Tăng trần giá vé máy bay tiếp tục làm khó ngành du lịch?

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 34 sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

 

Cuối năm 2023, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 34 sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, áp dụng từ 1/3/2024. Mức trần cao nhất là 4 triệu đồng, tăng 250.000 đồng so với hiện nay. Theo Bộ Giao thông vận tải, giá trần vé máy bay nội địa tăng do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu và tỷ giá đều tăng cao. Năm 2022, giá nhiên liệu bay Jet A1 đã vượt ngưỡng 150 USD một thùng, cao gấp 2,5 lần năm 2015.

Mức trần cao nhất là 4 triệu đồng, tăng 250.000 đồng so với hiện nay.

Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải hàng không (VABA) đã từng đề xuất Chính phủ bỏ điều khoản quy định giá trần vé máy bay trong Luật Giá với lý do quy định này làm "méo mó quan hệ cung cầu trên thị trường vận chuyển hàng không", "ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các hãng bay". Tuy nhiên, Chính phủ không đồng ý bởi đây là công cụ điều tiết, giúp người dân có thể tiếp cận giá vé hợp lý.

Đề xuất này của VABA không sai, bởi ai cũng biết, 3 năm đại dịch Covid-19 khiến ngành hàng không toàn cầu lao đao, nhiều hãng bay đã phải dừng hoạt động. Ngay tại Việt Nam, Bamboo Airways phải ngừng các tuyến quốc tế để tập trung khai thác đường bay nội địa. Có điều, tăng trần giá vé khi tất cả các ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ đều khó khăn khiến khả năng chi tiêu của người dân thấp do thu nhập sụt giảm có vẻ như là một quyết định không đúng thời điểm.

Ngành hàng không đang trải qua một giai đoạn khó khăn

Lao đao nhất khi giá trần vé máy bay tăng chính là ngành du lịch vốn đang cố gắng hồi phục chật vật hậu Covid-19. Mặc dù con số thống kê cho thấy Việt Nam đã vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023, khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt và tổng thu du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, đều vượt kế hoạch, nhưng thực tế, ngành du lịch vẫn rất khó khăn. Khách đến Việt Nam đông, khách tham quan trong nước cũng tăng trưởng tích cực, nhưng mức chi tiêu thấp. Việt Nam khá chậm chân so với nhiều quốc gia khu vực trong việc ban hành các chính sách khuyến khích du lịch sau đại dịch, nên lượng du khách có khả năng chi tiêu cao vào Việt Nam chưa nhiều. Và, một trong những rào cản lớn đối với du lịch Việt Nam từ nhiều năm nay chính là giá vé máy bay. Đó là nguyên nhân khiến doanh thu từ du lịch Việt Nam không tương xứng với tiềm năng, bởi chi phí đi lại, ăn ở đã đẩy giá tour du lịch trong nước cao hơn giá tour đi nước ngoài.

Cước phí vận tải cao sẽ hạn chế sự tăng trưởng của du lịch

Thông tư đã ban hành, thời điểm áp trần mới sắp đến. Lựa chọn tăng theo thông tư hay giữ nguyên giá để thu hút khách là tùy thuộc vào các hãng hàng không. Lựa chọn di chuyển bằng máy bay hay giảm tần suất đi lại và chỉ đi những chặng có các phương tiện giao thông công cộng khác chưa tăng giá vé tùy thuộc ở khách hàng. Về phía ngành du lịch không phải không còn quyền lựa chọn, nhưng rất ngặt nghèo, và thực sự khó khi không có số liệu thống kê đáng tin cậy, thiếu liên kết bền vững có thể sẻ chia trong việc chào mời và thiết kế, tổ chức tour./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận