Hàng giá rẻ 'đe dọa' thị trường nội địa, doanh nghiệp cần hành động sớm

Các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp khi chứng kiến hàng hóa giá rẻ ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử nước ngoài đang thực sự lo ngại, coi đó là sự 'đe dọa' đối với doanh nghiệp nội địa.

 

Các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp khi chứng kiến hàng hóa giá rẻ ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử nước ngoài đang thực sự lo ngại, coi đó là sự “đe dọa” đối với doanh nghiệp nội địa.

Đây sẽ là một vấn đề rất lớn đối với nền kinh tế, dù nhìn từ góc độ nhà quản lý, nhà sản xuất - kinh doanh hay người tiêu dùng. Bởi song song với việc hàng giá rẻ thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường, thu hẹp cơ hội của hàng Việt, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp trong nước với các sàn thương mại điện tử giá rẻ, dẫn tới phụ thuộc thị trường cung ứng bên ngoài, thì việc kiểm soát chất lượng và độ an toàn của sản phẩm càng trở nên khó khăn hơn. Đối với cơ quan quản lý, nguy cơ thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử là rất lớn.

Sàn TMĐT Temu đang là một áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt

Việt Nam đang có quy định miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu từ các sàn thương mại điện tử với đơn hàng dưới 1 triệu đồng. Thống kê cho thấy, mỗi ngày có khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng thương mại điện tử giá trị nhỏ được vận chuyển qua biên giới về Việt Nam. Trung bình mỗi đơn hàng thuộc loại này có trị giá khoảng 200.000 đồng, tổng giá trị hàng hóa loại này lên tới 800 tỷ đồng mỗi ngày và còn tiếp tục tăng do thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh chóng tại Việt Nam. Như vậy, việc không thu thuế những đơn hàng này có thể gây thất thoát rất lớn cho ngân sách nhà nước. Công tác quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến có sàn chưa đăng ký, không thu thuế được nên ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, có thể là một trong những nguyên nhân khiến cho số lượng doanh nghiệp Việt Nam đóng cửa, ngừng hoạt động ngày càng tăng.

Thương mại điện tử đầy tiện ích và thách thức

Việc kiểm soát thuế xuất nhập khẩu đối với các sàn thương mại điện tử không hề dễ dàng, đặc biệt đối với việc truy thu thuế giá trị gia tăng đối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp trên các sàn thương mại điện tử vì số lượng đông đảo, nhiều nhà kinh doanh nhỏ lẻ. Do đó, cần bắt buộc các sàn thương mại điện tử đăng ký và có cấp phép mới được hoạt động tại Việt Nam, phải nộp thuế như các công ty khác. Có như vậy thì mới có thể tạo sự công bằng với các nhà sản xuất, nhà phân phối và các sàn thương mại điện tử trong nước.

Với nỗ lực hiện đại hóa ngành hải quan, các cửa khẩu đã được số hóa, trang bị các thiết bị tân tiến, hiện đại, nên việc thu thuế đối với những đơn hàng nhỏ không còn gây khó khăn, tốn thời gian như trước. Đồng thời Việt Nam cũng cần siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng theo các sàn thương mại điện tử vào Việt Nam.

Trong cuộc chiến giành thị phần đó, các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng cạnh tranh, giữ vững thị trường trong nước, nỗ lực thay đổi, cải tiến để chinh phục người tiêu dùng trong nước. Cùng với cạnh tranh về giá, doanh nghiệp cần chú trọng chất lượng của sản phẩm cũng như tìm tòi, phát huy đặc trưng và hướng đi riêng để có thể giành cơ hội chiến thắng./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận