Lấy - ghép đa tạng, chuyện phía sau những 'trận đánh' lớn

Đằng sau mỗi 'trận đánh' lớn là những lần cân não vì mục tiêu đem đến cơ hội sống tốt nhất cho người bệnh.

 

Chỉ 3 tháng sau "trận đánh" 30 Tết lấy - ghép 8 mô tạng và bộ phận cơ thể người, ngày 14/5/2024, Bệnh viện Trung ương Quân đội TWQĐ 108 đã tiến hành ca lấy - ghép đa tạng thứ hai trong năm 2024. Đằng sau mỗi “trận đánh” lớn là những lần cân não vì mục tiêu đem đến cơ hội sống tốt nhất cho người bệnh.

Hội chẩn xuyên đêm cùng những người lính quân y

01h00 ngày 14/5/2024 - chỉ 7 giờ trước khi "trận đánh" bắt đầu - Ban Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 và các đơn vị liên quan mới kết thúc cuộc hội chẩn thứ hai theo hình thức trực tuyến sau gần 2 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đại phẫu. Với tiêu chí chỉ thực hiện ghép tạng khi sức khỏe người bệnh đáp ứng tốt nhất, đảm bảo ca mổ an toàn nhất và khả năng phục hồi cao nhất, 4 cơ hội sống tuyệt vời được trao cho 4 người bệnh đủ tiêu chuẩn.

Gần 9 giờ trước, cuộc hội chẩn thứ nhất nhằm đánh giá lần cuối người bệnh được lựa chọn để ghép tạng đã được thực hiện. Theo Trung tâm Ghép mô và bộ phận cơ thể người, Bệnh viện TWQĐ 108, người hiến là nam giới sinh năm 2005, bị tai nạn giao thông 10 ngày trước, hôn mê sâu. Sau 8 ngày hôn mê, Trung tâm đã mời 3 chuyên gia độc lập đánh giá và đi đến kết luận người bệnh đã chết não. Khi biết người thân không thể qua khỏi, người nhà người bệnh đã nén đau thương đồng ý hiến tim, gan và 2 quả thận mong tìm lại cơ hội sống cho những người đang chờ được ghép tạng.

Chỉ thực hiện ghép tạng khi sức khỏe người bệnh đáp ứng tốt nhất, đảm bảo ca mổ an toàn nhất và khả năng phục hồi cao nhất. Ảnh: Truyền thông Bệnh viện

Giữa lúc mọi việc suôn sẻ, công tác đưa người hiến về quê nhà sau phẫu thuật lấy tạng đã sẵn sàng, gia đình cũng chuẩn bị nghi thức tâm linh, 8h sáng 14/5 tiến hành tri ân người hiến và gia đình...thì những vấn đề về sức khỏe của hai người được dự kiến sẽ nhận quả thận thứ hai và nhận gan cho thấy khó đảm bảo an toàn ca mổ cũng như hiệu quả phục hồi sau ghép tạng khiến không khí cuộc hội chẩn trở nên căng thẳng.

Nếu như người bệnh nhận quả thận thứ hai là người cao tuổi (sinh năm 1965) với đái tháo đường, đặt stent động mạch vành, viêm gan...khiến nguy cơ gặp sự cố trên bàn mổ rất cao, thì người bệnh nhận gan là một chàng trai còn rất trẻ (sinh năm 2004) nhưng có 2 năm bị xơ gan teo mất bù chưa rõ nguyên nhân và đã phải phẫu thuật cắt lá lách cũng trong năm 2022. Đáng chú ý là người bệnh này đã phẫu thuật lấy huyết khối tĩnh mạch cửa tại một bệnh viện lớn ở TPHCM nhưng không lấy hết được. Điều khiến các chuyên gia, bác sĩ băn khoăn là cả hai bệnh viện lớn với trang thiết bị hiện đại đều không thể tìm ra nguyên nhân gây xơ gan, người bệnh cũng không lạm dụng rượu bia, phải chăng huyết khối tĩnh mạch cửa là nguyên nhân chính? Nếu đúng như vậy, ghép gan liệu có thể cứu sống được người bệnh không? Có đảm bảo sau một thời gian ghép, bệnh cũ không tái phát?

Chỉ thực hiện ghép tạng khi sức khỏe người bệnh đáp ứng tốt nhất, đảm bảo ca mổ an toàn nhất và khả năng phục hồi cao nhất. Ảnh: Truyền thông Bệnh viện

Hàng loạt câu hỏi chuyên môn được nâng lên đặt xuống, phân tích trên rất nhiều khía cạnh nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả phục hồi tốt nhất cho người bệnh. Trước những câu hỏi khó về bệnh sinh chưa có câu trả lời thỏa đáng, vị "Tổng chỉ huy" - Thiếu tướng GS.TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108, chỉ đạo: "Sẽ phải tích cực tìm các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho hai ca bệnh này nhằm giúp người bệnh cải thiện sức khỏe, sẽ xem xét ghép sau nếu có chỉ định. Còn trước mắt, các đơn vị liên quan khẩn trương tìm người nhận phù hợp bởi người hiến thuộc nhóm máu B, chỉ có thể cho được những người cùng nhóm máu B và nhóm AB. Thông tin về tạng hiến cũng được đẩy lên cổng điện tử của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để không bỏ lỡ cơ hội của những người bệnh đang nằm trong danh sách chờ ghép".

Cẩn trọng trong từng thao tác để lấy tạng. Ảnh: Truyền thông Bệnh viện

Tim nhân tạo Heartware và 6 giờ phẫu thuật

"Có nhịp tim rồi!" - có tiếng reo khe khẽ trong phòng ghép tim khi qua máy điện tâm đồ, tâm thất trái của người bệnh nữ sinh năm 1985, quê ở Mường Lát, Thanh Hóa đã hiện nhịp tim đầu tiên. Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 cùng tất cả những người đang theo dõi cuộc phẫu thuật kéo dài gần 6 giờ đồng hồ này thở phào nhẹ nhõm. Riêng Đại tá TS.BS Ngô Vi Hải - phẫu thuật viên chính thực hiện ca ghép tim này - và ekip vẫn bình thản thực hiện thao tác để đảm bảo không xảy ra sai sót trong quá trình phẫu thuật.

Những nhịp tim đầu tiên sau ghép. Ảnh: Truyền thông Bệnh viện

May mắn đã mỉm cười với người bệnh Vi Thị T., là một điều dưỡng sinh năm 1985, trú tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Cách đây 5 năm, chị T. bị suy tim và được các nhà hảo tâm tặng tim nhân tạo bán phần Heartware với trị giá gần 4 tỷ đồng và đặt vào ngày 19/5/2019. Khi chỉ còn 6 ngày nữa là đến hạn thay thiết bị, mà với điều kiện kinh tế của mình, chị T. không thể mua thiết bị mới, thì Bệnh viện TWQĐ 108 có nguồn tim hiến. Ngay lập tức, chị T. được đưa từ Mường Lát, Thanh Hóa ra Hà Nội, còn người bệnh nhận gan cũng được đưa từ Bệnh viện Bạch Mai sang. Đồng thời, sau khi sàng lọc 5 bộ hồ sơ bệnh án tại bệnh viện, người bệnh nhận quả thận thứ hai cũng được lựa chọn với những thông số đảm bảo sức khỏe và cơ hội phục hồi cho ca ghép.
Công tác đào tạo cần tầm nhìn 20 - 30 năm. Ảnh: Truyền thông Bệnh viện

Đây là ca ghép tim thứ hai được thực hiện tại Bệnh viện TWQĐ 108 và cả hai ca đều do TS Ngô Vi Hải thực hiện chính. Ở ca ghép đầu tiên, người bệnh nam 53 tuổi đã được ra viện sau 4 tuần (một trong 6 người bệnh được ghép tạng vào 30 tết Giáp Thìn - 9/2/2024). Tuy nhiên, ca ghép thứ hai này có phần khó khăn hơn, bởi người bệnh được đặt tim nhân tạo 5 năm và có dấu hiệu bị dính nên việc bóc tách rất khó khăn. Chỉ tính riêng thời gian bóc tách thiết bị đã chiếm hơn 3 giờ đồng hồ.

"Lần đầu tiên tại Việt Nam ghép tim cho người bệnh được đặt dụng cụ hỗ trợ thất trái, đồng thời cũng là lần thứ 6 Bệnh viện TWQĐ 108 tiến hành lấy - ghép đa tạng tại bệnh viện, chưa bao gồm những lần hỗ trợ các bệnh viện khác như tham gia lấy đa tạng xuyên đêm tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh. Có thể thấy, ở bệnh viện chúng tôi, các bác sĩ đã có thể triển khai kỹ thuật này một cách thuần thục và bài bản" - TS Ngô Vi Hải cho biết.

Cho đi là còn mãi

Theo GS.TS Lê Hữu Song, đó là kết quả của quá trình mấy chục năm triển khai công tác đào tạo một cách nghiêm túc, có trọng điểm. “Những thầy thuốc đang thực hiện ghép tạng ở Bệnh viện TWQĐ 108 hiện nay là những chuyên gia trong suốt hơn 20 năm qua liên tục trực tiếp tham gia phẫu thuật, triển khai các xét nghiệm, phương pháp sàng lọc khám, chữa bệnh, phương pháp điều trị trước và sau ghép. 20 - 30 năm trước, họ được Nhà nước và quân đội cử đi đào tạo ở Pháp, Nhật, Đức, Hàn Quốc và nhiều nước khác về các kỹ thuật gần với ghép, những kỹ thuật này đã trở thành thường quy và thường xuyên ở bệnh viện trước khi triển khai ghép tạng” - GS.TS Lê Hữu Song cho biết.

Các bác sĩ thành kính tri ân bệnh nhân hiến tạng cứu người. Ảnh: Truyền thông Bệnh viện

Lấy - ghép đa tạng từ người hiến chết não không còn là chuyện riêng của những người tham gia trực tiếp, mà đã thành việc chung của toàn Bệnh viện TWQĐ 108 bởi nó đòi hỏi sự đồng bộ của hệ thống trang thiết bị và nhân lực, từ phòng mổ, kiểm soát nhiễm khuẩn, cung cấp dược, trang thiết bị, hồi sức, xét nghiệm đến công tác xã hội, hành chính... Các ca ghép thành công dấy lên niềm hy vọng cho người bệnh đang chờ được ghép. Đó cũng là nguồn động viên đối với những gia đình đã có nghĩa cử cao đẹp hiến tạng của người thân không may bị chết não, giúp họ cảm nhận dường như người thân của mình vẫn còn đâu đây, ở một nơi nào đó đang sống một cuộc đời trọn vẹn…

Đến 31/12/2023, tổng số ca ghép tạng tại Việt Nam là 8.302 ca, nhiều nhất là vào năm 2022 (1.004 ca) và năm 2023 (1.002 ca). Tuy nhiên, 95% là ghép mô tạng từ người hiến sống, các ca ghép từ người hiến chết tim, chết não lại rất khiêm tốn (400 ca, chiếm 5%) đi ngược so với xu hướng trên thế giới. Đây là một vấn đề đặt ra cho toàn xã hội. Cần cùng nhau thay đổi để thấm nhuần triết lý "Cho đi là còn mãi".

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận