông hiện có, rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển cho người tham gia giao thông.

Ông Đinh Văn Phương, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của các dự án đã được thực hiện khẩn trương, cơ bản đáp ứng tiến độ được giao; tổ chức thi công trên tuyến, đảm bảo tiến độ. Từ quý I năm 2024 đến năm 2027, các dự án lần lượt hoàn thành đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch đề ra.

Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc

Đặc thù các dự án giao thông có tuyến trải dài qua nhiều huyện, thành phố, qua các khu dân cư đông đúc cũng như qua các khu canh tác, nuôi trồng của người dân. Trong khi đó, cơ chế chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư còn chưa phù hợp với thực tế. Vì thế nên công tác GPMB không thể tránh khỏi những khó khăn vướng mắc. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phối hợp của các ban ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là Ban chỉ đạo GPMB các dự án trọng điểm mà Trưởng ban là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo, nên công tác GPMB các dự án đầu tư ở tỉnh Nam Định cơ bản đảm bảo tiến độ.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19, căng thẳng leo thang giữa Nga- Ukraine, xung đột ở Dải Gaza gây ảnh hưởng đến nền kinh tế cả thế giới cũng như Việt Nam; dẫn đến giá nhiên liệu xăng-dầu và một số loại vật liệu tăng cao đột biến vận chuyển nguyên vật liệu khó khăn, một số nhà sản xuất nguyên vật liệu tạm ngưng hoạt động gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án, các đơn vị thi công chưa thể tập trung thi công nhanh do thiếu nguyên vật liệu trong một số thời điểm. Cùng với đó là khối lượng vật liệu đắp đưa vào các dự án giao thông rất lớn mà nguồn cung từ các mỏ vật liệu còn hạn chế, cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Ngoài ra, để thực hiện thành công một dự án đầu tư phải trải qua rất nhiều giai đoạn, công tác GPMB trải dài liên quan đến nhiều địa phương, các Bộ, ngành liên quan. Việc cập nhật, tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, thẩm duyệt PCCC, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, công tác thỏa thuận về quy hoạch, về thông số kỹ thuật công trình... ít nhiều ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Định hướng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới của tỉnh Nam Định là tiếp tục thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết hợp phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với các loại hình vận tải khác hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, đủ khả năng kết nối phát triển vận tải đa phương thức, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế xã hội của tỉnh và kết nối vùng, khu vực.

Trong đó, tỉnh ưu tiên hoàn thiện các dự án giao thông kết nối vùng, các tỉnh lân cận, đường vành đai thành phố Nam Định và các trục đường xuyên tâm, đặc biệt kết nối với hệ thống đường huyết mạch quốc gia. Tỉnh Nam Định hiện có 4 con sông lớn là sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ, có 3 mặt giáp sông và giáp biển nên hiện nay các phương tiện giao thông vẫn lưu thông qua thành phố Nam Định do thiếu các đường tránh thành phố và các cầu vượt sông.

Các dự án giao thông khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng sẽ mở ra không gian phát triển mới, phát huy được tiềm năng và khai thác có hiệu quả quỹ đất, tài nguyên biển, rút ngắn quãng đường vận chuyển, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu kết nối sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận