Dịch Covid-19 gây ra thảm họa trên toàn thế giới nhưng nó cũng làm lộ ra nhiều vấn đề bất cập trong quá trình phát triển, nhiều lỗ hổng giá trị, sự thiếu thích ứng trước những biến cố. Những doanh nghiệp du lịch tồn tại được đều có nền tảng cốt lõi, có tầm nhìn bền vững hoặc có tích lũy vốn.
Du lịch nông thôn hướng đến giá trị bền vững
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong lĩnh vực du lịch là “Phát triển sản phẩm du lịch và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch”. Trong đó, hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch chăm sóc sức khoẻ; du lịch cộng đồng gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm tại các đô thị, trung tâm du lịch, các khu du lịch, điểm du lịch.
Dịch Covid-19 ập đến từ đầu năm 2020 cho tới nay đã khiến hơn 90% lao động ngành du lịch, lữ hành được cho nghỉ việc không lương, buộc phải chuyển sang chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online... Nhiều CEO của các công ty du lịch cũng chuyển sang kinh doanh khẩu trang, bán online các mặt hàng nông sản, thủy sản hay mở sàn môi giới bất động sản... Dịch Covid-19 kéo dài làm nhiều đợt như những cú đánh bồi khiến người làm du lịch tại các công ty lữ hành, khách sạn, vận tải... không thể gượng dậy nổi, bỏ nghề. Một bộ phận khác phải vặn mình sang những lĩnh vực khác để chờ ngày hồi sinh ngành du lịch. Đây chính là thời điểm làm lộ rõ điểm yếu trong phát triển du lịch bền vững. Khắc phục điểm yếu này sẽ không chỉ giải bài toán phát triển bền vững mà còn giúp nâng sức đề kháng của ngành du lịch trước biến cố. Một trong các giải pháp chính là phát triển du lịch nông nghiệp, phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết XIII.
Trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, nội dung phát triển du lịch nông thôn đã được đưa vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần xây dựng NTM bền vững. Du lịch nông thôn có tác động tích cực trở lại đối với xây dựng NTM, góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân nông thôn, đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và chất lượng.
Thực tế từ đại dịch Covid-19 cho thấy, trong khi các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận tải… lâm vào hoàn cảnh buộc tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, thì các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch trang trại farmstay, homestay, du lịch trang trại, du lịch cộng đồng… mặc dù có khó khăn nhưng vẫn có thể ứng phó với dịch để duy trì hoạt động nhờ việc phát triển song song dịch vụ du lịch và sản suất các sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản… Việc phát triển sản phẩm du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM phù hợp chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời hỗ trợ tương hỗ giữa du lịch và nông nghiệp giúp người lao động có thể ứng biến linh hoạt trước biến cố, đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.
Năm 2020, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã lấy thông điệp Ngày Du lịch thế giới là “Du lịch và Phát triển nông thôn” với mong muốn phát triển du lịch sẽ tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới, trên phạm vi toàn cầu, số lượng du khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, du lịch sinh thái chiếm 10% với doanh thu khoảng 30 tỉ USD. Tỷ lệ tăng hàng năm từ 10 - 30%, trong khi du lịch truyền thống tăng trung bình 4%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có hơn 1.300 khu, điểm du lịch. Trong đó, khoảng 70% là điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn, chủ yếu là du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Hiện cả nước có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn. Ước tính, mỗi tỉnh có khoảng 500 - 1.000 lao động trong lĩnh vực du lịch. |
Du lịch và nông nghiệp phát triển cùng hướng tới giá trị bền vững, chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia, đặc biệt là cộng đồng địa phương. Phát triển du lịch nông thôn tạo điều kiện khai thác các vật phẩm sản xuất tại địa phương thành hàng hóa để phục vụ du khách, qua đó thúc đẩy sản xuất, duy trì ngành nghề truyền thống, bảo tồn các sản phẩm đặc sản gắn với địa danh. Phát triển du lịch nông thôn đã tác động đến ý thức xây dựng môi trường cảnh quan văn minh, sạch sẽ; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc (khôi phục lễ hội, khai thác ẩm thực, trang phục, nghệ thuật truyền thống), góp phần giao lưu văn hóa giữa các vùng, các địa phương và giữa các quốc gia; cảnh quan, môi trường, đời sống văn hóa tinh thần của nhiều khu vực nông thôn được thay đổi đáng kể, trở thành những “vùng quê đáng sống”.
Mô hình linh hoạt, dễ ứng phó với biến cố
Đặc điểm của nông nghiệp Việt Nam xuất phát từ sản xuất quy mô nhỏ, chủ yếu do các hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác khai thác… Quy mô lớn hình thành các trang trại, nông trại chưa nhiều và đang trong quá trình chuyển đổi. Các dự án khai thác mô hình du lịch nông trại farmstay chủ yếu hình thành trên cơ sở các khu vực chuyên canh cây ăn quả, chè, cà phê, trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi… dự án sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ứng dụng khoa học công nghệ… Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, người dân cung cấp sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác được lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa cộng đồng, sinh thái nông nghiệp của khu vực nông thôn. Cung cấp những sản phẩm dịch phục vụ du khách như nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hoá bản địa, vui chơi giải trí, trải nghiệm trang trại giáo dục...
Bên cạnh nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp, thông qua cung cấp dịch vụ phục vụ khách du lịch, người lao động có thêm nguồn thu từ thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ đối với một số sản phẩm nông nghiệp của trang trại. Nông nghiệp là nội dung chính, sau đó mới đến kết hợp phát triển du lịch, vừa cung ứng dịch vụ du lịch, vừa tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Để có thể vừa phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp vừa cung ứng dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng nên mô hình này đòi hỏi diện tích đất lớn, có không gian cảnh quan tập trung. Với mô hình này, người lao động, người làm du lịch có thể dễ dàng, linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, dịch vụ khi có biến cố bất khả kháng xảy ra.
Thực tế khảo sát từ các doanh nghiệp du lịch vẫn còn đang duy trì hoạt động trong dịch Covid-19, người làm du lịch cộng đồng, farmstay ở rất nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng như tại Đà Bắc (Hoà Bình), Hải Hậu (Nam Định), Mộc Châu (Sơn La)… đã linh hoạt quy hoạch lại hoạt động sản xuất và dịch vụ du lịch, giảm tỷ trọng làm du lịch, tăng tỷ trọng nông nghiệp và phân phối sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản thông qua chính các kênh đối tác du lịch của mình. Điều này đã giúp nhiều cơ sở homestay, farmstay dễ dàng trụ lại trước “cơn bão Covid-19” đang hoành hành, tàn phá ngành du lịch./.