Du lịch sinh thái - hướng phát triển bền vững của đô thị cổ Hội An

Làm nhà nông, bơi thuyền thúng, vẽ mặt nạ và mua tượng gỗ là hoạt động của du khách tại 4 điểm du lịch sinh thái trọng điểm sau khi tham quan phố cổ Hội An.

 

Làm nhà nông, bơi thuyền thúng, vẽ mặt nạ và mua tượng gỗ là những hoạt động tại 4 điểm du lịch sinh thái trọng điểm của Thành phố Hội An, sau khi du khách đã tham quan đô thị cổ Hội An - nơi được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới ngày 4/12/1999.

Từ làng rau trăm năm tuổi đến điểm du lịch xanh

Mới sáng sớm, điểm du lịch Làng rau Trà Quế, Hội An đã đón khá đông du khách nước ngoài. Cô Melinda, người New Zealand, đang hứng thú đạp xe quanh làng rau Trà Quế - ngôi làng mang trong mình lịch sử hơn 300 năm chuyên trồng các loại rau có mùi hương như cây quế - cho biết: “Tôi đến đây từ 7h và được cùng người nông dân ra đồng chăm sóc và thu hoạch rau, trồng rau, tưới nước, bón phân và chăm sóc cây”.

Làng rau Trà Quế có diện tích lên đến 40ha, được các hộ dân luân canh, xen canh hơn 20 loại rau ăn lá và rau gia vị khác nhau. Đây là vựa rau lớn nhất tại khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng, chuyên cung cấp nguồn rau tươi sạch chuẩn hữu cơ quanh năm và đồng thời cũng là điểm đến độc đáo không thể bỏ qua khi tới Hội An.

Làng rau Trà Quế nhìn từ trên cao.

Cách Trà Quế không xa là làng mộc Kim Bồng, thuộc xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, trước kia có 4 dòng họ Nguyễn, Chương, Phan, Huỳnh đều làm nghề mộc. Nay đình làng vẫn thờ tổ nghề mộc. Mộc Kim Bồng góp mặt trong nhiều công trình kiến trúc như đình, chùa, nhà gỗ, góc phố, đồ dùng sinh hoạt, mang đậm dấu ấn tại Hội An và Huế. Do nằm gần thương cảng quốc tế Hội An sầm uất một thời, nên nghề đóng ghe bầu phục vụ giao thương ở làng mộc Kim Bồng đã từng rất phát triển.

Ngày nay, cùng với nghề đóng thuyền, làm gỗ trang trí nội ngoại thất, du khách đến Kim Bồng còn bị thu hút bởi những bức tượng gỗ và hàng trang trí tinh xảo, đủ mọi kích cỡ, có bức chỉ vài chục nghìn, có bức hàng chục triệu. Anh Võ Anh Phương, một du khách từ Hà Nội vào, chia sẻ: “Ở Việt Nam rất nhiều làng mộc, nhưng đến Kim Bồng tôi vẫn thấy có những nét đặc sắc riêng. Hôm nay tôi mua ít pho tượng nhỏ về làm quà. Có thể sắp tới tôi sẽ đặt họ chuyển ra cho tôi một số bức tượng lớn, sau khi đã thu xếp được chỗ bày”.

Rừng dừa Cẩm Thanh hay còn gọi là rừng dừa Bảy Mẫu nằm cách thành phố Hội An khoảng 3km đã có từ cách đây khoảng 200 năm. Mỗi ngày, khu vực rừng dừa có thể đón tới hàng ngàn lượt khách, bao gồm cả khách Việt Nam và khách quốc tế đến từ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản... Khi tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, du khách sẽ được những người lái thuyền vui tính, nhiệt tình được chở đến những địa điểm check-in chụp ảnh ấn tượng, xem biểu diễn thuyền thúng (còn gọi là múa thúng, quay thúng), giăng lưới bắt cá, làm đồ thủ công từ lá dừa và thưởng thức ẩm thực truyền thống của địa phương…

Rời rừng dừa, du khách có thể đến Thanh Hà - làng gốm được hình thành từ thế kỷ XVI với nhiều sản phẩm gốm từng được dùng để tiến vua. Trải qua bao thăng trầm, nhờ sự tâm huyết và lòng yêu nghề, những nghệ nhân của làng đã gìn giữ hồn cốt và làm “sống lại” nét đẹp làng gốm. Chị Nguyễn Thị Bích Tuyến, cửa hàng Tuấn Pottery, cho biết: “Giờ đây, khi công nghiệp phát triển, du lịch cũng phát triển, sản phẩm gốm của Thanh Hà là sản phẩm decor, trang trí chủ yếu phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn hoặc du khách”.

Nét đặc trưng của gốm Thanh Hà là giữ nguyên màu đỏ của đất nung, không có men màu phủ ở bên ngoài. Tuy nhiên, để bắt kịp nhu cầu của du khách, cơ sở Tuấn Pottery mua màu acrylics để tô lên các sản phẩm gốm mỹ nghệ, hoặc để du khách tự trải nghiệm. Với đặc điểm bền màu, màu tươi, lâu phai, sau khi tô màu và xịt thêm một lớp sơn bóng, đồ mỹ nghệ gốm Thanh Hà đã trở thành một bức tranh bắt mắt, với giá bán từ 50.000 - 250.000 đồng/sản phẩm.

Du lịch giúp người dân làng gốm có thu nhập ổn định, tương đương 30% giá vé. Ngoài được chia tiền vé, làng gốm được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút du khách. Do đó, nhìn chung mức sống của người dân nơi đây khá ổn, có khi đạt tới 7.000.000 đồng/tháng.

Đô thị cổ Hội An - nơi được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới ngày 4/12/1999.

Phát triển du lịch bền vững

Thống kê của thành phố Hội An cho thấy: Từ khi đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và Cù Lao Chàm được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhiều cơ hội mới trong phát triển du lịch, dịch vụ được mở ra. Lượng du khách đến Hội An không ngừng tăng cao và trở thành điểm đến hấp dẫn trong nước và quốc tế.

Ngay từ sớm, TP Hội An đã xác định phải phát triển du lịch theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường, sinh thái. Thành phố đã lựa chọn 4 điểm du lịch chủ lực để làm bản đồ du lịch sinh thái cung cấp cho du khách, cùng với đó là định hướng phát triển du lịch bền vững trong phần lõi: Đô thị cổ Hội An. Nhờ định hướng này, 4 điểm du lịch sinh thái trọng điểm của Hội An đều đang được bảo vệ, chăm sóc và phát triển theo hướng bền vững.

Ngày 4/4/2022, làng rau Trà Quế chính thức được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đó, làng rau trở thành địa điểm tham quan thú vị, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Nghề mộc Kim Bồng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 11/2016, phát huy lợi thế phát triển du lịch. TP Hội An đã thông qua nghị quyết chuyên đề về đề án “Xây dựng làng quê - làng nghề sinh thái xã Cẩm Kim giai đoạn 2017 - 2025” với mục tiêu đến năm 2025, Hội An xác lập mô hình làng sinh thái, văn hóa, du lịch Cẩm Kim phát triển bền vững theo định hướng “Làng quê - làng nghề sinh thái”, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An.

Cuối tháng 5/2024 vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, đã ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động hướng dẫn tham quan tại làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, góp phần hình thành điểm tham quan mới, độc đáo phục vụ du khách khi đến với thành phố Hội An và góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, tạo ra giá trị gia tăng cho người dân từ chính nghề truyền thống của cộng đồng thông qua hoạt động du lịch./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận