Đề xuất giải pháp phục hồi, phát triển du lịch

Đón chào năm mới 2022 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Việt nam cần sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch.

 

Đón chào năm mới 2022 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Việt nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới cần sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch.

Nắm bắt cơ hội để không bị lỡ nhịp, vào những ngày cuối cùng của năm 2021, tại Nghệ An, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức “Hội thảo du lịch 2021” nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp du lịch, lãnh đạo các địa phương; khảo sát tại các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, một số địa phương và làm việc với các bên liên quan, tập trung vào các vấn đề: Đánh giá thực trạng du lịch Việt Nam dưới tác động của tình hình Covid-19 và nhận diện thời cơ, thách thức sau khi dịch bệnh kết thúc; đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi du lịch; đề xuất, kiến nghị các giải pháp cấp bách và dài hạn phát triển du lịch bền vững.

Cần nhiều sản phẩm du lịch, như các chương trình nghệ thuật đặc săc để thu hút du khách.

Mở cửa thống nhất, bền vững, an toàn

Các đại biểu đều cho rằng, cần phải tính toán để mở cửa, dũng cảm mở cửa để đón đầu xu thế của thế giới và tạo sức bật cho lực cầu du lịch nội địa. Chuyên gia cao cấp Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, cho biết: “Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, đại diện chính cơ sở đào tạo du lịch,... thảo luận về các vấn đề liên quan đến phục hồi và phát triển du lịch. Đa số các đại biểu đều cho rằng, phục hồi kinh tế không thể không phục hồi du lịch và cần dũng cảm mở cửa đất nước, mở cửa kinh tế, mở cửa du lịch. Đồng thời, số hóa để hạn chế tiếp xúc, phát triển du lịch không chạm, đơn giản tối đa để mở cửa du lịch, tích hợp các biện pháp an toàn. Bên cạnh đó, cần có những chính sách tài khóa, tiền tệ, giải pháp thể chế và số hóa để hỗ trợ du lịch tồn tại, phát triển. Tính toán việc định hướng dài hạn và đầu tư thỏa đáng hơn nữa để phát triển du lịch”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, lãnh đạo Tổng cục Du lịch và các đại biểu nói nhiều đến việc mở cửa nhưng dù có mở thế nào đi chăng nữa mà không an toàn thì không ai đến. Ngay cả trong nước không an toàn thì du lịch nội địa cũng không phát triển được. “Vì thế, chúng ta vẫn phải thực hiện tốt các công tác phòng chống dịch. Theo tôi, không nên quá nóng vội. Chúng ta mở cửa cho Phú Quốc, làm thật chắc chắn, kiểm soát thật tốt dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất. Trong thời gian đó, làm tốt công tác chuẩn bị, tự đổi mới mình, sẵn sàng cho tới khi an toàn thì tốt hơn là vội. Mở ra và đóng vào nguy hiểm hơn là chuẩn bị rất tốt rồi mở một cách chắc chắn”, Phó Thủ tướng nói.

Năm 2021, ngành du lịch phục vụ 40 triệu lượt khách nội địa, giảm 29% so với năm 2020; tổng thu du lịch đạt 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ 2020. Nhờ có những chủ trương, biện pháp và chỉ đạo của các bộ, ngành liên quan, sự vào cuộc của các doanh nghiệp du lịch, từ tháng 11/2021 mới bắt đầu đón khách quốc tế trở lại. Sau hơn 19 tháng, ngành du lịch đón được khoảng 3.500 lượt khách quốc tế.

“An toàn, mở, đồng bộ”

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, chú ý gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững”.

“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác. Do đó, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch cần xem xét hài hòa, tổng thể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Hội thảo cần thảo luận sâu, tìm ra các giải pháp thúc đẩy tính lan tỏa, liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến.

Những ngôi nhà cổ Hội An là điểm hấp dẫn khách du lịch.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Thực tế đòi hỏi mỗi chủ thể trong ngành du lịch phải đổi mới tư duy và cách làm du lịch thích ứng kịp với xu hướng mới. Sau giai đoạn ngưng trệ gần hai năm qua, thách thức lớn đối với ngành du lịch là nối lại chuỗi cung ứng, khơi thông lại thị trường và tạo dựng niềm tin, sự an tâm cho du khách.

Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch tiếp tục tổ chức tiêm chủng cho người dân và người lao động trong ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý điểm đến, quảng bá, xúc tiến điểm đến an toàn,… các doanh nghiệp du lịch cần triển khai các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp, giữ chân đội ngũ nhân lực nòng cốt, xây dựng các sản phẩm mới, sản phẩm du lịch an toàn, sản phẩm du lịch ngách nhằm đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với xu hướng và nhu cầu của thị trường...

Sau gần 2 tháng “mở cửa”, tỉnh Khánh Hoà đã đón hơn 30.000 lượt khách (tăng gấp 7 lần so với tháng 9/2021). Đà Lạt (Lâm Đồng) đón gần 63.000 lượt khách, tăng gấp 3 so với tháng trước đó. Quảng Trị ước cả năm 2021 đón 588.973 lượt khách (tăng 1,1% so với cùng kỳ 2020). Kiên Giang đến hết tháng 11/2021, đón 317.000 lượt du khách; riêng thành phố Phú Quốc đón 299.000 lượt du khách.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, cần phải tập trung vào 3 yếu tố: “An toàn, mở, đồng bộ”. An toàn cho người dân, cho khách, tạo niềm tin cho khách quay lại. Điều này cần có sự tham gia của ngành y tế và các ngành liên quan. Không có gì tốt cho doanh nghiệp du lịch lúc này bằng việc mở cho doanh nghiệp hoạt động. Muốn mở được hàng không phải được bay thường lệ, cửa khẩu phải mở. Ngành ngoại giao và hàng không cần tham gia vào việc mở cửa của ngành du lịch. Không nên “cách ly” mà theo dõi sức khỏe của khách và có các phương án xử lý phù hợp. Du lịch chỉ phục hồi khi mang thị trường cho doanh nghiệp, mang khách đến cho điểm đến. Muốn mở phải đồng bộ. Giữa các địa phương phải mở, không thể cát cứ, nơi làm thế này, nơi làm thế kia. Giữa các bộ, ngành như: y tế, giao thông, ngoại giao, công an và VH-TT&DL phải mở, quy định phải thông suốt, đồng nhất, nhất quán.

Cần xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, an toàn.

Hỗ trợ chính sách, đơn giản thủ tục

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam phân tích, cần hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách quốc tế đến Việt Nam tại điểm mua hàng đã được cơ quan chức năng cho phép. Từ đó, kích thích tiêu dùng của khách du lịch ở Việt Nam. Bà Cúc cũng đề xuất đưa du lịch vào danh mục ưu đãi về thuế TNDN để tạo cú hích cho ngành du lịch...

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề về du lịch, cần chính sách hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng, đặc biệt là chính sách thuế, tín dụng riêng cho ngành này.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới đề xuất 5 biện pháp quan trọng để đẩy nhanh phục hồi du lịch, đem lại giá trị kinh tế toàn cầu. Trong đó, cần phải đơn giản hóa thủ tục để người dân tiêm vaccine đầy đủ được đi du lịch không hạn chế giữa các quốc gia, không phân biệt điểm xuất phát hay điểm đến cuối cùng của họ, dỡ bỏ các tầng nấc thủ tục phức tạp và đơn giản hóa thủ tục xét nghiệm. Triển khai các giải pháp kỹ thuật số cho phép tất cả khách du lịch dễ dàng chứng minh tình trạng tiêm chủng ngừa Covid bằng mã QR, đẩy nhanh quy trình nhập cảnh. Người dân đã tiêm các vaccine đã được cho phép và WHO công nhận phải được đi du lịch trên toàn cầu. Các bên liên quan đều nhất trí rằng du lịch quốc tế hiện đã an toàn với các quy định về y tế. Hiện nay, còn 4 tỷ người chưa được tiêm vaccine trên toàn thế giới và cần sự nỗ lực của các bên để đảm bảo mọi người được tiêm vaccine./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận