Nợ công giảm khi kinh tế tăng trưởng

Bản tin nợ công mà Bộ Tài chính vừa phát hành cho thấy: Nợ công Việt Nam năm 2021 là 43,1% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần dưới 60% GDP Quốc hội cho phép.

 

Bản tin nợ công mà Bộ Tài chính vừa phát hành cho thấy: Nợ công Việt Nam năm 2021 là 43,1% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần dưới 60% GDP Quốc hội cho phép. Cũng theo bản tin này, nợ công Việt Nam giảm dần trong 5 năm qua, từ mức 61,4% năm 2017 về 43,1% GDP vào năm ngoái. Với quy mô GDP năm 2021 là 368 tỷ USD, mức nợ công của Việt Nam năm ngoái tương đương 157 tỷ USD (trên 3,6 triệu tỷ đồng). Như vậy, nếu tính bình quân đầu người, mỗi người dân hiện "gánh" 37 triệu đồng nợ công. Mặc dù con số này tương đương với năm 2020, nhưng so với dự kiến trước đó là nợ công có thể tăng lên 40 triệu đồng/người thì thông tin này thực sự đáng mừng.

 

So với 5 năm trước, tỷ lệ nợ công hiện đã giảm mạnh và giảm so với ước tính của Bộ Tài chính trước đó là đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP. Việt Nam đã từng bước cơ cấu nợ vay theo hướng tăng vay trong nước nhiều hơn.

Đây là những thông tin tích cực, nhưng cần được nhìn nhận một cách khách quan. Trước hết, tuy xét về tỷ lệ GDP thì nợ công hiện đang thấp hơn mức trần dưới 60% mà Quốc hội cho phép, nhưng đó là nhờ nước ta đã điều chỉnh quy mô GDP tăng thêm 25%, còn con số tuyệt đối vẫn ở mức cao. Đây là điều cần quan tâm để không chỉ giảm về tỷ lệ mà còn phải giảm về con số tuyệt đối. Nợ công mà mỗi người dân "gánh" thấp hơn nhờ giảm nợ công chứ không phải nhờ tăng dân số. Chính phủ cần quan tâm về tương quan giữa số nợ phải trả với số thu ngân sách hằng năm đang có chiều hướng tăng. Thực tế là nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia và trả nợ của Chính phủ tăng lên mức 6,8% tổng kim ngạch xuất khẩu và tương đương 21,8% tổng thu ngân sách, và vẫn trên đà tăng nếu như không được kiểm soát chặt chẽ. Chính phủ cũng cần tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo trả nợ đúng hạn với các khoản vay đáo hạn.

Cần tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo trả đúng hạn với những khoản vay đáo hạn

Nợ công giảm trong điều kiện hiện nay cũng cho thấy những yếu tố đáng mừng khác, cụ thể là GDP của cả nước tiếp tục tăng trưởng dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và bất ổn địa chính trị toàn cầu. Thứ hai là trong 5 năm (2017 - 2021), nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng đang giảm. Trong khi nợ nước ngoài giảm, nợ vay từ trong nước lại tăng đáng kể, chiếm 67,2% dư nợ Chính phủ, tương đương 2,2 triệu tỷ đồng đến hết 2021. Thứ ba là với những nỗ lực triển khai gói kích thích tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế, nhiều dự án đầu tư công đang được đẩy nhanh tiến độ giải ngân, như vậy, có thể kỳ vọng nợ công được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Năm nay, Chính phủ dự kiến vay tối đa gần 30 tỷ USD để cân đối ngân sách và cho vay lại. Như vậy, trong trường hợp GDP năm 2022 tăng trưởng khá, Chính phủ tính toán nợ công năm 2022 khoảng 43 - 44% GDP, nợ Chính phủ 40 - 41% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia 40 - 41% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách khoảng 21 - 22%./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận