Du lịch bước đi thế nào để thu hút nhân lực?

Nhân lực du lịch sẽ phục hồi với những bước đi như thế nào?

 

Ngành du lịch đang bước những bước đầu tiên trên con đường phục hồi sau đại dịch Covid-19. Hơn 2 năm đóng băng với 90% doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể, người lao động ngành du lịch phải chuyển nghề để mưu sinh. Nhân lực du lịch sẽ phục hồi với những bước đi như thế nào?

Đã thiếu lại càng thiếu

Gia đình chị Linh (Minh Khai, Hà Nội) cả 2 vợ chồng cùng làm việc trong ngành du lịch. Khi đại dịch Covid-19 nổ ra, gia đình chị Linh chịu ảnh hưởng nặng nề do cả 2 vợ chồng đều mất việc. Chị Linh làm quản lý 1 khách sạn trong khu phố cổ. Chồng chị Linh là hướng dẫn viên du lịch quốc tế “đắt giá”, nhưng sau vài lần bị ngừng công việc, dù rất đam mê, yêu nghề, nhưng 2 vợ chồng vẫn quyết định chuyển sang công việc kinh doanh online, bán đặc sản quê hương. Đến nay, việc bán hàng online đã đi vào ổn định, có thu nhập tốt và khách hàng thường xuyên. Mặc dù du lịch mở cửa trở lại nhưng gia đinh chị Linh đã không còn mặn mà với nghề cũ nữa bởi nỗi lo thay đổi và tâm lý mưu cầu cuộc sống ổn định cho gia đình.

Anh Nguyễn Khắc Tiệp, hướng dẫn viên khách inbound (khách quốc tế đến Việt Nam) và outbound (khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài) hiện phải chuyển sang nghề taxi công nghệ vì mất việc do dịch Covid-19, công việc hướng dẫn viên quốc tế gần như không có. Anh Tiệp chia sẻ: “Rất nhiều hướng dẫn viên đã phải chuyển nghề để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Có người làm lái xe công nghệ, không ít người thử sức trong lĩnh vực tư vấn bất động sản, bảo hiểm, bán hàng online...”.

Đại dịch Covid-19 khiến công việc hướng dẫn viên du lịch gặp nhiều khó khăn.

Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, nước ta có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể lực lượng lao động ở những mảng công việc có liên quan. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 18% số DN đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% số DN cho từ 50 - 80% nhân viên nghỉ việc; 75% có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với lao động bị mất việc làm. Sở Du lịch Hà Nội cho biết, số lao động tạm thời nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động tại các DN lữ hành, vận chuyển chiếm khoảng 50 - 90%.

PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Du lịch khách sạn, Trường ĐH KTQD Hà Nội, cho biết: Thực trạng thiếu nhân lực du lịch hiện nay có thể nói là “quay về thực trạng cũ và trầm trọng hơn”. Vốn ngành du lịch đã thiếu nhân lực trầm trọng từ trước đại dịch bởi theo số liệu thống kê năm 2019, ngành du lịch thiếu 125.000 lao động. Trong đại dịch, các DN du lịch phải giãn việc, cho nghỉ việc nhiều. Một phần lao động chuyển làm việc khác và đã ổn định. Trong khi đó du lịch không còn đủ hấp dẫn để thu hút lao động mới. Hậu quả là số lượng lao động giảm sút nhiều. Đây là bài toán khó đối với ngành du lịch trong giai đoạn phục hồi đang rất cần lao động chất lượng cao.

Thiếu nhân lực ngành du lịch thời kỳ hậu Covid-19 là vấn đề đã được các chuyên gia dự báo từ cuối năm 2021 khi tỷ lệ tiêm phòng vaccine được phủ rộng, các chuyến bay quốc tế mở cửa trở lại. Thời điểm đó, nhiều cuộc hội nghị, hội thảo bàn nhằm “giải bài toán” nhân lực đã triển khai. Tuy nhiên, do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên các DN vẫn rụt rè trong việc tuyển dụng, đào tạo lao động.

Vừa thiếu, lại yếu

Trong 2 năm vừa qua, hầu hết các DN du lịch chỉ giữ lại lực lượng chủ chốt để làm “bộ khung” cho sau này phục hồi. Rất nhiều lao động chất lượng cao đã chuyển nghề khác để mưu sinh, rất khó để “kéo” nguồn nhân sự chất lượng cao này quay lại với du lịch khi họ đã có cuộc sống mới và thiếu lòng tin đối với tính ổn định của ngành du lịch trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay.

