Lý do phải siết chặt quản lý trái phiếu doanh nghiệp

Ngày 03/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có văn bản yêu cầu đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Vì sao cần siết chặt?

 

Ngày 03/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có văn bản yêu cầu Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN), Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Trong đó, yêu cầu UBCKNN và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khẩn trương xử lý nghiêm và báo cáo Bộ Tài chính kết quả kiểm tra để xử lý; tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp (DN). Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trái phiếu doanh nghiệp (ảnh minh họa, KT)

Vì sao cần có động thái siết chặt như vậy?

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, việc phát hành TPDN, đặc biệt là phát hành TPDN không có tài sản đảm bảo của một số DN, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế. Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại 09 công ty chứng khoán và 02 DN phát hành, bước đầu cơ quan chức năng đã ghi nhận và triển khai thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với 02DN phát hành, 01 công ty chứng khoán.

Theo nhận định của Bộ Tài chính, thị trường TPDN tiềm ẩn một số rủi ro, cần giám sát chặt chẽ. Đáng chú ý là tài sản đảm bảo của trái phiếu chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án.Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường, dẫn tới giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Trên thị trường vẫn có trường hợp DN phát hành TPDN với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ qua các năm. Đặc biệt đối với nhóm bất động sản, tại thời điểm 30/6/2021, hệ số nợ vay trên vốn chủ hữu bình quân của các DN bất động sản niêm yết là 2,5 lần, trong khi tỷ lệ này của các DN bất động sản chưa niêm yết là 8,1 lần.

Đáng lo ngại là trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư cá nhân vẫn rất cao. Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định về phát hành TPDN đã quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Vì vậy, trước khi cân nhắc mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư cần nghiên cứu các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu, đánh giá đầy đủ và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư mới nên quyết định mua trái phiếu. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của DN phát hành./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận