Không thiếu công cụ điều tiết giá vàng

Theo một đánh giá của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, hơn 30 năm, giá bất động sản tăng 400 lần, vàng tăng 40 lần.

 

Theo một đánh giá của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, hơn 30 năm, giá bất động sản tăng 400 lần, vàng tăng 40 lần. Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, giá vàng thời gian tới vẫn tiếp tục tăng do sản lượng khai thác vàng sẽ ngày càng ít đi, tăng khoảng 1,5%/năm, có thể còn thấp hơn. Trong khi, lượng USD in ra của nước Mỹ trung bình hiện nay tăng khoảng 3,5 - 4%. Như vậy, lượng USD luôn luôn tăng cao hơn lượng vàng, dẫn tới giá vàng vẫn theo đà tăng.

Sau 30 năm, giá vàng tăng gấp 40 lần

Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Xuân Nghĩa, tốc độ tăng của giá vàng vẫn chậm hơn nhiều so với bất động sản. Lấy ví dụ ở Mỹ, trong khoảng từ năm 1990 đến nay (34 năm), giá bất động sản tăng 100 lần, giá vàng tăng 40 lần. Ở Việt Nam, giá bất động sản còn tăng mạnh hơn, một số nơi tăng lên tới 400 lần. 

Giá bất động sản tăng mạnh vì nguồn đất ngày càng khan hiếm, trong khi dân số tăng nhanh và nhu cầu nhà ở ngày càng lớn. Việc quy hoạch, cấp phép cho các dự án xây dựng, thủ tục hành chính... còn nhiều vướng mắc khiến chủ đầu tư không mạnh dạn triển khai dự án.

Nhìn chung, đối với thị trường bất động sản trong nước, nhất là nhà ở đô thị, nếu như không tập trung vào phân khúc giá trung bình hoặc phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, thì giá vẫn sẽ bị đội lên cao do cung - cầu không gặp nhau. Và nếu không thay đổi quan điểm từ xây nhà ở xã hội để bán sang xây để cho thuê thì người có nhu cầu nhà ở thực sự vẫn không thể tiếp cận thị trường

Cần chuyển từ tư duy xây nhà ở xã hội để bán sang xây nhà ở xã hội để cho thuê

Trong khi đó, đối với thị trường vàng, việc tăng giá thời gian qua chủ yếu do các cá nhân và doanh nghiệp tham gia đầu cơ với kỳ vọng giá vàng thế giới còn tiếp tục tăng. Mặt khác, nhiều người cho rằng nguồn cung vàng của Ngân hàng Nhà nước hạn hẹp trong khi các biện pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012 đang hết sức chặt chẽ đến một lúc nào đó sẽ được sửa đổi thông thoáng hơn. Tuy nhiên, theo phán đoán của nhiều chuyên gia, trong ngắn hạn, giá vàng thế giới sẽ còn giảm và tác động đến giá vàng trong nước.

Trong dài hạn, chỉ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED giảm lãi suất, USD giảm giá thì vàng thế giới sẽ tăng. Còn ở trong nước, với cách thức điều hành hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đủ lượng vàng vật chất để cung ứng ra thị trường. Hội đồng vàng thế giới dự báo nhu cầu vàng của Việt Nam trong dài hạn là khoảng 50 tấn/năm, tương ứng với khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn giá trị nhập khẩu mỹ phẩm (3,3 tỷ USD). Nhập khẩu vàng cũng chỉ là chuyển từ loại tài sản đảm bảo này (USD) sang tài sản dự trữ khác (vàng), về bản chất tổng dự trữ không thay đổi.

Hiện tại, dự trữ quốc gia được tính từ nguồn dự trữ của Ngân hàng Nhà nước (hơn 100 tỷ USD) và nguồn dự trữ của người dân, doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại - nguồn này còn lớn hơn rất nhiều. Do đó, Ngân hàng Nhà nước không thiếu công cụ điều tiết giá vàng./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận