Trăn trở cùng doanh nghiệp

Những ngày qua, Nghị định 08/NĐ-CP rồi Nghị định 30/NĐ-CP của Chính phủ như nhấc bớt gánh nặng khỏi các doanh nghiệp (DN), bệnh viện.

 

Những ngày qua, Nghị định 08/NĐ-CP rồi Nghị quyết 30/NĐ-CP của Chính phủ như nhấc bớt gánh nặng khỏi các doanh nghiệp (DN), bệnh viện.

Nghị quyết 30/NĐ-CP giải quyết những vấn đề đặc thù của ngành y tế trong đấu thầu, với những đối tượng liên quan trực tiếp là bệnh nhân, các bệnh viện và DN sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối thuốc và vật tư thiết bị y tế. Còn Nghị định 08/NĐ-CP ảnh hưởng rộng hơn khi điều chỉnh các quy định liên quan đến việc mua bán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Hơn một năm qua, những bất ổn trên thị trường TPDN khiến cho thị trường tài chính bị ảnh hưởng không nhỏ, DN phát hành bị dồn vào đường cùng khi không tìm được giải pháp tháo gỡ khó khăn chung của ngành hàng (bởi đa số DN phát hành hoạt động trong lĩnh vực bất động sản) còn các trái chủ thì vô cùng lo lắng, bất an.

Nghị định 08/NĐ-CP tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với các trái chủ để giãn hoãn nợ trái phiếu đáo hạn với thời gian gia hạn tối đa là 2 năm. Qua đó, giảm áp lực trả nợ lượng trái phiếu đáo hạn năm 2023 và năm 2024. Đồng thời cơ sở pháp lý kèm theo hướng dẫn cơ bản để thực hiện đàm phán đổi “trái phiếu lấy hàng” (chủ yếu là bất động sản hay tài sản khác) một cách rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này. DN sẽ phải công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng, công bằng cho trái chủ, thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình. Đổi lại, các trái chủ, nhà đầu tư cần có tinh thần cùng chia sẻ trong giai đoạn khó khăn này.

Ảnh minh họa

Đặc biệt, Nghị định cho phép giãn tiến độ đến hết năm 2023 đối với việc áp dụng một số điều kiện, yêu cầu cao, đáp ứng thông lệ về tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, về yêu cầu rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu và về xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành. Đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh thị trường khó khăn, niềm tin giảm, thanh khoản giảm. Các nhà đầu tư, DN phát hành và tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng cần thêm thời gian chuẩn bị tinh thần, năng lực, quy trình, nhân lực… Nhiều ý kiến cho rằng, nên để giao dịch đầu tư TPDN trở lại với tư cách giao dịch dân sự, các bên cùng chịu trách nhiệm, giao dịch trên cơ sở thông tin minh bạch và niềm tin đối với DN. Song, bởi DN phát hành trái phiếu đã cam kết % lãi theo thời hạn nên bản chất đây là hoạt động vay vốn chứ không phải là thu hút đầu tư lời cùng ăn lỗ cùng chia.

Mặc dù đánh giá cao Nghị định 08/NĐ-CP, nhưng theo một số chuyên gia tài chính, Nghị định này vẫn chưa giải quyết đúng trọng tâm vấn đề của thị trường TPDN. Giai đoạn trước đây, nhà đầu tư cá nhân tham gia ồ ạt vào thị trường TPDN dẫn đến bị thiệt hại, nếu bây giờ không có yêu cầu cao về tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, tình trạng đó liệu có lặp lại? Thêm vào đó, việc thiếu công cụ đánh giá DN khi quy định hoãn thời hạn xếp hạng tín nhiệm bắt buộc cũng sẽ khiến nhà đầu tư cá nhân gặp khó khi quyết định đầu tư.

Quý 1/2023 có gần 52.000 DN tạm dừng hoạt động hoặc bị cắt giảm đơn hàng. Để con số này không tăng trong thời gian tới, các cơ quan tham mưu cần trăn trở, đồng hành cùng DN để trình Chính phủ ban hành những chính sách đúng và trúng, gỡ được khó khăn gốc rễ của từng ngành hàng, từng lĩnh vực./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận