Du lịch Việt Nam 2021: An toàn, linh hoạt, thích ứng và từng bước phục hồi

Năm 2022 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới...

 

Tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Du lịch, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt nhận định, năm 2022 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới. Trong bối cảnh đó, sự phục hồi của ngành du lịch là mong mỏi của toàn ngành và cả nước.

Vượt qua nhiều khó khăn

2021 là năm thứ 2 ngành du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm 2020, lượng khách du lịch nội địa giảm 59%, khách quốc tế giảm 80%. Năm 2021, khách nội địa giảm 57%, doanh thu giảm nặng nề, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lao động mất việc làm...

Trong bối cảnh hết sức khó khăn đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ, ngành du lịch đã tập trung cùng cả nước ứng phó với đại dịch Covid-19, đồng thời chủ động thích ứng với tình hình mới và đạt được những thành quả đáng ghi nhận trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch trên các mặt nổi bật như du lịch nội địa, triển khai thí điểm đón khách quốc tế theo lộ trình, từng bước chuẩn bị các điều kiện để khôi phục hoạt động của ngành du lịch và bước vào giai đoạn phát triển mới..

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của du khách nước ngoài.

Tổng cục Du lịch đã tham mưu, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và lao động ngành du lịch. Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch số 3228 triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; Hướng dẫn tạm thời số 3862 về thích ứng an toàn, linh hoạt trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù như giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian hoàn trả ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành (từ 60 ngày xuống 30 ngày), giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, phí thẩm định cấp thẻ Hướng dẫn viên du lịch, hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch trong thời gian gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch...

Khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, Việt Nam triển khai thành công thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11/2021. Tổng thu từ khách du lịch năm 2021 ước đạt 180.000 tỷ đồng, giảm khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ nhất trí chủ trương, lộ trình thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế theo 3 giai đoạn. Sau gần 2 năm hoạt động du lịch quốc tế bị ngừng trệ, tháng 11 vừa qua những vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đã đến Quảng Nam, Phú Quốc và Khánh Hòa. Dự kiến đến hết tháng 12/2021, du lịch Việt Nam sẽ đón được 3.000 - 3.500 khách du lịch quốc tế và sang tháng 1/2022 sẽ tiếp tục đón khách du lịch quốc tế đến từ thị trường Hàn Quốc, Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakstan, Thái Lan và Ấn Độ.

Theo báo cáo từ các địa phương, hoạt động du lịch tại các địa phương đã bắt đầu có tín hiệu trở lại tích cực sau thời gian dài chịu ảnh hưởng như Hà Nội đón 4 triệu lượt khách nội địa, Đà Nẵng đón 1,1 triệu lượt, Lâm Đồng đón 2,2 triệu lượt, Quảng Ninh đón 4,3 triệu lượt, Ninh Bình đón 1,3 triệu lượt, Thanh Hóa đón 3,4 triệu lượt…

Công tác áp dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam cũng được tích cực triển khai. Tổng cục Du lịch đã chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam trên các nền tảng số, hướng đến các thị trường du lịch quốc tế trọng điểm để duy trì cảm hứng du khách và thu hút du khách quay trở lại Việt Nam khi điều kiện cho phép.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành du lịch Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, vinh dự nhận được nhiều giải thưởng hàng đầu khu vực và thế giới như: Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á, Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á, Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và châu Á, Điểm đến du thuyền tốt nhất châu Á, cùng rất nhiều giải thưởng danh giá dành cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch, nhà hàng, công ty du lịch, hãng hàng không của Việt Nam do Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng.

Năm 2021, Việt Nam vinh dự nhận được nhiều giải thưởng hàng đầu khu vực và thế giới.

Đón đầu thách thức

Từ phương châm “Zero Covid”, đến nay, nhiều quốc gia đã xác định “thích ứng, chung sống với Covid” để sớm trở lại cuộc sống bình thường mới. Nhiều quốc gia đạt độ phủ vaccine cao trong cộng đồng, đã triển khai nhiều mô hình như “bong bóng du lịch”, “hộ chiếu vaccine”… để thúc đẩy hoạt động du lịch trở lại bình thường.

Tại Việt Nam, phương châm phòng, chống dịch cũng thay đổi, chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Hiện nay, có nhiều địa bàn du lịch trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Huế (Thừa Thiên Huế)… đã có độ phủ vaccine đạt mức miễn dịch cộng đồng. Nhiều điểm đến du lịch khác đang khẩn trương thực hiện chiến dịch tiêm vaccine để đạt yêu cầu về an toàn phòng dịch. Đây là yếu tố cơ bản để quyết định thời điểm phục hồi hoạt động du lịch trên cả nước.

Xác định rõ khó khăn, thách thức trong năm 2022 do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, ngành du lịch đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 65 triệu lượt khách, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa đạt khoảng 60 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, ngành du lịch được giao 11 nhiệm vụ trọng tâm và 8 giải pháp thực hiện. Trong đó có các nhiệm vụ như: Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, nhanh chóng phục hồi hoạt động; Hoàn thành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo lãnh đạo Bộ trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện; Triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022 - 2023 theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ; Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh phát triển công nghệ sạch, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.../.

“Tổng cục Du lịch cần tập trung triển khai các chương trình, đề án về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch. Đẩy mạnh và nâng tầm công tác xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia, tăng cường huy động sự tham gia của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp; đồng thời hỗ trợ các địa phương phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành, phục hồi nguồn nhân lực du lịch sau những ảnh hưởng của dịch bệnh”.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận