Du khách sợ đắt đỏ - không phải chuyện riêng của Phú Quốc

Theo thống kê, khách đến Phú Quốc bằng đường bay chiếm khoảng 60%, còn lại là đường tàu biển, và cả hai loại hình này đang ngày càng vắng khách.

 

Báo cáo tài chính quý 3/2023 của Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (mã chứng khoán SKG) - doanh nghiệp vận hành 16 tàu cao tốc và hai phà từ đất liền ra đảo - cho thấy, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 42% so với quý III/2022, chỉ còn 7,8 tỷ đồng. Không tính đến quý III/2021 - giai đoạn đại dịch Covid-19 đang căng thẳng - thì đây là mức lãi thấp nhất trong quý III của SKG suốt 10 năm qua.

Một trong hai nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm được ban lãnh đạo Superdong - Kiên Giang xác định chính là các thông tin về việc du lịch tại Phú Quốc thường bị “chặt chém” và giá cao dẫn đến du khách chuyển đến những nơi có chi phí thấp hơn.

Một trong hai nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm được xác định chính là các thông tin về việc du lịch tại Phú Quốc thường bị “chặt chém” và giá cao.

Trên thực tế, câu chuyện này đã xuất hiện từ khi du lịch hồi phục, du lịch của cả thành phố Phú Quốc chứ không chỉ riêng SKG đều suy giảm đáng kể. Ngay dịp lễ 2/9, thành phố này chỉ đón hơn 19.000 lượt khách lưu trú, giảm gần 40% so với cùng kỳ và công suất phòng chỉ đạt khoảng 27%. Theo thống kê, khách đến Phú Quốc bằng đường bay chiếm khoảng 60%, còn lại là đường tàu biển, và cả hai loại hình này đang ngày càng vắng khách.

Tình trạng này đã từng xảy ra ở đô thị du lịch Sầm Sơn - Thanh Hóa, khi nhiều du khách phàn nàn về phong cách phục vụ của các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ... Từng là điểm du lịch tấp nập ở miền Bắc vì gần Thủ đô Hà Nội, Sầm Sơn đã phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi lượng khách vốn có trước khi những tai tiếng không đáng có khiến du khách “né” mảnh đất này.

Chuyện đã từng xảy ra ở Sầm Sơn, đang xảy ra ở Phú Quốc, và có thể xảy ra ở bất cứ điểm du lịch nào của Việt Nam. Lý do trước hết bắt nguồn từ những người tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch không có kiến thức và tâm thế cần thiết để phục vụ du khách theo hướng trao đổi, đôi bên cùng được lợi - cách thức kinh doanh văn minh nhất. Cùng với đó là công tác quản lý chưa chặt chẽ của chính quyền địa phương đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ khiến du khách cảm thấy mình bị bắt chẹt, “chặt chém”.

Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, du lịch Việt Nam với rất nhiều điểm đến hấp dẫn cũng có thể đối mặt với nguy cơ mất khách do giá cả, nếu như không có những giải pháp phù hợp để giảm giá thành dịch vụ ăn uống, vận tải, lưu trú. Không ít chương trình du lịch nước ngoài hiện đang có giá chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút so với một tour du lịch trong nước, đồng thời, việc cải cách thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia giúp người dân có thể ngồi tại nhà và làm hộ chiếu chỉ mất khoảng 1 tuần. Như vậy, nếu không có giải pháp đồng bộ của các ngành có liên quan, tiền của du khách Việt sẽ chảy ra nước ngoài, trong khi du lịch Việt Nam và cả nền kinh tế được hưởng lợi rất ít./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận