Căn cước điện tử, bước quan trọng xây dựng xã hội số

Căn cước điện tử là nội dung được bổ sung tại dự thảo Luật Căn cước so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014.

 

Căn cước điện tử là nội dung được bổ sung tại dự thảo Luật Căn cước so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014. Đây là bước đi quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

Đổi tên thẻ căn cước không phát sinh thủ tục, chi phí

Theo Bộ Công an, trong xã hội số, việc định danh, xác thực con người cụ thể trên không gian mạng là yêu cầu cấp thiết. Nhiều nước trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển, đã và đang đầu tư nhiều nguồn lực để tạo dựng nên hệ thống định danh của quốc gia. Đây cũng là yêu cầu quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số ở nước ta. Do vậy, việc bổ sung quy định trong dự án Luật Căn cước về căn cước điện tử; danh tính điện tử của công dân Việt Nam; kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử; sử dụng căn cước điện tử là thực sự cần thiết.

Việc đổi tên thẻ căn cước không phát sinh thủ tục, chi phí.

Dự thảo Luật đã quy định nhiều nội dung về căn cước điện tử như: Căn cước điện tử; danh tính điện tử của công dân Việt Nam; kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử; sử dụng căn cước điện tử; khóa, mở khóa căn cước điện tử. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý, bổ sung quy định rõ về thông tin trong căn cước điện tử, thẩm quyền cấp căn cước điện tử, giá trị sử dụng của căn cước điện tử… cho rõ ràng, đầy đủ.

Ở nước ta hiện nay đang có tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động trên toàn quốc là hơn 140 triệu, trong đó thuê bao di động chiếm 93,3%. Hệ thống internet đã phủ sóng trên 99,7% số thôn trên toàn quốc. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới tất cả các xã, phường, thị trấn, trường học và 91% thôn bản. Vùng phủ 3G/4G đã lên tới 95% dân số, đưa Việt Nam tiệm cận mức phổ cập internet cao nhất, tương đương với những quốc gia phát triển. Như vậy, việc thực hiện giao dịch điện tử, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử sẽ ngày càng phổ biến ở nước ta.

Dự án Luật Căn cước do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã được Chính phủ trình Quốc hội khoá XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Việc xây dựng dự án luật là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật CCCD năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số.

Dự án Luật Căn cước nhằm giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Do đó, việc chỉnh lý tên gọi của dự án luật từ “Luật CCCD (sửa đổi) thành “Luật Căn cước” cũng nhằm bảo đảm cụ thể hoá các chính sách. ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) cho rằng, việc chỉnh lý tên luật như vậy là cần thiết, vì thể hiện đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án luật lần này, đặc biệt là đối với người gốc Việt Nam, hay căn cước điện tử. Đồng thời, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là định danh, xác định rõ danh tính từng con người cụ thể. Việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên luật không hề tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch, cũng như địa vị pháp lý của công dân.

Thêm vào đó, nội dung Luật Căn cước cũng đã phân biệt việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận căn cước cho những người chưa có đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam.

Trong xã hội số, việc định danh, xác thực con người cụ thể trên không gian mạng là yêu cầu cấp thiết

Không bắt buộc công dân thực hiện cấp đổi, cấp lại thẻ

Theo dự thảo luật, việc đổi tên thẻ không hề phát sinh thủ tục, chi phí của ngân sách nhà nước cũng như chi phí của xã hội, bởi lẽ, Điều 46 dự thảo luật quy định, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, thẻ CCCD vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. CMND cấp trước thời hạn luật này có hiệu lực được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Còn thẻ CCCD đã được cấp thì người dân tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, khi công dân đến tuổi phải đổi thẻ thì sẽ được cấp đổi sang thẻ căn cước và hoàn toàn miễn phí.

Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi đề ra nhiều quy định về căn cước công dân, đề xuất thay đổi một số thông tin trên mặt trước và mặt sau của thẻ. Theo đó, những thông tin tại mặt trước của thẻ sẽ thay đổi so với mẫu cũ gồm: số căn cước công dân đổi thành mã số định danh cá nhân (vẫn là dãy số 12 chữ số như trước đây), đổi “quê quán” thành “nơi đăng ký khai sinh”, và thông tin “nơi thường trú” được đổi thành “nơi cư trú”. Việc thay đổi, tích hợp thông tin này không bắt buộc công dân phải thực hiện cấp đổi, cấp lại thẻ. Các thông tin này sẽ được hiển thị, tích hợp thông qua tài khoản VNeID, sau đó sẽ kết nối trực tiếp với hệ thống dữ liệu để hiển thị thông tin lên thẻ cho người dân mà không cần thông qua làm hồ sơ cấp đổi, cấp lại căn cước công dân./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận