Sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới Temu - thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc PDD Holdings - đã có mặt tại Việt Nam. Trước khi gia nhập thị trường Việt Nam, Temu đã xuất hiện tại một số nước như Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Á, sau khi “làm mưa làm gió” tại thị trường Mỹ dù chỉ mới ra đời 2 năm.
Ồ ạt “tấn công” với nhiều chính sách ưu đãi lớn
Temu thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng với những thông tin khuyến mãi lên đến 80% - 90%, hoàn trả 90 ngày, miễn phí vận chuyển... Các chính sách này khiến hàng hoá trên sàn TMĐT này trở nên hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng. Theo phản ánh của người mua hàng, hàng hoá được vận chuyển thẳng từ Trung Quốc về Việt Nam chỉ trong 4 - 7 ngày.
Mạnh tay hơn, Temu còn công bố một chính sách chiết khấu mới cho thị trường Việt Nam. Theo đó, sau khi đặt ứng dụng Temu qua đường link giới thiệu, người dùng sẽ nhận được 50.000 đồng vào tài khoản mua hàng trên sàn. Nếu chia sẻ link đăng ký tài khoản của mình và có người sử dụng link đó để đăng ký, người dùng sẽ nhận tiếp 150.000 đồng. Ngoài ra, người dùng còn có thể giới thiệu những sản phẩm bán trên sàn và nhận về hoa hồng chia sẻ từ doanh thu của người bán, tối đa 30%.Sau khi trải nghiệm mua hàng trên sàn Temu, anh Vũ Hồng Văn - một người tiêu dùng ở Hà Tĩnh - cho rằng đây là một trong những chiêu trò thu hút người tiêu dùng, nhằm tạo tiếng vang trong những ngày đầu gia nhập thị trường Việt Nam. “Các trang TMĐT của Trung Quốc mang hàng hóa đi khắp thế giới với chi phí vận chuyển rẻ như cho làm nhiều nhà bán hàng trong nước phải chạnh lòng. Nhưng dù sao, các sàn TMĐT lớn cạnh tranh với nhau, trước mắt, người được hưởng lợi lớn nhất vẫn là người tiêu dùng”, anh Vũ Hồng Văn nói.
Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng hài lòng với những trải nghiệm bước đầu ở Temu. Trước hết là những vướng mắc trong khâu thanh toán, khi ứng dụng này chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng và phải trả tiền trước. Với phương thức “nắm đằng chuôi” như thế, dù ưu đãi nhiều, phí ship thấp, khách hàng Việt cũng không mấy hào hứng. Thứ hai, theo so sánh của nhiều người tiêu dùng, giá bán của hàng hóa trên Temu không rẻ hơn trên các ứng dụng TMĐT đang hoạt động ở Việt Nam. Điều thứ ba, quan trọng nhất, là chất lượng hàng hóa không có gì đảm bảo. Chị Thùy Giang ở TPHCM chia sẻ một trải nghiệm không mấy hài lòng: “Tôi tò mò vào xem thử trang Temu thì rất nhiều món giống y chang như mình đặt bên Mỹ chính hãng nhưng giá lại siêu rẻ, bèn thử đặt về 12 món, và ngay lập tức làm hoàn trả 11 món, giữ lại đúng 1 món cho đỡ áy náy nhưng cũng nhét vào tủ rồi. Rất nhiều bạn bè tôi ở Châu Âu nói rằng họ tẩy chay Temu vì mang rác về nhà”.
Thu thuế và chống hàng giả, hàng nhái
Sự gia nhập ồ ạt của sàn TMĐT nước ngoài gây ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà sản xuất và bán lẻ trong nước. Anh Ngô Xuân Trường - Giám đốc một công ty hóa chất tại Hà Nội - băn khoăn: “App TMĐT Temu quảng cáo tràn ngập trên các mạng xã hội, chưa biết chất lượng như thế nào. Thỉnh thoảng tôi có mua hàng trên Shoppee hay Lazada thấy chất lượng tạm ổn, giá thì quá cạnh tranh. Nếu có thêm nhiều sàn TMĐT nữa thì các nhà sản xuất và thương mại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 24/10, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho rằng TMĐT đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước. Việc quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến có sàn chưa đăng ký hoặc thậm chí không thu thuế được từ những sàn TMĐT này.
Điều này ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, khiến doanh nghiệp trong nước chịu sự cạnh tranh không công bằng và minh bạch trên môi trường TMĐT. Đây có thể là nguyên nhân khiến cho số lượng doanh nghiệp Việt Nam đóng cửa, ngừng hoạt động ngày càng tăng. “Hàng hóa qua các kênh như vậy không đảm bảo công bằng sẽ giết chết những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, hệ quả là thất nghiệp. Vì vậy cần phải có cảnh báo và giải pháp, đặc biệt là đăng ký kê khai thuế”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Quý II/2024, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 87.370 tỷ đồng để mua sắm trên sàn TMĐT. Shopee thống lĩnh thị trường với 71,4%, tiếp theo là TikTok shop 22%, Lazada 5,9%. Các sàn nội địa như Tiki, Chiaki, Sendo, Websosanh, Adayroi chiếm thị phần rất nhỏ, chưa tới 1% - YouNet ECI
|
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều ngày 23/10, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết sàn TMĐT Temu (và trước đó là Taobao, 1688, Shein) chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam dù theo Nghị định 85/2021, các sàn TMĐT hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hiện nay, Indonesia đã tìm cách ngăn chặn nền tảng này và một số quốc gia cũng bày tỏ quan ngại. "Bộ đã giao Cục Thương mại điện tử và kinh tế số rà soát đánh giá tác động", lãnh đạo Bộ nhấn mạnh. Đồng thời, Bộ tiếp tục triển khai đề án chống hàng giả, hàng nhái tuồn vào Việt Nam thông qua TMĐT và giao Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi sát vấn đề này.
Chia sẻ bên hàng lang Quốc hội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook... "Trường hợp Temu không nộp thuế, cơ quan quản lý sẽ thanh tra, xử lý", ông Hồ Đức Phớc nói.
Ngày 29/5, Phòng thí nghiệm Tuân thủ Hàn Quốc đã chọn ra 8 sản phẩm được bán trên Shein để kiểm tra, bao gồm giày trẻ em, túi da, thắt lưng,… và phát hiện một đôi giày chứa lượng phthalate (hóa chất làm mềm nhựa) cao gấp 428 lần cho phép, ba chiếc túi có lượng phthalate cao gấp 153 lần giới hạn.
|