10 năm nâng cao chất lượng phòng chống bệnh truyền nhiễm

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm và Hội thảo "Bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi".

 

Ngày 11/12/2023, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, 5 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu y học lâm sàng Việt - Đức và Hội thảo khoa học "Bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi"

Luôn sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, trên thế giới và Việt Nam có rất nhiều bệnh truyền nhiễm tưởng chừng đã lùi rất xa nhưng vẫn là nỗi ám ảnh với người dân hiện nay khi chủ quan. Do đó, chủ đề về “Bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi” cũng như việc tôn vinh những nỗ lực của các cán bộ y tế nói chung, ngành truyền nhiễm nói riêng là rất quan trọng và cần thiết. Trong đó, đáng chú ý là những nỗ lực không ngừng nghỉ của Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm vẫn luôn ghi nhận các ca mắc bệnh sốt mò, uốn ván, liên cầu khuẩn lợn, whitmore, viêm màng não cầu thể ác tính…Có những bệnh truyền nhiễm mặc dù không gây dịch lớn, nhưng diễn biến cấp tính, tiến triển nặng, nguy kịch rất nhanh.

10 năm qua, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 đã chủ động tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch, phương án đối phó hiệu quả với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi và tái nổi xâm nhập, lây lan vào nước ta như: MERS-CoV, Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết do virus Ebola, Marburg, bệnh đậu mùa khỉ, bệnh lao, bệnh cúm, bệnh do màng não cầu và đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Trong đại dịch Covid-19, giai đoạn từ tháng 1/2020-10/2021, với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt, linh hoạt, Viện đã cùng các đơn vị trong bệnh viện làm tốt công tác phân luồng, khám sàng lọc, phát hiện, cách ly kịp thời người bệnh nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 không để dịch bệnh thâm nhập, lây lan trong bệnh viện, góp phần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bệnh viện hoạt động ổn định. Các cán bộ nhân viên y tế của Viện, kể cả nữ cán bộ y tế đang mang thai cũng không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng dấn thân vào điểm nóng.

Trong đại dịch Covid-19, CBNV Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm đã không quản nguy hiểm, khó khăn, gian khổ, đồng hành cùng cả nước.

Thiếu tướng Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108, đánh giá: "Trong hơn 3 năm đại dịch Covid-19 càn quét, với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt, linh hoạt, cán bộ nhân viên Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm đã không quản nguy hiểm, khó khăn, gian khổ, đồng hành cùng cả nước, luôn đứng vững trên tuyến đầu chống dịch và đạt được nhiều thành tích vẻ vang, rất đáng tự hào. Viện cũng luôn sẵn sàng để tiếp tục đối phó với nhiều loại bệnh dịch mới nổi, tái nổi đang rình dập đe dọa như hiện nay".

Cán bộ y tế làm trong lĩnh vực truyền nhiễm luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm bởi "đối tượng" chính là các mầm bệnh có thể gây chết người và lây lan rất nhanh. Do đó, nếu không làm tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo hộ thì nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm bệnh đầu tiên, đây là những bài học đau xót đã từng cướp đi sinh mạng nhiều nhân viên y tế trong đại dịch Covid-19 mới đây hay dịch SARS trước đó.

Cán bộ y tế làm trong lĩnh vực truyền nhiễm luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm.

Thách thức với các y, bác sĩ chống nhiễm khuẩn hiện nay chính là thực trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam. Tốc độ phát minh kháng sinh không theo đổi với sự phát triển của vi khuẩn, nên trong quá trình điều trị, các bác sĩ thường xuyên gặp tình trạng có loại vi khuẩn đa kháng, kháng rộng, toàn kháng với kháng sinh. Có những bệnh nhân khi được nuôi cấy ra vi khuẩn nhưng không còn kháng sinh hiệu quả, bác sĩ không còn vũ khí trong tay để điều trị nên chỉ còn cách tối ưu hóa liều, tăng liều, xử lý hài hòa làm sao hiệu quả cao nhất.

Không ngừng hoàn thiện

Tiền thân của Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm là Khoa Truyền nhiễm thành lập từ năm 1956. Đây là một trong những đơn vị gắn liền với sự phát triển Bệnh viện TWQĐ 108 trong suốt hơn 70 năm qua. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Khoa Truyền nhiễm đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu phòng chống sốt rét, dịch bệnh và đã cử hơn 30 đoàn cán bộ đi chống dịch trong các đơn vị quân đội, có 5 lần đi chống dịch tại Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Các công trình nghiên cứu về phòng chống sốt rét của Khoa do GS Bùi Đại chủ trì đã được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 1999; GS Bùi Đại và GS Vũ Bằng Đình tham gia cụm công trình nghiên cứu sản xuất chế phẩm Artemesinin từ cây Thanh hao hoa vàng điều trị sốt rét được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, Khoa Truyền nhiễm đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng: danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba. Về cá nhân: Thiếu tướng GS.TSKH Bùi Đại được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 5 đồng chí được phong quân hàm cấp Tướng và nhiều cá nhân nhận các phần thưởng cao quý khác.

Ngày 11/12/2023, trên cơ sở Khoa Truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm được thành lập, Viện trưởng đầu tiên là Thượng tá PGS.TS Lê Hữu Song, nay là Thiếu tướng Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108. Hiện nay, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm có 74 cán bộ nhân viên, trong đó có 6 Tiến sĩ, 03 Thạc sĩ, có trình độ và kinh nghiệm trong chẩn đoán điều trị bệnh, 100% cán bộ quản lý đều đã tu nghiệp tại nước ngoài.

Viện luôn sẵn sàng để tiếp tục đối phó với nhiều loại bệnh dịch mới nổi, tái nổi đang rình rập.

Hằng năm, Viện khám bệnh kê đơn điều trị ngoại trú khoảng 60.000 lượt người bệnh, thu dung điều trị nội trú gần 4.500 người bệnh, cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực gần 1.000 người bệnh nặng, nguy kịch. Đã cấp cứu, điều trị thành công nhiều bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm khó chẩn đoán, bệnh hiếm gặp, bệnh nguy hiểm, bệnh kết hợp với bệnh nền nội - ngoại khoa phức tạp.

Viện luôn chú trọng duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác với các trung tâm y học của Cộng hòa liên bang Đức, Hoa Kỳ, Israel, Cộng hòa Pháp, Cuba, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh. Viện là đơn vị có vai trò chủ đạo trong việc hợp tác với Viện Y học Nhiệt đới Tuebingen, CHLB Đức để thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm nghiên cứu Y học Việt Đức.

Đại học Tuebingen (Cộng hòa liên bang Đức) trao quyết định bổ nhiệm Giáo sư cho Tiến sĩ Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Nhân dịp này, Đại học Tuebingen (Cộng hòa liên bang Đức) trao quyết định bổ nhiệm Giáo sư Đại học Tuebingen cho Tiến sĩ Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Theo Luật của Đức và thoả thuận giữa trường ĐH và cá nhân Giáo sư Lê Hữu Song, quyết định này có hiệu lực 6 năm, bắt đầu từ tháng 1 năm 2024 đến hết năm 2029. Đây là một quyết định vô cùng quan trọng trong xây dựng nhân lực bằng một mô hình đào tạo mới của Bộ Quốc phòng nhằm có nhiều hơn nữa các Giáo sư hoạt động khoa học trong và ngoài quân đội có cơ hội trở thành Giáo sư ở các Trường ĐH nước ngoài

Hiện nay, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm đang được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và phấn đấu trở thành cơ sở điều trị, nghiên cứu đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế, ứng phó kịp thời hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, tái nổi và sẵn sàng phòng chống vũ khí sinh học.

Đại tá Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm cho biết, Viện đã phát triển, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực, chăm sóc bệnh nhân nặng, nguy kịch như: Lọc máu liên tục (200-250 lần/năm), lọc thay thế huyết tương (100 lần/năm), thở máy chức năng cao (4.000-5.000 ngày/năm), theo dõi huyết động bằng hệ thống PiCCO, theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn, đặt ống nội khí quản cấp cứu, mở khí quản, điều chỉnh các rối loạn toan-kiềm, nước-điện giải và các kỹ thuật điều trị hồi sức tích cực khác.

Những cống hiến và thành tích đó đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý như Bằng khen, Giấy khen của Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng và Bệnh viện. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 10 năm truyền thống, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ./.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của Viện Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm đã được tặng giải thưởng quốc gia và quốc tế: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ năm 2017; Giải thưởng Alexander Yersin năm 2018 và năm 2020; Giải nhất Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ (VIFOTEC) năm 2018; Giải thưởng WIPO của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2018 và được cấp 06 Bằng sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ.

Nguồn ảnh: Bệnh viện TWQĐ 108

 

Bình luận

    Chưa có bình luận