Giải pháp cải thiện vấn đề nhân lực trong ngắn hạn là tổ chức những khóa học du lịch lữ hành thực tế

CEO VietSense Travel, ông Nguyễn Văn Tài, nhận định, khi Covid-19 được khống chế, du lịch sẽ bật dậy rất nhanh sau thời gian dài bị dồn nén. Nhưng lúc đó, nhân lực du lịch có thể đã “ấm chỗ” với những công việc khác và không thiết tha quay lại, khiến nguy cơ thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, đặc biệt là những người có thâm niên, có chất lượng cao. Giải pháp giúp cải thiện vấn đề này trong ngắn hạn là tổ chức những khóa học du lịch lữ hành thực tế. Trong đó, tập trung đào tạo kỹ năng hành nghề cho từng vị trí cụ thể như sale tour, điều hành, tiếp thị… để học viên có thể đảm nhiệm được các công việc khác nhau.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sau 2 năm đóng băng, nguồn nhân lực du lịch hiện tại vừa thiếu lại yếu do lực lượng lao động chất lượng cao đều đã chuyển nghề ổn định, rất khó quay lại. Lực lượng lao động mới dù được đào tạo dài hạn ở các trường đại học, cao đẳng,… nhưng khi tuyển dụng làm việc hầu hết DN lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ.

Bước đi thế nào?

Nhận định về tình trạng hao hụt nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, cho rằng, dịch Covid-19 là dịp để các DN du lịch chú tâm tìm cách thay đổi nếu muốn tồn tại và phát triển. Các đơn vị cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn về phương thức quản lý, kinh doanh cũng như điều hành. Đây cũng là cơ hội để sắp xếp lại bộ máy, đánh giá, sàng lọc nhân viên, tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới sự phát triển bền vững.

Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam giai đoạn trước đại dịch Covid-19 cho thấy, mỗi năm, toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Thế nhưng, lượng sinh viên, học viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm. Trong số đó, chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Trước đòi hỏi cấp bách của việc bổ sung nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực hiện có, một số công ty lữ hành trên địa bàn Hà Nội đã “bắt tay” với các trường đại học có chuyên ngành du lịch để hợp tác đào tạo, tìm nguồn cung cấp nhân lực mới. Một số công ty lữ hành uy tín, như VietSense, AZA, Ascend travel… đã liên kết tổ chức các buổi huấn luyện cho nhân viên và sinh viên học chuyên ngành du lịch.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, người khởi xướng hoạt động đào tạo này, những lớp tập huấn chủ yếu do giám đốc các DN du lịch chia sẻ kiến thức thực hành, mục đích là nâng cao khả năng thích ứng với thị trường, tạo cơ hội cọ xát thực tế cho các học viên. Sau các khóa huấn luyện, các công ty sẽ thực hiện tuyển dụng từ nguồn do chính mình đào tạo. “Đây là cách để các công ty tránh bị mất nhân lực, đồng thời có thể tái đào tạo, nâng cao kỹ năng cho nhân viên theo đúng nhu cầu của đơn vị mình”, ông Nguyễn Văn Tài cho hay.

PGS.TS Phạm Trương Hoàng cho rằng, vấn đề đào tạo, nhất là đào tạo đại học không thể giải quyết ngay nhu cầu của DN được. Để giải quyết vấn đề trước mắt, cần thúc đẩy đào tạo ngắn hạn cho lao động phổ thông, mở lớp học miễn phí cho lao động thời vụ. Có thể phối hợp với DN dưới hình thức: DN tuyển, trả lương, nhà nước đào tạo. Người lao động vẫn có lương và dần dần được đào tạo, DN có lao động.

Cùng chung ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng, Trưởng khoa Khách sạn - Du lịch, Trường ĐH Thương mại, nhận định: Đây cũng là cơ hội để các DN kiện toàn bộ máy nhân sự, đổi mới phương thức quản lý, điều hành để thích ứng với điều kiện bình thường mới. Các DN cần thống kê, rà soát, sàng lọc nhân sự hiện tại để bố trí sử dụng và xác định đào tạo lại cho phù hợp; sử dụng lao động thời vụ, có thể liên kết với các trường đào tạo để sử dụng thực tập sinh, vừa tạo nguồn cho DN; đào tạo lại nhân sự, đồng thời đào tạo bổ sung đối với lao động thời vụ; bố trí sử dụng nhân sự linh hoạt, luân chuyển giữa các bộ phận nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí; có chính sách đãi ngộ hợp lý, phù hợp với vị trí việc làm để thu hút nhân sự; kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và các đơn vị liên quan có chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo cho DN.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận